Sự việc Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cầm quyền trượng màu vàng, mặc áo choàng nhung đỏ, đội mũ đỏ, đi găng tay đồng màu và mang vòng cổ lớn màu trắng trong lễ tốt nghiệp ngày 27/7 cho gần 1.000 tân cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ đang gây ra tranh luận trái chiều.

Hình ảnh quyền trượng và lễ phục có thể mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã có truyền thống lâu đời và phổ biến ở nhiều trường đại học trên thế giới.

Theo trang web của Đại học Washington (Mỹ), lịch sử của quyền trượng (cây chùy) bắt nguồn từ thời trung cổ ở Anh. Thời ấy, một vệ sĩ giữ quyền trượng đứng cạnh các chức sắc tại các buổi lễ quan trọng của các cơ quan đứng đầu đất nước.

IMG-6547-jpeg-1313-1659442546.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gkoMM72hGkNqvQmOyqlGLw

Đại diện Đại học Ronald M. Moore (trực thuộc Đại học Washington), cầm quyền trượng mạ vàng dài hơn 90 cm và nặng 2,2 kg của Đại học Washington. Ảnh: Washington University

Tại các cơ sở giáo dục đại học, quyền trượng tượng trưng cho quyền lực của những người đứng đầu. Tại Đại học Washington, quyền trượng thường xuất hiện khi có sự hiện diện của chủ tịch, hiệu trưởng và các quan chức cấp cao trong hội đồng quản trị đại học tại lễ đón tân sinh viên hoặc trao bằng danh dự cho sinh viên.

"Là một biểu tượng cổ xưa của uy quyền, quyền trượng nhắc nhở chúng ta rằng các trường đại học là nơi bảo vệ truyền thống học tập lâu đời và sức mạnh mà trường mang đến cho những người đến học. Nó cũng là một lời nhắc nhở sinh viên rằng quá trình học tập không phải lúc nào cũng thoải mái và dễ dàng", theo website Đại học Washington.

Một số đại học hàng đầu tại Anh, Mỹ, Canada, Hà Lan, Australia đều sử dụng quyền trượng như một biểu tượng truyền thống. Vật này có kích thước, thiết kế và vật liệu khác nhau ở mỗi trường tùy thuộc vào thông điệp đại học muốn thể hiện.

Tháng 6/2012, trường Bradford College (Anh) đã bị nghiệp đoàn giảng viên và hiệp hội các đại học, cao đẳng ở Anh chỉ trích "quá lãng phí" vì chi đến 24.000 bảng Anh cho quyền trượng dùng trong lễ tốt nghiệp. Một số ý kiến nói rằng trường nên cho "nghỉ hưu" quyền trượng, vốn là biểu tượng của uy quyền, xâm lược, chiến tranh. Tuy nhiên nhà trường cho rằng "quyền trượng chính là biểu tượng cho những thành tựu học thuật, khát vọng tri thức của sinh viên và nhà trường".

Cùng với quyền trượng, lễ phục gồm áo choàng và vòng cổ cũng mang ý nghĩa riêng. Áo choàng cử nhân hoặc trang phục học thuật (Academic Dress) được sử dụng trong các buổi lễ trang trọng ở bậc đại học.

Theo trang web của Đại học Oxford, loại trang phục này được coi là biểu tượng cho học vấn và tri thức ở bậc đại học, cũng bắt nguồn từ thời Trung cổ. Sinh viên bắt buộc phải mặc lễ phục đầy đủ đến lễ cấp bằng của mình. Nếu không ăn mặc phù hợp, họ có thể bị từ chối tham gia lễ cấp bằng và chỉ cho phép tốt nghiệp vắng mặt. Đối với hầu hết các buổi lễ, sinh viên sẽ được yêu cầu mặc áo choàng học tập và/hoặc mũ cử nhân trong suốt buổi lễ. Trước đây, những chiếc áo choàng thụng được may bằng vải dày, nhằm giữ ấm cho sinh viên bên trong các giảng đường lạnh giá ở châu Âu.

Student-gowns-960-2173-1659442546.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=D63_E-5eP9tSOxdwHX0paw

Sinh viên mặc áo choàng tại Đại học Oxford. Ảnh: University of Oxford

Vòng cổ tượng trưng cho ban giám hiệu. Trong khi đó, mũ cử nhân trong lễ tốt nghiệp bắt nguồn từ trang phục của các thầy tu công giáo La Mã, những người đại diện cho trí thông minh và ưu tú.

