Khi tham gia các chương trình, hội nghị có yếu tố quốc tế, bạn thường sẽ được ban tổ chức phát cho một chiếc tai nghe. Nếu khả năng ngôn ngữ của bạn tốt và có thể nghe - hiểu trực tiếp những gì speaker (người nói - PV) nói, thì không phải đeo vào. Còn với những người còn nhiều rào cản ngôn ngữ thì sẽ chọn cách đeo tai nghe và khi đó, bạn có thể nghe - hiểu toàn bộ nội dung của speaker bằng tiếng mẹ đẻ. Giọng đọc trong đó chính là của những người làm công việc được gọi là dịch cabin.
Phiên dịch cabin là hình thức phiên dịch song song, đồng thời với người nói. Khi ấy, người phiên dịch sẽ được ngồi trong cabin cách âm, sử dụng các thiết bị hiện đại như tai nghe và microphone để có thể nghe và phiên dịch ngay lập tức. Trong các hình thức phiên dịch thì phiên dịch cabin là kỹ năng cao nhất của một phiên dịch viên chuyên nghiệp.
Dịch cabin nghe đã chuyên nghiệp và “ngầu”, nhưng nếu muốn thành công trong nghề này, bạn phải nỗ lực rất nhiều để trau dồi không chỉ khả năng ngôn ngữ, mà còn là kiến thức xã hội, khả năng diễn đạt, làm việc dưới áp lực… Để hiểu rõ hơn về nghề dịch cabin, dưới đây là chia sẻ của những “cabiner” về thực tế nghề này hiện nay và liệu nó có “màu hồng” như mọi người tưởng tượng hay không nhé!
Cần chuẩn bị những gì trước mỗi buổi dịch cabin?
Quỳnh Mai (SN 1996) là cựu sinh viên khoa tiếng Hàn, trường Đại học Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, cô đã có trên 5 năm theo nghề dịch. Ngoài dịch cabin, thì Mai còn có cơ hội làm MC tiếng Hàn, thông dịch viên cho nhiều chương trình hay người nổi tiếng Hàn Quốc. Liệt kê “sương sương”, Quỳnh Mai từng có cơ hội làm việc với những idol đình đám như: Lee Dong Wook, Jung Hae In, Lee Hi, Taeyang… hay nhiều nhóm nhạc nổi tiếng như: Aespa, SNSD, K.A.R.D…
Mai từng có cơ hội hợp tác và làm việc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc
Mai chia sẻ, trước mỗi buổi dịch cabin cô sẽ nghiên cứu kỹ tài liệu do BTC cung cấp trước để đảm bảo về mặt kiến thức. Dịch cabin là dịch song song với người nói ở những phần cần sự tương tác, hỏi đáp giữa diễn giả và khán giả hay những tình huống phát sinh. Ngay cả với những bài phát biểu được gửi từ trước do cần độ chính xác cao về mặt số liệu và thông tin thì vẫn không thể tránh khỏi tình huống người nói nói khác đi hay lược bỏ, thêm thắt chi tiết một cách ngẫu hứng… Những lúc như vậy, người phụ trách dịch cabin vừa phải nhìn vào kịch bản mà vừa phải nghe người nói để dịch sao cho chuẩn xác nhất.
Lúc này não bộ - tai - miệng phải hoạt động cùng lúc để xử lý thông tin, dưới áp lực về thời gian cùng với đó là yêu cầu về độ chính xác, khó khăn sẽ nhân lên gấp bội. Đây cũng chính là thử thách lớn nhất mà những người theo nghề dịch cabin phải đối mặt.
Cô Phạm Thị Thuỳ Vân (SN 1989) - Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả Rập, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch cabin cũng thường xuyên đau đầu với nhiệm vụ này. Cô cho hay luôn có những speaker không trình bày theo đúng kịch bản, nhiệm vụ của những cabiner lúc này là phải “nương” theo người nói.
“Nếu chỉ đơn giản là dịch theo bản in sẵn thì công việc này đã không được trả công cao đến vậy. Thông thường, trước mỗi buổi dịch cabin, ban tổ chức sẽ cung cấp cho bạn một số tài liệu để bạn nắm được nội dung hội nghị. Tuy nhiên không phải lúc nào tài liệu cũng được cung cấp đầy đủ, nhất là những bài phát biểu có tính ngẫu hứng, không có sự chuẩn bị trước hoặc các nội dung tọa đàm trao đổi. Vì vậy, bạn phải luôn sẵn sàng cho những tình huống đó”, cô Vân nói.
Không chỉ chuẩn bị kiến thức trong tài liệu mà ban tổ chức gửi kèm, mà cô Thùy Vân còn chủ động tìm kiếm các tin tức và thông tin liên quan đến chủ đề buổi phiên dịch. Cô sẽ ghi chú trước vào sổ tay những từ chuyên ngành liên quan và cũng bật một vài video có nội dung liên quan trên YouTube rồi dịch theo để tập dượt trước.
