Dữ liệu được nêu trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện và định hướng sửa đổi Luật Giáo dục đại học, cuối tuần qua.
Tính đến cuối năm ngoái, cả nước có 2,3 triệu sinh viên, số học ở trường tư là hơn 506.000, chiếm 22%. Trong khi đó, năm 2019, số sinh viên ở các đại học tư thục chừng 314.300, chiếm 18,8%.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đánh giá từ năm 2019 đến 2024, số lượng sinh viên tư thục tăng trưởng nhanh sau một giai đoạn chững lại và sụt giảm hồi 2014. Ông dự đoán đến năm 2030, các trường tư thục nói chung và số lượng sinh viên nói riêng sẽ tiếp tục phát triển.
"Số lượng sinh viên tư thục có thể tăng gần gấp đôi hiện nay", TS Tùng nói.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chung nhận định. Vì thế, theo ông, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ về chất lượng, tránh đào tạo tràn lan.
Trong 264 cơ sở giáo dục đại học (đại học và cao đẳng sư phạm) hiện nay, 67 trường thuộc nhóm tư thục, tỷ lệ 25,4%.
Một số trường tư lớn như Đại học Văn Lang có quy mô đào tạo hơn 40.000 sinh viên, Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) hơn 37.000, Đại học Nguyễn Tất Thành hơn 30.000... Số này tương đương các trường công lập lớn như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân...
Theo quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 30%. Các trường tư giữ vai trò đa dạng hóa dịch vụ giáo dục đại học, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của người học và thị trường lao động.

Sinh viên trường Đại học Công nghệ TP HCM thực hành tại xưởng, tháng 3. Ảnh: HUTECH
Lệ Nguyễn