Trong nhiều video ngắn, bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là Xiaohongshu (nền tảng tương tự Instagram), một số bạn trẻ chia sẻ cuộc sống hàng ngày sau khi trở thành "con cái toàn thời gian", đổi lấy sự hỗ trợ tài chính bằng cách ở bên cạnh cha mẹ, làm việc nhà...
Người đàn ông 40 tuổi nghỉ việc lương cao, về nhà "làm con toàn thời gian" để bố mẹ trả lương mỗi tháng
Bà Trương, 68 tuổi, con trai duy nhất của bà, Tiểu Lý, 40 tuổi, trước đó đã có một công việc tốt ở Thượng Hải. 6 năm trước, bà Trương bị bệnh nặng, Tiểu Lý đã xin nghỉ phép gần hai tháng để về nhà chăm sóc mẹ. Sau khi bệnh tình của bà Trương thuyên giảm, Tiểu Lý trở lại thành phố lớn chưa được bao lâu thì nghỉ việc và trở thành "con trai toàn thời gian".
"Năm đó tôi phản đối con nghỉ việc, công việc của con từng là niềm tự hào của tôi. Nhưng có lẽ vì áp lực công việc quá lớn, chi phí sinh hoạt ở Thượng Hải cũng cao, tôi không thể nhẫn tâm nhìn con loay hoay như vậy, nên cứ tùy ý con vậy", bà Trương nói.
Ảnh minh họa
Một thời gian sau khi nghỉ việc, Tiểu Lý cũng tích cực tìm kiếm việc làm ở nhà, nhưng do hai năm hạn chế dịch bệnh, anh không thể tìm được công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Hai năm trôi qua, động lực tìm việc làm của Tiểu Lý cũng phai nhạt, bây giờ đã trở thành "con trai toàn thời gian", một lòng dốc sức cho công việc này.
Mỗi buổi sáng, Tiểu Lý nấu ăn cho bố mẹ và dọn dẹp nhà cửa. Nhờ "chứng ưa sạch sẽ", Tiểu Lý tìm thấy nhiều động lực để làm việc nhà mà không có một câu than vãn. Sau khi quét dọn, anh lại chuẩn bị nấu cơm trưa và tối. Thời gian còn lại, Tiểu Lý dành vào những việc như nghiên cứu cổ phiếu, tập thể dục, đọc sách, mỗi buổi tối còn có thể đi bộ, dắt chó đi dạo cùng bố mẹ.
Tiền lương hưu của bà Trương và chồng cộng lại khoảng 11.000 NDT/tháng (gần 37 triệu đồng). Mỗi tháng họ chu cấp cho Tiểu Lý 5.500 NDT (hơn 18 triệu đồng). Không tốn tiền ăn tiền ở, khoản chi ra hàng tháng rất ít, sau khi đóng bảo hiểm xã hội, Tiểu Lý còn tiết kiệm được một khoản.
Anh nói: "Trước kia ở Thượng Hải thu nhập mỗi tháng 20.000 NDT (hơn 66 triệu đồng) tiêu xài không thấy đủ, hiện tại nhu cầu hạ thấp, ngược lại còn có tiền tiết kiệm".
"Ngoại trừ hơi lo lắng con trai không tìm được vợ, cuộc sống của gia đình chúng tôi cũng hơn rất nhiều người", Bà Trương vui vẻ nói, "Nhưng độc thân có hạnh phúc độc thân, chỉ cần bản thân chấp nhận, tôi có lẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với mấy người bạn già cùng trang lứa".
"Con cái toàn thời gian" ngày càng đông, có phải là một kiểu "ăn bám"?
Phóng viên tờ Sina lưu ý rằng trong những năm gần đây, "con cái toàn thời gian" đã nhiều hơn, gần như trở thành một hiện tượng xã hội.