“Tiếng Ả Rập không có nhiều cơ hội dịch cabin như các ngôn ngữ khác nên mỗi khi có dịp, mình sẽ phải chuẩn bị rất cẩn thận để đảm bảo phong độ của mình”, cô Vân cho hay.
Cô Vân chuẩn bị rất kỹ trước mỗi buổi dịch cabin
Ngoài kiến thức hay tài liệu dịch, người tham gia dịch cabin cũng cần ưu tiên vấn đề bổ sung năng lượng, chuẩn bị sức khỏe cho buổi dịch diễn ra thật trơn tru. Nếu như Quỳnh Mai thường tranh thủ ăn uống thật no nê trước giờ G để một khi đã ngồi vào dịch là tập trung 100% thì Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1990, cựu sinh viên trường Đại học Ngân hàng) - MC song ngữ và phiên dịch viên chuyên nghiệp, còn chu đáo chuẩn bị thêm nước uống, cafe, kẹo ngậm ho tránh tình trạng mất sức. Bên cạnh đó, dù chỉ ngồi trong “cabin” nhưng Trúc Linh vẫn để ý lên đồ chỉn chu, lịch sự. Vest là ưu tiên của cô khi nó vừa thanh lịch vừa thoải mái, không gây ảnh hưởng đến quá trình ngồi dịch.
1001 kiếp nạn khi đi dịch cabin
Dù bạn đã theo nghề dịch lâu năm, hay chỉ là “newbie” khi mới vào nghề, thì việc mắc lỗi sai trong quá trình dịch thuật là không thể tránh khỏi. Một trong những kỷ niệm không thể nào quên của cô Thùy Vân là trong lần đi dịch cho nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp đoàn đại biểu quốc tế tại văn phòng chủ tịch nước trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức tại Hà Nội.
“Bài phát biểu của Chủ tịch nước được gửi trước cho mình, BTC yêu cầu mình gửi lại bản dịch để BTC kiểm tra và lưu trữ nhằm đảm bảo sự chính xác về mặt nội dung. Song, đến khi Chủ tịch nước phát biểu, bác đã không đọc bài phát biểu được chuẩn bị sẵn. Tình huống này khiến mình hơi bất ngờ. May mắn mình vẫn bình tĩnh và xử lý ổn thỏa”, cô Vân kể lại.
Một sự cố khác của cô Vân là khi speaker người Việt đọc những ca dao tục ngữ Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nhất thời, cô không thể tìm được câu tương đương trong tiếng Ả Rập nên cô chỉ có thể nói rằng đó là một câu ca dao về sự đoàn kết.
Khi đối diện với tình huống khó, cô Vân luôn vẫn bình tĩnh để xử lý ổn thỏa mọi thứ
Còn đối với Trúc Linh, đến giờ cô vẫn nhớ như in lần đầu được trải nghiệm cabin. Lúc đó, cô không dám mở miệng nói câu nào vì sợ mình sẽ dịch sai và bạn cùng cabin phải gánh hết “kiếp nạn” lần đó của cô.
“Tuy nhiên, ‘practice makes perfect’ (tạm dịch: Có công mài sắt có ngày nên kim - PV) là câu nói luôn đúng trong mọi trường hợp. Sự luyện tập liên tục cho não học cách tiếp nhận và xử lý thông tin cùng lúc bằng 2 ngôn ngữ sẽ giúp phản xạ nhanh hơn rất nhiều với các tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, do là newbie nên mình hiện chỉ nhận các job cabin có tài liệu và đề tài rõ ràng để có thể nghiên cứu từ vựng, đọc các tài liệu liên quan để hiểu, và để có chất liệu giúp phần diễn đạt trôi chảy hơn. Việc chuẩn bị thật tốt là việc không thể thiếu khi làm nghề này”.
Trúc Linh không thể nào quên lần đi dịch cabin đầu tiên của mình
Không học chuyên về ngoại ngữ có theo nghề dịch cabin?
Đa phần, xuất phát điểm của những người làm dịch thuật là học chuyên về ngoại ngữ. Tuy nhiên, không phải ai cứ tốt nghiệp ngành ngôn ngữ ra là có thể đi dịch cabin được mà tùy thuộc vào khả năng, mục tiêu, định hướng nghề nghiệp, sở thích của bạn trong tương lai.
Như Quỳnh Mai chẳng hạn, trước khi bắt đầu đi dịch cabin, Quỳnh Mai đã làm nhiều công việc liên quan đến tiếng Hàn. Sau nhiều năm trau dồi về kiến thức cũng như kinh nghiệm thì cô mới đủ tự tin để theo đuổi nghề này.
“Phiên dịch cabin là nghề rất khó không chỉ với tiếng Hàn mà còn với các ngôn ngữ khác, nên nếu chỉ ngồi trên ghế nhà trường thì khó có thể đủ kinh nghiệm thực chiến và kiến thức để làm nghề”, Mai nói.
