Khi những đứa trẻ chơi với nhau có thể xảy ra những mâu thuẫn, xung đột. Lúc này, nhiều bậc phụ huynh ngay lập tức sẽ bênh vực con mình dù chưa biết đúng sai, phải trái. Thậm chí, nhiều người còn trách móc, đánh mắng đứa trẻ kia. Đây là hành vi thiếu chuẩn mực, để lại hậu quả nặng nề trong tâm lý những đứa trẻ.
Một câu chuyện sau đây khiến nhiều người phải suy ngẫm cách ứng xử khi trẻ xảy ra xung đột. Phía dưới căn chung cư nằm tại thành phố Phúc Kiến (Trung Quốc) có 2 đứa trẻ đang chơi đuổi bắt. Trong lúc cả 2 đang rượt đuổi, một trong hai đứa trẻ vấp phải hòn đá nên ngã sõng soài dưới đất. Đứa trẻ bật khóc nức nở, dù đã được bạn an ủi nhưng có lẽ vì quá đau và hoảng sợ nên nước mắt không ngừng tuôn trào.
Người bố ngồi gần đó đang sử dụng điện thoại, nghe thấy tiếng khóc của con bèn chạy ra xem. Khi thấy con nước mắt ngắn nước mắt dài, chân tay xây xát, quần áo lấm lem, người bố đã vô cùng tức giận. Chưa hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện, người bố tưởng con mình bị đánh liền giang tay đánh vào người đứa trẻ kia một cái, không quên trách mắng, nạt nộ. Cả 2 đứa trẻ đều khóc òa lên.
Sau đó, cậu bé bị ngã mếu máo nói với bố: "Sao bố lại đánh bạn con? Con không khóc vì bị bắt nạt mà khóc vì giận bố. Con tự ngã và bạn ấy đã an ủi con".
Nghe con nói vậy, người bố cảm thấy vô cùng xấu hổ và hối hận vì đã trách nhầm đứa trẻ kia. Sau đó, người bố đã dỗ dành con trai mình và bạn của con, đưa 2 cậu bé đi mua đồ ăn và đến tận nhà xin lỗi gia đình cậu bé kia.
Khi cuộc chơi của con xảy ra vấn đề, cha mẹ nên bình tĩnh tìm ra nguyên nhân vấn đề, thay vì nóng giận trách mắng. (Ảnh minh họa)
Khi những đứa trẻ chơi với nhau có thể xảy ra nhiều vấn đề. Một trong vấn đề đó là cãi vã, mâu thuẫn, xung đột. Khi thấy vậy, cha mẹ nên "gỡ rối" cho trẻ bằng những phương pháp sau đây.
1. Giúp con đặt mình vào cảm xúc của người khác
Ở độ tuổi còn non nớt, trẻ thường có suy nghĩ đặt mình lên trên hết và ít khi để ý đến cảm xúc người khác. Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con phát triển sự đồng cảm bằng cách để con suy đoán xem người bạn của con đang cảm thấy thế nào. Ngoài ra, cha mẹ có thể nói cho con biết về những suy nghĩ, cảm nhận của bạn sau khi xảy ra xung đột để trẻ đặt mình vào vị trí của bạn, thay vì chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình.
Khi ấy, trẻ có thể nhận ra không chỉ mình cảm thấy buồn và tức giận mà bạn cũng cảm thấy vậy. Điều này giúp trẻ nhanh chóng thoát khỏi sự bực tức. Trẻ sẽ cảm thấy có lỗi và chủ động làm lành với bạn.
2. Khuyến khích con nghĩ giải pháp
Thay vì áp đặt một giải pháp cho vấn đề tranh chấp của con, cha mẹ hãy đặt những câu hỏi trong tình huống để trẻ tìm cách giải quyết. Thường thì trẻ sẽ đưa ra một số giải pháp khá sáng tạo và cảm thấy hãnh diện trước lựa chọn ấy.
Từ cách giải quyết của trẻ, cha mẹ hãy âm thầm đánh giá mức độ phù hợp và đưa ra lời khuyên hữu ích.
Khi mâu thuẫn xảy ra, cha mẹ cần khuyến khích con nghĩ cách giải quyết. (Ảnh minh họa)
3. Khuyến khích con làm lành với bạn
Bất cứ cuộc tranh chấp nào cũng để lại tổn thương về mặt cảm xúc. Tuy nhiên, tranh cãi không có nghĩa là chấm dứt tình bạn. Các ông bố bà mẹ cần giúp con hiểu được điều này, sau tất cả con vẫn có thể làm hòa và tiếp tục chơi với bạn.
Tuy nhiên, trong một số tình huống, trẻ không thể giải quyết mâu thuẫn. Lúc đó, phụ huynh cần trở thành trọng tài hỗ trợ con. Bất cứ khi nào một cuộc xung đột trên sân chơi xuất hiện các hành động bạo lực thì đều là tình huống nguy hiểm và cần có sự can thiệp kịp thời từ bố mẹ.
Khi can thiệp mâu thuẫn của con với bạn, các bậc phụ huynh cần áp dụng các điều sau:
- Làm dịu và trấn tĩnh con: Khi thấy con đang bực tức, việc làm ngay lúc này của bố mẹ là giúp con bình tĩnh. Bạn có thể yêu cầu con đi bộ một đoạn đường ngắn, hít thở sâu, đếm từ 1 đến 10 hoặc nhiều hơn. Sau đó mới tiến hành các bước xử lý tiếp theo.
- Lắng nghe để hiểu nguồn gốc vấn đề: Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân và việc tìm hiểu chi tiết nguyên nhân chính là cách giúp bố mẹ tìm ra giải pháp. Bạn không nên trách mắng hay đánh con trước mặt bạn. Vì điều này khiến con cảm thấy xấu hổ và đặc biệt nguy hiểm nếu con bị oan ức.
- Không nên đổ lỗi ngay cho những đứa trẻ khác và phụ huynh của chúng: Khi thấy con bị bắt nạt, nhiều phụ huynh khó làm chủ được hành vi mà ngay lập tức trách mắng, đổ lỗi cho những đứa trẻ khác. Đây là điều không nên làm vì đổ lỗi sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên đánh giá công bằng để biết nguyên nhân đến từ phía nào. Sau đó, hãy giảng giải cụ thể cho trẻ hiểu.