Một số người Việt đã, đang công tác tại các đại học hàng đầu thế giới cho rằng quyền trượng và lễ phục mang tính biểu trưng ý nghĩa, thú vị.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, hiện công tác tại Đại học Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, nhớ như in lần đầu tham dự một buổi lễ có người cầm quyền trượng. Đó là ngày Tiến sĩ Mai bảo vệ luận án tiến sĩ nhiều năm trước.

"Khi một thầy phản biện đang đặt thêm câu hỏi phụ thì một người phụ nữ mặc áo choàng nghi lễ, tay cầm một cây chuỳ dát bạc bất ngờ mở cửa bước vào. Ai nấy dưới hàng ghế dự thính đều ngạc nhiên. Bà dập cây chuỳ nặng chịch ấy xuống nền nhà ba cái vang dội, báo hiệu thời gian bảo vệ đã kết thúc, bất kỳ ai đang nói gì cũng cần dừng lại", Tiến sĩ Mai chia sẻ.

"Với cá nhân tôi, cây chùy không đại diện cho quyền lực của kiến thức, uy nghiêm của giảng đường, hay sự lao tâm khổ tứ mà quá trình học tập đem lại. Trải nghiệm riêng khiến tôi luôn nhìn cây chuỳ ấy như sự công tâm của một hệ thống nguyên tắc bình đẳng. Ba tiếng dập mạnh xuống sàn khiến bất kỳ ai cũng phải ngưng tiếng, bất kể đó là một giáo sự gạo cội hay một sinh viên sắp cầm bằng tốt nghiệp", Tiến sĩ nói.

Phó Giáo sư Nghiêm Hồng Sơn hiện công tác tại Đại học Quốc gia Australia kể ngày tốt nghiệp ở Đại học Queensland, "người cầm trượng là một sinh viên rất trẻ". Lễ phục của trường có thiết kế khác nhau đôi chút về màu sắc, nhằm chỉ bậc học. "Ở Đại học Queensland, sự khác nhau đó thể hiện ở màu viền áo và khăn choàng vai. Cử nhân màu trắng, thạc sĩ màu xanh, tiến sĩ màu đỏ", Phó Giáo Nghiêm Hồng Sơn nói.

IMG-6541-jpeg-4663-1659442546.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AvC9Q9SAnur7XCddCxG7uw

Phó Giáo sư Nghiêm Hồng Sơn (trái) nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ Đại học Queensland, Brisbane, Australia tháng 10/2007. Cây quyền trượng được đặt trên giá nằm ngang, tượng trưng cho bình đẳng trong tiếp cận học vấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Trần Lệ Thuỳ, Giám đốc Trung tâm MDI, tốt nghiệp Thạc sĩ về Phát triển tại Đại học Oxford (Anh ) cho hay, quyền trượng của Đại học Oxford bằng bạc. Năm chị tốt nghiệp, người cầm quyền trượng trong buổi lễ là người phụ trách quản lý khoa. Nữ thạc sĩ cho rằng các nghi lễ trong trường đại học rất có ý nghĩa, nếu gợi lên được cảm xúc chân thành, thiêng liêng của học thuật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai nhận định thêm, việc du nhập các yếu tố ngoại lai về lễ phục (quyền trượng, áo choàng, mũ cử nhân, vòng cổ) để thay đổi hình thức và chất lượng một buổi tốt nghiệp là một lựa chọn thú vị cho các trường đại học Việt Nam. Tuy nhiên, đây là "lựa chọn khá dễ dàng".

"Việt Nam có một lịch sử thi cử và khoa bảng lâu đời, có một nền văn hóa giàu có và linh hoạt. Sẽ thật tuyệt nếu có một ngôi trường nào đó có đủ tự tin và tri thức để không cần đi vay mượn mà thậm chí có thể khơi dậy và tôn vinh nguồn tài nguyên văn hóa mãnh liệt ấy", Tiến sĩ Mai nói.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Australia, cũng cho rằng sinh viên Việt Nam có thể không cần mặc lễ phục như ở phương Tây vì Việt Nam có một nền văn hiến và truyền thống khoa bảng lâu đời.

"Các phẩm phục dành cho trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn đã có từ xa xưa, và cũng trang trọng. Tại sao không sử dụng các lễ phục thời xưa, và nếu cần, thay đổi chi tiết về màu sắc và thiết kế là có một bộ lễ phục đậm chất Việt Nam", ông nói.

Lệ Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022