Chị Thanh, 34 tuổi, có hai con học ở trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, quận 12. Bé lớn học lớp 2, bé út vào lớp 1. Chị làm công nhân, chồng làm nghề tự do, hai người đều mất việc sau ngày TP HCM giãn cách xã hội.
Không có thu nhập, vợ chồng chị Thanh dùng số tiền tích cóp những năm qua để trang trải cuộc sống. Mỗi tháng chị chi hơn 3 triệu đồng tiền nhà trọ, điện nước, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt.
Nghe thành phố thông báo sẽ dạy trực tuyến cho tất cả học sinh trong thời gian đầu năm học, chị Thanh bồn chồn không yên. Chưa có máy tính xách tay, việc học năm ngoái của con gái lớn chủ yếu trên điện thoại của mẹ. Thỉnh thoảng máy bị "đơ" do cũ, mạng chập chờn.
"Có một người thân ở quận 8 hứa cho cháu chiếc máy tính xách tay cũ nhưng vì giãn cách nên tôi chưa đi lấy được. Năm nay, cả hai bé cùng học online nên ba mẹ phải nhường điện thoại luôn cho con", chị chia sẻ.
Về sách vở, bé út phải dùng lại sách của chị, trừ một số cuốn đã cũ. Với bé lớp 2, người mẹ chỉ kịp mua được cuốn Toán và Tiếng Việt, một ít dụng cụ học tập.
Thiết bị học tập, sách vở thiếu thốn, chị Thanh bối rối bởi chưa biết học trực tuyến ra sao. "Không rõ giáo viên sẽ gửi video bài giảng để phụ huynh tự dạy con hay sẽ dạy học trực tuyến. Dù hình thức nào cũng rất mệt bởi tôi phải kèm hai đứa cùng lúc", chị nói và cho biết phần việc nội trợ sẽ do chồng đảm nhận.
Trải qua một năm kèm con học online, chị Thanh cho rằng cách học này chỉ phù hợp với gia đình khá giả, có điều kiện, cha mẹ trí thức, có khả năng kèm cặp con. Với gia đình "chạy ăn từng bữa" sẽ rất khó. Chưa bước vào năm học nhưng người mẹ đã nghĩ tới viễn cảnh thành phố nới giãn cách, vợ chồng phải đi làm trong khi con vẫn phải ở nhà học trực tuyến. "Có lẽ tôi sẽ mang con lên công ty, cho ngồi ở kho hàng để vừa làm việc, vừa trông con", chị nói.
Hai năm vật lộn với Covid-19, nhiều công nhân và lao động tự do như vợ chồng chị Thanh lâm vào cảnh túng thiếu. Gói hỗ trợ từ chính quyền chỉ đủ trang trải sinh hoạt ở mức tối thiểu, tiền học cho con là gánh nặng. Chị mong muốn có thêm sự hỗ trợ về tiền học, sách vở đầu năm cho con em gia đình khó khăn.
Giống như chị Thanh, nhiều công nhân, người lao động tự do "mắc kẹt" tại TP HCM cũng đang chật vật xoay xở. Bữa ăn, tiền trọ đã là gánh nặng với họ lúc này nên việc đầu tư cho con học trực tuyến là "điều xa xỉ". "Gia đình bốn miệng ăn và tiền trọ lúc này chỉ trông vào tiền lương hơn 10 triệu đồng của chồng, mua bộ sách giáo khoa mới hay hai bộ đồng phục cho con là cả gánh nặng, phải tính toán chi ly", một phụ huynh ở phường Phước Long B, TP Thủ Đức, chia sẻ.
Học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) ôn bài tại nhà, ngày 20/8. Ảnh: Nguyên Thảo
Những người kinh tế khá hơn cũng không thể yên tâm bởi năm học đã tới nhưng mọi việc vẫn ngổn ngang. Vợ chồng anh Phan Hữu Đông, 46 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, mất nửa ngày để thống nhất "kế hoạch năm học" cho hai con trai. Gia đình anh có 3 chiếc máy tính xách tay, vợ chồng anh và con trai lớn học lớp 8, mỗi người một chiếc. Năm nay con trai út vào lớp 1, việc học online từ đầu năm mới được thông báo từ tuần trước nên gia đình không kịp xoay xở.
