Có một cuộc hội thoại giữa hai bố con như sau:
- Con không muốn học nhảy nữa?
- Tại sao?
- Nhảy mệt lắm bố ạ, ngày nào cũng phải tập những động tác cơ bản, con muốn học hát.
- Được, vậy thì học cái con thích.
Một tháng sau:
- Con không muốn học hát nữa.
- Sao thế?
- Con hát đến mức khàn giọng mà vẫn hát không hay, con muốn ra ngoài chơi.
- Thôi được rồi, con vẫn còn nhỏ, độ tuổi này là độ tuổi để chơi, bố mẹ sẽ không ép con.
10 năm sau, có một buổi biểu diễn văn nghệ mừng năm mới, các bạn mỗi người sẽ đăng ký một tiết mục, nhưng người con trong câu chuyện kia không biết làm gì nên lĩnh nhiệm vụ lau chùi và quét sàn. Cô bé về nhà, oán trách bố của mình.
- Lẽ ra, nếu ngày nhỏ con không thích, thì bố phải uốn, ép con. Con còn nhỏ không hiểu chuyện, bố là người lớn, bố cũng không biết hay sao?
Người cha không nói nên lời. Đây có lẽ cũng là câu chuyện mà nhiều gia đình gặp phải.
Làm thế nào để nuôi dưỡng cho trẻ một sở thích, một kĩ năng? Là "tôn trọng" ý kiến của con nhưng cuối cùng lại bị con trách ngược lại?
"Sao ngày xưa không ép con?"
Người ta nói rằng 99% trẻ em đều đã từng nói với cha mẹ rằng: Con không muốn học nữa. Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng không chỉ 99% trẻ em không muốn học mà ngay cả 99% người lớn cũng không muốn học.
So với việc "yêu học", "ghét học" có lẽ phù hợp với bản chất của trẻ hơn.
Nhưng liệu chúng ta có thể "tôn trọng" ý kiến của con mình vì điều này không?
Không thể! Vì làm như vậy đồng nghĩa với việc vô trách nhiệm với tương lai của trẻ.
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy thứ quyết định tương lai của một đứa trẻ không phải là IQ mà là sự kiên trì.
Nhưng trẻ con làm sao có thể hiểu được nhiều chân lý như vậy? Con trẻ sẽ chỉ nhìn thấy niềm vui trước mắt mà không biết những người không chịu học hành sau này sẽ phải chịu bao nhiêu khó khăn, vất vả. Nếu lúc này, ngay cả chúng ta, những bậc phụ huynh, cũng dễ dàng để con mình bỏ cuộc, vậy thì rất có thể sau này chúng sẽ hối hận rằng tại sao lúc trước không cắn răng kiên trì. Bản thân chúng ta cũng sẽ tự trách mình và cảm thấy có lỗi, tại sao ngay từ đầu không ép con, dẫu sao thì nó cũng chỉ mang tính giai đoạn?
Con trẻ không có tầm nhìn xa nhưng cha mẹ thì nên có
Nhà kinh tế học người Mỹ James J. Herman đã sử dụng kinh tế lượng để chứng minh rằng:
Đầu tư vào giáo dục cho trẻ ngay từ sớm sẽ cho ra lợi tức cao nhất.
Đầu tư 1 đô cho trẻ em từ 0-3 tuổi, sẽ nhận lại 18 đô.
Đầu tư 1 đô cho trẻ em từ 3-4 tuổi, sẽ nhận lại 7 đô.
Đầu tư 1 đô khi trẻ đang đi học tiểu học, sẽ nhận lại 3 đô.
Ở giai đoạn học đại học, đầu tư 1 đô sẽ chỉ nhận được 1 đô.
