Nhiều sinh viên bức xúc khi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo học phí chương trình chuẩn với tân sinh viên khoá 2023 dao động 13 - 16,25 triệu đồng/học kỳ (tăng khoảng 20% so với năm trước). Hầu hết sinh viên đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các trường đại học khác không tăng hoặc chỉ tăng 7 - 10% so với năm ngoái, thì Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đưa ra mức học phí quá cao, trở thành gánh nặng lớn cho người học.
Nhà trường cũng thông báo học phí các khoá còn lại dao động 693.000 - 827.000 đồng/tín chỉ (năm ngoái mỗi tín chỉ khoảng 555.000 đến 652.000 đồng).
Ngay sau đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã phải tổ chức buổi gặp gỡ sinh viên để đối thoại về việc tăng học phí này.
Thông báo tăng học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Theo đại diện Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM giải thích, mức học phí khóa tuyển sinh 2023 đã được trường công bố trong đề án tuyển sinh từ hồi tháng 5/2023. Tuy nhiên, từ đó đến nay trường chưa thu vì còn chờ kết luận của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về sửa đổi Nghị định 81. Riêng chương trình chất lượng cao, trường giữ mức thu cũ 28 - 46 triệu đồng mỗi năm, như đã cam kết.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tự chủ hoàn toàn (tự chi thường xuyên và chi đầu tư) và sẽ thực hiện đúng quy định nếu tăng học phí. Hiện trường xác định chi phí đào tạo một sinh viên ngành Kỹ thuật là 29 triệu đồng/năm. Chi phí này với sinh viên kinh tế khoảng 26 triệu đồng. Như vậy, mức thu học phí với tân sinh viên khoá 2023 là tương đương với chi phí đào tạo.
"Các năm trước, trường thu học phí thấp là vì chưa xây dựng đề án định mức kinh tế - kỹ thuật. Hiện nay, trường đã xác định chi phí đào tạo từng sinh viên theo mỗi ngành nghề nên phải thu đúng để trang trải kinh phí", vị đại diện nêu rõ.
Trường cũng phân tích thêm, sau hai, ba năm không tăng học phí, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM gặp nhiều khó khăn để đầu tư, nâng cấp thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, chi phí vận hành. Nhà trường vận dụng nhiều cách từ kêu gọi hỗ trợ, huy động nguồn lực doanh nghiệp để trang bị hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, máy lạnh ở các phòng học.
Trong khối kỹ thuật nói chung, học phí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vẫn thấp hơn các trường khác. Người học cũng phải xác định, đại học là một cơ hội, học phí đại học một khoản đầu tư cho tương lai.
Vị đại diện này khẳng định: "Mức học phí thông báo trên là mức thu được xác định trên cơ sở Đề án kinh tế kỹ thuật đã được Hội đồng trường phê duyệt. Trong thời gian tới, khi Chính phủ và Bộ GD&ĐT có văn bản chính thức quy định về mức học phí cho năm học 2023-2024, nhà trường sẽ điều chỉnh theo đúng quy định".
Để chuẩn bị cho phương án tăng học phí, trường dự kiến trích lập quỹ hỗ trợ sinh viên từ nhiều nguồn, với số tiền hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn (tăng khoảng 60% so với năm trước).
Các sinh viên khó khăn có xác nhận của địa phương về hoàn cảnh đều được xét trợ cấp khó khăn vào mỗi học kỳ. Các sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn đột xuất cũng có thể liên hệ để được trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo nhà trường, trình bày hoàn cảnh và được xem xét giải quyết, hỗ trợ theo quan điểm không để sinh viên nào phải dừng học, hay phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.
Trước đó, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 về học phí. Theo dự thảo, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học 2023-2024 áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.
Nếu phương án này được thông qua, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng một tháng.
Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.