Đây là sản phẩm của Lê Trùng Dương, Nguyễn Ngọc Khoa, Phan Chí Bảo và Nguyễn Thị Nhi A, tham gia cuộc thi dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng, do Đại học bang Arizona, Mỹ, phối hợp với Down Việt Nam tổ chức.
Nhóm sinh viên năm thứ ba, trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ, nảy ra ý tưởng này khi thấy sự bất tiện của người dân nếu phơi quần áo vào những hôm trời mưa.
Lê Trùng Dương, trưởng nhóm, cho biết ở quê người dân thường phơi quần áo trên hàng rào hoặc sào rồi để đó đi làm, chiều hoặc tối về nhà mới thu đồ vào. Vì thế, những hôm trời mưa bất chợt, quần áo bị ướt sũng. Quá trình khảo sát người dân ở Cần Thơ, nhóm nhận thấy công nhân gặp khó khăn hơn cả.
"Nhiều người chỉ có hai bộ đồng phục, mặc xong là giặt phơi nhưng gặp hôm mưa, quần áo ướt hết, hôm sau không có đồ để mặc đi làm", Dương nói.
Nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ bên sản phẩm dàn phơi đồ tự động, ngày 27/1. Ảnh: Lệ Nguyễn
Sau hai tháng khảo sát, lên ý tưởng và gia công sản phẩm, giàn phơi đồ của nhóm được hoàn thiện. Giàn phơi gồm khung làm bằng sắt mạ kẽm, dài khoảng 2m, cao 1,5m. Bộ khung này có thể di chuyển bằng bánh xe gắn phía dưới. Phần hộp có mái dài 50 cm làm bằng nhựa dẻo.
Giàn phơi nhận dạng trời mưa thông qua bộ phận cảm biến nhỏ lắp trên mái. Khi có nước rơi trên mái, cảm biến sẽ xác định trời đang mưa. Thông tin được chuyển đến bộ phận điều khiển. Lúc này máy bật motor điện, sử dụng động cơ giảm tốc để tự động kéo đồ vào. Đến khi trời tạnh, quá trình này lặp lại, chỉ khác là máy sẽ phát tín hiệu để giàn phơi kéo đồ ra.
Ngoài chế độ tự động, giàn phơi có remote (điều khiển), dùng cho những lúc trời không mưa nhưng người dân vẫn muốn thu đồ vào.
"Nhóm đã thử nghiệm với 6 kg quần áo, máy nhận và phát tín hiệu sau 1-2 giây khi trời mưa và mất 7 giây để hoàn thành việc thu quần áo vào. Với kích thước như hiện tại, dàn phơi có thể chịu tối đa 8-10 kg quần áo. Đây là số lượng quần áo trung bình mỗi lần giặt của các hộ gia đình", Dương chia sẻ.
Giàn phơi tự động thu quần áo vào khi trời mưa. Video: Nhân vật cung cấp
Các sinh viên cho biết bộ khung sản phẩm có thể điều chỉnh to, nhỏ tùy vào nhu cầu của khách hàng, giá sản phẩm khoảng 3 triệu đồng. Giá này có thể giảm nếu sản xuất số lượng nhiều.
"Khi sản phẩm hoàn thiện, nhóm rất vui vì áp dụng được kiến thức đã học về tự động hóa, cơ điện tử để làm một sản phẩm có tính ứng dụng cao cho người dân", Dương kể, cho hay sản phẩm phù hợp với hộ gia đình ở cả nông thôn hay thành thị, giúp phơi quần áo mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và tiết kiệm thời gian.
TS Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ, đánh giá sản phẩm đơn giản, không quá khó về mặt kỹ thuật nhưng thiết thực trong cuộc sống. Theo thầy Hùng, để giàn phơi tiếp cận được người dùng tốt hơn, nhóm cần cải thiện mẫu mã, giảm giá thành.
Dương cho biết nhóm cân nhắc lắp pin năng lượng mặt trời lên mái che, tạo nguồn điện cho sản phẩm hoạt động thay vì phụ thuộc vào điện dân dụng. Ngoài ra, họ nghĩ đến việc áp dụng nguyên lý hoạt động của sản phẩm với giàn phơi đồ xếp gọn, gắn tường, phù hợp với hộ dân ở chung cư.
Lệ Nguyễn