Mai từng làm thêm rất nhiều công việc liên quan đến tiếng Hàn trước khi theo nghề dịch cabin
Hay như cô Thùy Vân, một thời gian dài sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Ả Rập tại trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 2011, cô Vân mới đủ tự tin để đi dịch cabin.
“Dịch cabin được gọi là một level cao mà người học ngoại ngữ nào cũng mong muốn được chinh phục, mình cũng vậy. Tuy nhiên dịch cabin là một công việc khá áp lực và căng thẳng bởi không phải lúc nào nội dung dịch cũng nằm trong tầm hiểu biết của mình. Công việc này cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ khi tai, não và miệng cùng làm việc song song. Sau mỗi buổi dịch cabin, mình có cảm giác mệt rã rời dù chỉ là ngồi trong cabin và nói”, cô Thùy Vân nhấn mạnh.
Vì là một công việc vô cùng khó nên phần lớn người theo nghề này đều có nền tảng ngoại ngữ tốt, từng theo học ngoại ngữ chuyên nghiệp ở hệ đại học hoặc hơn trong nhiều năm. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ.
Trúc Linh không có xuất phát điểm là một dân “chuyên ngữ” chính hiệu, cô theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Ngân hàng (TP.HCM). Vì yêu thích nghề nên cô nàng đã chủ động học các khóa về MC song ngữ, phiên dịch nối tiếp, phiên dịch cabin để trau dồi kỹ năng và kiến thức cho bản thân.
Dù công việc rất khó nhưng theo Trúc Linh, những bạn sinh viên muốn ra trường theo đuổi công việc này hay ngay kể cả những bạn học trái ngành, trái nghề nếu có quyết tâm thì không gì là không thể. Tuy nhiên, Linh lưu ý nghề phiên dịch không chỉ yêu cầu nền tảng kiến thức ngôn ngữ, mà còn có khả năng hiểu và truyền tải nội dung như một diễn giả thực thụ. Điều đó được bồi đắp từ việc tích lũy kiến thức và vốn sống, nên các bạn sinh viên cần nỗ lực khá nhiều để có thể làm công việc này.
Một cách để có thể rút ngắn thời gian luyện tập và ra nghề nhanh là chọn một nhánh chủ đề thế mạnh để theo đuổi. Trong trường hợp của mình, Trúc Linh đang tập trung vào mảng Giáo dục và Tài chính kỷ nguyên số. Vì đã từng học và làm việc trong 2 ngành này nên cô có sẵn một lượng kiến thức ngành phù hợp.
Trúc Linh xuất phát điểm không phải là dân chuyên ngữ
Đồng quan điểm, cô Thùy Vân nói mấu chốt không phải bạn mới ra trường hay ra trường lâu, mà là khả năng ngôn ngữ của bạn, đam mê của bạn với ngôn ngữ đó và thời gian luyện tập dịch cabin của bạn ra sao. Nếu bạn luyện tập dịch cabin từ năm thứ 3, thứ 4 thì khi ra trường bạn cũng đã có kinh nghiệm rồi.
Mức lương cho nghề dịch cabin là bao nhiêu?
Dù hiện tại chưa có thống kê cụ thể về mức lương cho nghề dịch cabin, nhưng theo nhiều cabiner, thù lao họ nhận được tương đối hậu hĩnh. Mức lương thường phụ thuộc vào khả năng, kinh nghiệm và thâm niên nghề nghiệp của bạn trong nghề nên sẽ không có một con số cụ thể nào cả. Ngoài ra, mức thu nhập của bạn còn liên quan đến độ “hiếm” mà ngôn ngữ bạn dịch nữa, nếu ngôn ngữ càng hiếm người học và thành thạo thì chi phí có khả năng càng cao.
Quỳnh Mai tâm sự, nếu như đã đạt đến trình độ phiên dịch cabin cho những hội thảo lớn thì thu nhập sẽ rất cao. Cô biết nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực dịch tiếng Hàn có thu nhập lên đến 1000-1200 đô la(khoảng 25 - 30 triệu đồng) sau mỗi buổi dịch cabin.
“Thật ra thu nhập cao hay thấp phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của bạn. Nhưng chắc chắn thu nhập của những người dịch cabin sẽ cao hơn thu nhập bình quân trên đầu người. Bạn sẽ là người đánh giá mức độ xứng đáng của đồng lương, dựa trên công sức nỗ lực bỏ ra, cùng với các chi phí cơ hội đi kèm”, Trúc Linh nói.
Cô Vân chia sẻ thêm: “Thu nhập của người dịch cabin sẽ thay đổi tuỳ theo ngân sách của từng sự kiện. Tuy nhiên, thường thì mình có cơ hội được đi dịch là vui rồi nên mức lương cũng không phải là tiêu chí đầu tiên”.
Cô Vân chia sẻ thu nhập của người dịch cabin sẽ thay đổi tuỳ theo ngân sách của từng sự kiện
Ảnh: NVCC