"Hai đứa học trùng giờ, nếu cho đứa nhỏ học trên điện thoại, màn hình nhỏ khó tập trung lại dễ hư mắt. Mua một chiếc máy tính mới cho trẻ lớp 1 thì cũng hơi lãng phí, chưa kể bây giờ muốn mua cũng không được vì giãn cách. Do đó ba mẹ sắp xếp để nhường cho con một cái", anh Đông chia sẻ.
Bàn xong phần thiết bị học tập, vợ chồng anh lập bảng phân công hàng ngày với các mốc thời gian chi tiết dành cho việc nấu ăn, giặt giũ, vệ sinh nhà cửa, kèm cặp, kiểm tra bài cũ cho con và làm việc. Đặc thù làm thiết kế đồ họa, cần dùng máy trong thời gian dài, tập trung trong không gian yên tĩnh nên anh sẽ tranh thủ làm việc vào ban đêm, ban ngày tập trung lo cho con.
"Ngành giáo dục có 3 kịch bản với các diễn biến dịch bệnh thì gia đình tôi cũng vậy. Chúng tôi bàn kỹ, nếu tháng tới hết giãn cách, phải đi làm thì kèm con học thế nào. Tình huống xấu hơn, ở nhà lâu hơn, phải phân công ra sao", anh nói, đánh giá đây là năm học lịch sử, đầy khó khăn với cả học sinh và phụ huynh.
Với chị Phạm Thị Truyện, 34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, cách thức và chất lượng dạy học online là nỗi lo lớn nhất. Năm ngoái, do ảnh hưởng Covid-19, việc học của con gái bị gián đoạn nhiều tuần, nhưng tổng kết cuối năm bé đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, đó là thành quả nỗ lực nhiều từ phụ huynh bởi sau mỗi buổi học, chị đều phải dạy lại cho con.
Học online với trẻ nhỏ ít hiệu quả bởi chưa có tính tự giá, sự tập trung không cao. "Năm nay, lớp 2 lại dùng sách giáo khoa mới và học online ngay từ đầu năm, có thể kéo dài cả học kỳ. Tôi bối rối quá, sợ con bị lỗ hổng lớn về kiến thức", chị nói.
Chồng làm việc theo hình thức "ba tại chỗ", một mình chị Truyện quán xuyến việc nhà. Từ đầu tháng, kịp mua sách giáo khoa Toán, Tiếng Việtvàvở tập viết, còn lại các con sử dụng bản online của nhà xuất bản.
Ở cùng nhà chị Truyện hiện có người cháu là sinh viên. Khi trường có lịch học cụ thể, chị sẽ lên thời gian biểu chi tiết để kèm con với sự giúp sức của người cháu với kỳ vọng con nắm chắc kiến thức trước khi quay lại học tập trung.
Học sinh trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú học trực tuyến hồi tháng 5/2021. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Cùng tâm trạng này, một số phụ huynh nghi ngại trước định hướng "học trực tuyến là giải pháp ổn định trong năm học" của ngành giáo dục, bởi cho rằng việc này chỉ là giải pháp tình thế. "Học trực tuyến bây giờ vẫn đang tạm bợ. Điều kiện kinh tế để lo học hành cho con giữa các gia đình rất chênh lệch thì làm sao đảm bảo trẻ nào cũng được học như nhau", một phụ huynh ở TP Thủ Đức nói.
Nhóm phụ huynh lớp 9 và 12 càng bối rối bởi tính cả năm nay, con họ sẽ trải qua ba năm học liên tiếp gián đoạn vì Covid-19. Giãn cách xã hội, dịch bệnh nguy hiểm, học sinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc học trực tuyến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả các kỳ thi lên lớp 10 và tốt nghiệp THPT.
Phương án dạy học bắt đầu năm học 2021-2022 tại TP HCM:
- Giáo dục trung học (THCS, THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 1 đến 5/9 sẽ tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên Internet và củng cố kiến thức; từ ngày 6/9 sẽ giảng dạy chương trình mới.
- Giáo dục tiểu học: Từ ngày 8 đến 19/9 tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, củng cố kiến thức; từ ngày 20/9 dạy chương trình mới.
- Giáo dục mầm non: Do đặc thù phải dạy học trực tiếp (giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), bậc học này có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian trẻ chưa thể đến trường, các cơ sở giáo dục tổ chức cho giáo viên xây dựng phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia của phụ huynh.
Mạnh Tùng