Hà Du Quân, con trai của vua cờ bạc nức tiếng Hồng Kông, là một ví dụ điển hình nhất. Người ta truyền tai nhau rằng Hà Du Quân là công tử, sinh ra đã ngậm thìa vàng, cả đời không phải lo lắng cơm áo gạo tiền. Nhưng anh không chọn cách tận hưởng nó, anh cũng không giống những công tử khác, cả ngày chỉ chìm đắm trong tận hưởng. Anh quyết tâm học tập chăm chỉ và được nhận vào trường Ivy League danh tiếng của Mỹ - MIT, nơi anh cũng lấy được bằng thạc sĩ. Hà Du Quân không chỉ có thành tích học tập xuất sắc mà còn rất tử tế với những người khác, anh hoàn toàn khác với những "tay chơi" không chịu học hành đàng hoàng.
Những đứa trẻ như vậy được giáo dục ra sao? Cha của Hà Du Quân thường nói: "Tôi dạy con phải làm việc chăm chỉ. Sự giàu có có thể không ở mãi bên con, nhưng kiến thức sẽ luôn mang lại cho con lợi ích".
Khi lớn lên, con trẻ sẽ biết rằng trên đời này có một thứ còn quan trọng hơn việc kiếm tiền, đó chính là thế giới tinh thần của một người.
Học tập chăm chỉ và làm phong phú thế giới nội tâm của bản thân có thể giúp một người hình thành nên tính cách tốt hơn, giúp mỗi cá nhân trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Cha mẹ nên rèn cho trẻ sự tập trung khi làm những việc nhỏ nhất
Một họa sỹ từng nói: "Giáo dục là gì? Nói một cách đơn giản, giáo dục chính là rèn luyện những thói quen tốt". Một vài phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các lớp học năng khiếu trị giá hàng chục triệu đồng nhưng cuối cùng chẳng đâu vào đâu.
Một bà mẹ có con được nhận vào trường đại học hàng đầu với số điểm gần như tuyệt đối nói với mọi người: "Khi tôi giúp con làm bài tập về nhà, tôi sẽ ngồi lại và học cùng con".
Một số bậc cha mẹ sẽ nói: "Tôi cũng làm vậy mà, khi con làm bài tập, tôi cũng ngồi bên cạnh nhìn con mà".
Vậy thì xin phép được hỏi các bậc phụ huynh, mọi người đã làm những việc sau chưa?
Không xem video và vặn dung lượng to khi con đang làm bài tập? Khi con bạn đang ôn bài, không sử dụng TikTok? Khi con cần ôn bài, không đi tiệc tùng?
Nhiều bậc cha mẹ cũng cùng con làm bài tập về nhà nhưng chỉ mang tính hình thức, thực tế con họ có bao nhiêu bài tập về nhà? Bài tập về nhà khó ra sao? Cha mẹ cũng không biết.
Nguyên nhân cơ bản khiến trẻ không muốn học là vì chúng gặp khó khăn, càng học càng chán nản, càng chán nản, càng thích nghĩ đến chuyện khác và mất tập trung, dẫn đến suy sụp tinh thần, cứ như vậy hình thành nên một vòng luẩn quẩn.
Trong khi việc cha mẹ cần làm, chỉ có một: Mỗi tối, cùng con giải quyết những gì con đã học trong ngày hôm đó.
Mỗi ngày, hãy hỏi con: Hôm nay con có bao nhiêu bài tập ở mỗi môn? Độ khó của từng môn học là gì? Con muốn bắt đầu như thế nào? Con muốn bắt đầu với môn học nào?
Nếu trẻ đang ở trạng thái vui vẻ, tràn đầy năng lượng, vậy thì nên bắt đầu với những môn khó nhất trước, khó trước dễ sau, để nâng cao hiệu quả làm bài tập.
Nếu trẻ đang ở trong trạng thái rất mệt mỏi, vậy thì trước tiên hãy làm một vài bài tập mang tính công thức, không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực về tinh thần, khi trẻ đã vào trạng thái, hãy bắt đầu với những bài tập khó hơn.
Trong quá trình này, chỉ yêu cầu trẻ một điều duy nhất, đó là sự tập trung. Hãy làm phần bài tập về nhà này trong nửa giờ, tập trung vào nó, làm xong rồi, làm bài tập khác. Không có nhiều thời gian để làm linh tinh nên nghĩ kĩ rồi hãy làm, làm xong rồi cũng đừng vội vàng chuyển sang bài tập khác, kiểm tra lại một lượt trước đã.
