Trong những năm gần đây, bắt nạt học đường xảy ra thường xuyên và mức độ nghiêm trọng, tần suất cũng như khả năng che giấu của chúng ngày càng gia tăng. Mức độ, quy mô và cả nơi diễn ra các hành vi bạo lực cũng trở nên phức tạp hơn.

Bởi vì trẻ vị thành niên có khả năng kiểm soát cảm xúc yếu và nhu cầu tương tác mạnh mẽ với bạn bè nên chúng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè đồng trang lứa. Thường có hai vai trò trong bắt nạt học đường: học sinh bắt nạt và học sinh bị bắt nạt. Mọi người thường nghĩ rằng chỉ có kẻ bị bắt nạt mới bị tổn hại, nhưng nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu đã phát hiện rằng cả hai bên trong vụ bắt nạt đều là nạn nhân, thậm chí tâm lý của người là nhân chứng cũng bị bóp méo. Để đẩy lùi được vấn nạn này, cần có sự giáo dục xuyên suốt từ phía người lớn. Bên cạnh thầy cô giáo và nhà trường, vai trò của cha mẹ cũng cực kỳ quan trọng.

Vậy phụ huynh nên làm gì nếu con bị bắt nạt ở trường hay đơn giản là gặp mâu thuẫn với bạn bè?

Chấp nhận cảm xúc và mang lại cảm giác an toàn cho con

Trẻ sẽ rất dễ có những cảm xúc cực đoan sau khi bị bắt nạt, chẳng hạn như cực kỳ phản kháng trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và không muốn đến trường, bỏ bữa, lầm lì, không nói chuyện. Cha mẹ nên bao dung vào thời điểm này, vì trẻ đang trong trạng thái căng thẳng và cần được quan tâm, chăm sóc thay vì bị mắng mỏ thêm nữa.

photo-3-17117166640981395963909.png

Đánh giá thiệt hại và đưa ra biện pháp bảo vệ kịp thời

Một số vụ bắt nạt không chỉ gây tổn thương về tinh thần cho trẻ mà còn gây tổn hại về thể chất và nhiệm vụ của cha mẹ là phải kịp thời đánh giá mức độ tổn hại của con. Nếu bị thương tích về thể chất, chúng ta phải kịp thời hỏi thăm tình trạng và có biện pháp tức thời để bảo vệ trẻ. Còn nếu tổn hại tâm lý rất lớn thì chúng ta nên ngăn chặn kịp thời, có thể tạm thời để con rời khỏi môi trường không an toàn, giúp con ổn định cảm xúc.

Theo Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội), bạo lực học đường có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân:

Thứ nhất, nạn nhân bị tổn thương cơ thể, có nhiều bạn trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường bị khuyết tật cơ thể cả đời dẫn đến khó khăn nặng nề trong học tập và cuộc sống, chưa kể đến nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ hai, nạn nhân bị khủng hoảng tâm lý kéo dài, có nhiều bạn trẻ trong tuổi dậy thì bị bạo lực học đường dẫn đến sự tổn thương tâm lý nặng nề tác động lên cảm xúc và suy nghĩ, trẻ thường xuyên có những cơn hoảng sợ, ám ảnh trường học hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc tiêu cực về thế giới, nặng nề hơn sẽ dẫn đến các vấn đề của sức khỏe tâm thần như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tâm thần phân liệt…

Thứ ba, nạn nhân bị mất đi cảm giác an toàn với môi trường sống, một cá nhân bị bạo lực sẽ xuất hiện trạng thái hoài nghi với các mối quan hệ xã hội trong quá trình trưởng thành các bạn sẽ khó thích nghi với những biến động bất thường, sợ hãi, tự ti không dám thể hiện hay bộc lộ bản thân với người khác gây cản trở đến sự thành công trong học tập và công việc.

Tìm hiểu sự việc và điều tra sự thật

Sau khi những tổn thương về tâm lý và thể chất của trẻ đã được bảo vệ và điều trị, cha mẹ hãy đồng hành cùng con tìm kiếm sự thật, vì lúc này trẻ đã tương đối bình tĩnh và lý trí.

Lúc này, chúng ta có thể cùng con mình quan sát và phân tích mà không phán xét, để sự việc được tái hiện một cách trọn vẹn và khách quan nhất. Nếu sự việc nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên nhờ người tư vấn giúp đỡ, để tránh trẻ bị tổn hại lần thứ hai.

photo-2-17117166620341557525114.jpg

Phân tích hợp lý và phản hồi hợp lý

Tìm hiểu và phân tích lại mâu thuẫn giữa con với bạn không phải là phán xét ai đúng ai sai mà quan trọng là để các em học cách tự bảo vệ mình và cách tránh những sự việc tương tự trong tương lai. Lúc này, cha mẹ cũng không nên một mực bênh con. Chúng ta cần phân tích hợp lý nguyên nhân xảy ra sự việc với con mình và đưa ra giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề.