Một số phương tiện truyền thông nhận định rằng "con cái toàn thời gian" và "ăn bám" vẫn còn khác nhau. "Ăn bám" là chỉ hiện tượng những người trẻ tuổi ở nhà, không làm gì cả, phụ thuộc vào cha mẹ để nuôi sống bản thân. Và "con cái toàn thời gian" là chăm sóc cha mẹ, làm việc nhà như là "nghề nghiệp" của mình. Cũng giống như "bà nội trợ toàn thời gian", nghỉ việc ở nhà, nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, mặc dù không có "công việc chính thức", nhưng cũng đóng góp cho gia đình và tiết kiệm chi phí thuê người giữ trẻ.
Ngoài ra, sự gia tăng "con cái toàn thời gian" cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội vĩ mô nhiều mặt.
Trong số đó, quan trọng nhất là hai khía cạnh: Một, người trẻ tuổi thất nghiệp hoặc đang tìm kiếm, chờ đợi công việc tăng lên từng ngày. Hai, nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc.
Năm 2021, Trung Quốc chính thức bước vào một xã hội "già hóa sâu sắc", với người từ 64 tuổi trở lên chiếm hơn 14% tổng dân số và con số này tăng lên thành 14,9% vào năm 2022.
Theo quan điểm của không ít bạn trẻ cũng như cha mẹ, hiện nay, áp lực công việc của những người trẻ tuổi bước vào xã hội ngày càng lớn. Đặt lên bàn cân, "làm việc toàn thời gian ở nhà" lý tưởng hơn nhiều so với nơi làm việc "đổi tiền bằng sức khỏe", không cần đi sớm về muộn, ở nhà vẫn có thể đi làm, tiền nhiều việc ít, gần nhà, không có những góc khuất giữa người với người, còn bao ăn bao ở, còn tiết kiệm chi phí nhờ bảo mẫu chăm sóc cha mẹ...
"Nghề nghiệp mới" này liệu có khả thi?
Cuộc sống như thế nào, chỉ có người trong cuộc mới biết.
Có cư dân mạng nói thẳng, đằng sau là nỗi lo lắng việc làm khủng khiếp: "Nếu có thể tìm được một công việc lý tưởng lương cao, ai lại muốn nằm ở nhà?".
Cũng có cư dân mạng nói, rất thích cuộc sống gia đình hiện tại: "Cả gia đình vui vẻ sống bên nhau, hạnh phúc nhiêu đây cũng đủ".
Có người sau khi kinh qua nhiều bấp bênh trong công việc, chọn cách về nhà làm "con cái toàn thời gian": "Chỉ về nhà chữa lành, chữa khỏi rồi lại tiếp tục lên đường mưu sinh".
Cũng có cư dân mạng nói sau khi trở thành "con cái toàn thời gian", cảm thấy giá trị của họ rất thấp: "Bố mẹ thỉnh thoảng thể hiện sự bất mãn, bản thân rõ ràng cảm thấy không thoải mái, nhưng không dám đưa ra sự phản kháng nào, bởi vì thực sự vẫn còn dựa dẫm vào họ".
Một số người nghĩ rằng "con cái toàn thời gian" là "ăn bám kiểu mới", trở về để trốn tránh áp lực làm việc. Nhiều người lại nghĩ đây cũng là một cách sống, không có gì xấu. Không ít người cho rằng đây chỉ là một trạng thái chuyển tiếp, làm "con cái toàn thời gian", đồng thời chuẩn bị cho việc học lên cao hơn hoặc tìm công việc tiếp theo.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Tôn Viên Viên ở Thượng Hải tin rằng sự lựa chọn của những người trẻ tuổi làm "con cái toàn thời gian" là một lựa chọn rất dễ hiểu.
Trong mắt người ngoài, "con cái toàn thời gian" không cần phải làm việc, ở nhà có thể sống thoải mái, nhưng trên thực tế sống tốt hay không chỉ có bản thân mới biết. Con cái toàn thời gian sống với cha mẹ, lâu dài phát sinh mâu thuẫn vì khác quan điểm, thói quen sinh hoạt và các vấn đề khác. Ngoài ra, các gia đình có con cái toàn thời gian có thể bị người đời kỳ thị, khó hiểu, đây cũng là một loại áp lực.
Nguồn: Sina