Con cái không có khả năng tự chủ nhưng cha mẹ phải có
Romain Rolland từng nói kẻ thù đáng sợ nhất của con người là thiếu đi sự kiên định.
Nếu cha mẹ không giúp con phát triển niềm tin này từ khi còn nhỏ, vậy thì ai sẽ giúp chúng khi chúng lớn lên?
Dương Dịch được nhận vào Đại học Thanh Hoa (ngôi trường đại học hàng đầu tại Trung Quốc) với số điểm cao nhất môn khoa học trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Cậu theo học tại Đại học Thanh Hoa để lấy cả bằng đại học và thạc sĩ.
Điều đáng nói hơn trình độ học vấn của cậu chính là: Tháng 1/2018, Dương Dịch lọt vào top 12 trong chương trình tạp kỹ The Strongest Brain - nơi quy tụ vô số cao thủ toán học.
Cậu đã giúp đội của mình giành chức vô địch với tỷ lệ thành công gần như không có lỗi, cậu cũng trở thành nhà vô địch của cuộc thi và được trao danh hiệu "Vua trí tuệ". Nhưng, ít ai biết được rằng, "Con không muốn học nữa" là câu nói mà ngay cả "Vua trí tuệ" Dương Dịch của chúng ta cũng từng nói với mẹ của mình.
"Lúc đó tôi đang học lớp 3, một buổi tối nọ, khi đang làm bài tập, tôi nhìn thấy lũ trẻ hàng xóm tụ tập đá bóng. Khi đó tôi làm một bài toán nhưng sai tới ba lần. Tôi cảm thấy chán nản, không muốn làm đống bài tập về nhà đó nữa. Tôi muốn ra ngoài chơi bóng đá.
Vậy nên tôi nói với mẹ: 'Mẹ ơi, con không muốn học nữa'.
Sau bữa tối, mẹ đã nói với tôi thế này:
\Gặp một câu hỏi khó, con không muốn làm, đó là chuyện hết sức bình thường, nhưng rất nhiều việc con cần dành thời gian ra để học, để tìm hiểu, con mới có thể biết cách giải quyết. Nếu con không chịu học, vậy thì tới lúc đi thi, khi gặp đúng câu hỏi này, con sẽ chỉ có thể ngồi nghĩ 'vốn dĩ mình đã có thể biết làm câu này rồi, vốn dĩ mình sẽ được điểm câu này mà', con có muốn mình như vậy không?'".
Những nỗi đau, những tiếc nuối trong cuộc sống thường không đến từ hai chữ "thất bại", mà nó đến từ "tôi vốn đã có thể làm".
Nếu lúc đó mẹ Dương Dịch không nghiêm khắc với con, vậy thì làm sao có được "vua trí tuệ" của hiện tại?
Bỏ cuộc vốn rất dễ, cái khó là sự kiên trì.
Học gì không quan trọng, dạy con trẻ tính kiên trì ngay từ khi còn nhỏ và nuôi dưỡng khả năng tiến lên qua những thất bại là điều quan trọng nhất.
Một thói quen học hỏi sẽ mang lại cho mỗi một cá nhân lợi ích suốt đời.
Trên thực tế, chỉ cần chú ý đến những người ưu tú trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn sẽ thấy rằng họ không thông minh hơn hay giàu có hơn bất kỳ ai khác, nhưng cái mà họ có là sự kiên trì, là khả năng học tập suốt đời.
Đừng để con bạn chọn cách tận hưởng ở độ tuổi mà chúng nên cố gắng nhất.
Cuốn sách có tên Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Vĩ Đại có viết như sau: "Trên đời này có rất nhiều thứ ngắn hạn, nhanh chóng và cho ra được kết quả ngay lập tức, nhưng cũng có rất nhiều thứ đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và sự kiên trì không ngừng nghỉ để đạt được kết quả to lớn. Chỉ là người ta thường đổ xô vào cái trước mà tránh cái sau".
Câu nói này, là bài học cho cả con trẻ, và cả người lớn chúng ta.