Hiện nhiều trường đại học đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ, với điểm chuẩn tăng cao ngoài dự đoán của nhiều thí sinh. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của thí sinh xét tuyển từ phương thức này thì cũng còn nhiều nghi ngại với các trường top đầu.
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Giao thông vận tải dành 1.100 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập bậc trung học phổ thông (còn gọi là phương thức xét học bạ). Hết thời hạn nhận hồ sơ, trường nhận được hơn 20.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, khiến công tác tuyển sinh vất vả hơn, bởi phải sàng lọc số lượng hồ sơ quá lớn. Chỉ tiêu xét tuyển ít, trong khi hồ sơ đăng ký xét tuyển lớn, nhiều thí sinh có điểm học bạ cao, nên mức điểm chuẩn cho phương thức này của trường cũng tăng cao.
(Ảnh minh họa)
"Cao nhất hiện nay ở mức 28,5 điểm vào các ngành lựa chọn, như công nghệ thông tin Việt - Anh và một số ngành về kinh tế, tỷ lệ điểm chuẩn học bạ năm nay cao hơn so với năm trước"- ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Điểm chuẩn theo hình thức xét học bạ tăng mạnh là tình trạng chung của hầu hết các trường đại học năm nay.
"Năm nay ngành công bố ngưỡng điểm đủ điều kiện cao nhất là 25 điểm. Nếu so ngành này với 5 năm trước thì đã tăng 5 điểm, đây là một tỷ lệ tăng rất lớn"- ông Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin.
Với những trường cộng điểm đối với học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, hay các chứng chỉ quốc tế thì điểm chuẩn trúng tuyển có thể tăng lên mức 29, thậm chí 30,5 điểm khiến câu chuyện đạt điểm tuyệt đối vẫn không đỗ như năm trước lại tái diễn. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của thí sinh trúng tuyển theo hình thức xét học bạ trong mấy năm gần đây cũng khiến các trường trăn trở. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, từ thực tế đánh giá chất lượng đối với các nhóm thí sinh xét tuyển theo các hình thức trong những năm gần đây, năm nay, Học viện giảm dần tỷ lệ xét tuyển theo kết quả học bạ và chuyển bớt chỉ tiêu sang hình thức khác có chất lượng hơn.
"Chúng tôi cũng không quá kỳ vọng vào chất lượng nếu thí sinh đăng ký dựa trên điểm học bạ. Đây là lý do dẫn đến việc chúng tôi đưa điểm xét tuyển học bạ khá cao"- ông Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng cao, nhưng không đồng nghĩa với chất lượng của thí sinh cao, nên một số trường top đầu đã “nói không” với phương thức xét tuyển này, hoặc có xét tuyển, thì cũng đi kèm với các điều kiện khác.
"Chúng tôi rất thận trọng, nên đặt mục tiêu chỉ 10% cho phép xét tuyển bằng kết quả trung học phổ thông, nhưng với điều kiện phải có chứng chỉ quốc tế IELTS 5.5 và cũng phải qua một kỳ thi sát hạch phỏng vấn của Hội đồng tuyển sinh của những ngành đào tạo"- ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Các chuyên gia giáo dục nhìn nhận, việc điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ tăng cao, hoặc nhiều trường đưa thêm các tiêu chí sàng lọc khi xét tuyển đã thể hiện các trường không hoàn toàn tin tưởng vào kết quả đánh giá ở bậc phổ thông. Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc điểm chuẩn tăng cao cũng thể hiện đánh giá ở bậc phổ thông đang làm giảm độ tin cậy của nguồn tuyển này đối với các trường đại học.
"Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quản lý chất lượng của giáo dục đại học cũng đang còn vấn đề chưa nói là quản lý chất lượng của hệ thống các trường phổ thông rất lớn, cồng kềnh. Nếu dựa vào kết quả của điểm học bạ là tình trạng nảy sinh xin điểm rồi tiêu cực hơn nữa là mua điểm"- ông Lê Viết Khuyến cho biết.
Thực tế điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng cao bất thường như năm nay thì ngoài phải xem lại cách kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiến tới có một hình thức như trung tâm khảo thí độc lập, để thí sinh được đánh giá trên một chuẩn chung ở phạm vi toàn quốc./.