Với vai trò phụ huynh, là người định hướng, cha mẹ nên bình tĩnh để đưa những phán đoán và kết luận chính xác nhất thay vì chỉ nghe tin một chiều dẫn đến cảm xúc bộc phát. Khi phát hiện con có mâu thuẫn với bạn, cha mẹ cần là người phân xử công minh, bảo vệ con nhưng dựa trên lý lẽ hợp lý, tuyệt đối không được dung túng hay tiếp tay cho các hành vi bạo lực khác.

Bên cạnh đó cũng nên khuyến khích trẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động câu lạc bộ của trường, kết bạn tích cực hơn và tăng cường kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân.

Cảm ơn con vì dám nói sự thật

Nếu con cái dám kể cho bạn rằng mình bị bắt nạt ở trường, hãy khen ngợi rằng con đã rất can đảm để nói ra điều đó. Lòng dũng cảm là một sự khẳng định quan trọng để vượt qua nỗi sợ hãi, bối rối và nghi ngờ bản thân. Đồng thời, đây cũng là lời khẳng định với con rằng khi con nói ra thì người lớn mới có cơ hội giúp đỡ con.

photo-1-17117166594681702403011.png

Nếu con bạn bị bắt nạt trong khuôn viên trường, phụ huynh phải lựa chọn cách giao tiếp kịp thời và đưa ra biện pháp bảo vệ hiệu quả, nếu trẻ gây thương tích ở nhiều mức độ khác nhau thì cần có sự đánh giá kịp thời, sử dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của con bạn.

Nếu cha mẹ và con cái đã cố gắng hết sức mà vẫn không giải quyết được vấn đề "bắt nạt học đường" thì cha mẹ nên chuẩn bị kịp thời cho việc chuyển trường để con thoát khỏi những tổn hại, xúc phạm không đáng có và lấy lại được sự tự tin của mình ở môi trường mới.

Khi bị người khác bắt nạt, hầu hết trẻ em vốn ở vị trí yếu thế sẽ rất khủng hoảng và tiếp tục để người khác bắt nạt mà không dám phản kháng. Vì vậy, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên dạy con bình tĩnh, dũng cảm và biết cách kịp thời bảo vệ mình và đừng bao giờ để người khác lợi dụng mình. Bằng cách này, kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy trẻ không dễ bắt nạt và họ có thể rút lui.

Tất nhiên, với tư cách là cha mẹ, chúng ta không chỉ nên giáo dục con cái mình có học thức, hiểu biết, không tự ý mâu thuẫn với bạn bè mà còn phải làm bạn đồng hành chất lượng của con. Nếu phụ huynh có thể lắng nghe những bối rối, nỗi đau của chúng thì những vết thương do bạo lực học đường gây ra có thể được chữa lành nhanh chóng hơn rất nhiều.

Vai trò của từng đối tượng trong việc giảm và chấm dứt nạn bạo lực học đường?

Đối với cấp quản lý như Bộ giáo dục và nhà trường cần thường xuyên đánh giá và sàng lọc vấn đề tâm lý của trẻ để nhận định những yếu tố nguy cơ của bạo lực trong trường học. Ngoài ra, tiếp tục gia tăng thêm các buổi học kỹ năng sống, chương trình dự phòng khủng hoảng tâm lý và mở rộng phòng tham vấn học đường tại trường học các cấp.

Đối với phụ huynh, gia đình cần thường xuyên nói chuyện trao đổi và lắng nghe trẻ hàng tuần, sự biến đổi tâm lý của trẻ trong tuổi dậy thì sẽ lên xuống không theo quy luật nào cả, hôm nay con có thể vui vẻ nhưng ngày mai có một sự kiện xung đột thì tâm lý trẻ sẽ có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Phụ huynh cần tạo ra cho con môi trường gia đình an toàn, lành mạnh để trẻ luôn có cảm giác mình có điểm tựa tinh thần là bố mẹ, những trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường mà để lại hậu quả nặng nề thường có một mối quan hệ lỏng lẻo với gia đình vậy nên phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc kết nối và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cho trẻ.

Đối với học sinh, bất kỳ một bạn học sinh nào cũng có nguy cơ bị bạo lực học đường. Đặc biệt với các bạn có những sự khác biệt với các bạn chẳng hạn như học quá giỏi hoặc học quá kém, cảm xúc và hành vi hơi khác thường, ngoại hình quá gầy hoặc quá mập, da mặt đen hoặc nhiều mụn… Vậy nên các bạn trẻ cần xây dựng cho mình một sức khỏe tinh thần tốt, tin tưởng vào điểm mạnh của bản thân, có kỹ năng xử lý tình huống tốt và xây dựng được một mạng lưới đồng minh cho bản thân như bạn bè, thầy cô, bố mẹ… để các em luôn được bảo vệ trong các tình huống bạo lực leo thang.

- Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh - Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022