Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) năm 2019, với GPA đạt 3.78. Cô cũng giành học bổng hầu hết loại A (một kỳ loại B) ở cả 8 kỳ đại học.
Tuy nhiên, cách đây 7 năm, khi lần đầu lên thành phố nhập học, với tâm thế đậu vào một trường top với điểm số tương đối cao, cô nữ sinh đến từ Bắc Ninh không khỏi tự hào và có phần... chủ quan.
Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS).
"Mình coi nó như thể một chiến tích gì lớn lắm, cứ khư khư ôm cái bảng điểm thi Đại học năm đó lấy làm tự hào. Rồi mình bỗng dưng nhận ra, ngoài điều đó, mình chẳng có gì cả, chẳng có gì nổi bật để đuổi kịp các bạn. Trong khi các bạn đã rục rịch học TOEIC, IELTS,... nhìn lại mình vẫn thản nhiên, vô tư không lo lắng gì, vì mình cho rằng: "Mình còn tận 4 năm cơ mà".
Nhận thấy 4 năm qua rất nhanh, Ngoan lên một kế hoạch để thời gian trôi đi không phí hoài. Kế hoạch 4 năm sau đây được cô rút ra từ chính trải nghiệm, kinh nghiệm của bản thân cũng như những điều hối tiếc mà mình chưa làm được thời còn đi học.
NĂM 1
- Làm quen với môi trường và cách học mới.
- Bắt đầu tìm hiểu về học bổng khuyến học và điểm rèn luyện.
- Tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động tình nguyện.
- Tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo để đăng ký môn theo đúng chương trình đó. Điều này rất quan trọng nếu như bạn có ý định học thêm bằng kép hoặc tốt nghiệp sớm.
- Kết thúc kỳ 1 năm nhất, hãy rút ra cho mình phương pháp học hiệu quả đối với từng loại môn học. Nếu điểm GPA của bạn ở kỳ này đáng báo động thì hãy điều chỉnh cách học ngay.
- Hãy cân nhắc thi chứng chỉ tin học (MOS/IC3) ngay từ năm nhất vì các chứng chỉ này có giá trị vĩnh viễn, không lo bị hết hạn.
NĂM 2
- Việc học vẫn luôn đặt lên hàng đầu.
- Bắt đầu tìm hiểu về các chuyên ngành thuộc ngành học của mình vì thường là lên năm 3 bạn sẽ cần chọn chuyên ngành. Khi tìm hiểu, hãy cân nhắc các yếu tố: Năng lực của bạn; Nhu cầu của xã hội; Tiềm năng của ngành đó.
- Đăng ký học bằng kép nếu bạn có dự định này. Hãy xem xét về thời gian, chi phí và sự kết hợp giữa ngành chính và ngành kép của bạn để đưa ra lựa chọn phù hợp.
- Bắt đầu tìm hiểu và ôn luyện các chứng chỉ ngoại ngữ để thi vào cuối năm 2 hoặc đầu năm 3. Một số trường sẽ cho phép dùng chứng chỉ ngoại ngữ để phủ điểm thì bạn có chứng chỉ sớm sẽ càng tốt. Tuy nhiên, nếu bạn dự định thi chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho việc xét tốt nghiệp và công việc thì hãy lưu ý là chứng chỉ ngoại ngữ thường có thời hạn trong 2 năm, vì thế cần cân nhắc thời gian thi cho phù hợp.
- Trong năm 2 cũng hãy xem xét việc tham gia Nghiên cứu khoa học. Với những bạn dự định làm Khóa luận tốt nghiệp thì việc làm Nghiên cứu khoa học từ sớm sẽ rất có ích.
- Tìm kiếm một số công việc làm thêm, online hoặc offline, nhưng hãy chú ý đến việc đảm bảo sự cân bằng giữa học tập và làm việc.
- Ở giai đoạn này, hãy cố gắng có những định hướng ban đầu cho bản thân và đưa ra cho mình một thời gian biểu hợp lý. Nên nhớ, kỷ luật chính là tự do.
NĂM 3
- Vẫn cần phải ưu tiên việc học nhất.
- Nếu bạn đã ôn luyện xong thì có thể thi chứng chỉ ngoại ngữ từ đầu năm 3.
- Năm 3 là năm bắt đầu học chuyên ngành, vì vậy khi tìm việc hãy ưu tiên những công việc có thể cho bạn thêm kiến thức, trải nghiệm trong ngành. Việc đi thực tập, làm thêm ở giai đoạn này sẽ giúp bạn: Có thêm kinh nghiệm trong ngành, xác định được mình có thực sự thích và phù hợp với ngành đã chọn hay không, học hỏi thêm các kỹ năng, tạo dựng mối quan hệ và chuẩn bị bản thân cho công việc chính thức.
- Tham gia một số cuộc thi chuyên ngành. Đây chính là cơ sở để bạn điền vào mục Thành tích khi viết CV.
- Tham gia các Workshop về định hướng việc làm, Job fair, Webninar có liên quan đến ngành học của bạn.
- Tích lũy các chứng chỉ, chứng nhận cần thiết đối với chuyên ngành của bạn bên cạnh các chứng chỉ chung như Tin học văn phòng và Ngoại ngữ.
- Nếu bạn không chọn học bằng kép và mông lung về ngành học chính của mình, thì đây cũng sẽ là thời điểm bạn tìm kiếm một lĩnh vực khác để học theo hướng "Học để làm". Tức là, bạn có thể tự học, tham gia khóa học online/offline, học những cái cốt lõi, có thể áp dụng được khi đi làm, chứ không phải học như kiểu một ngành học trong trường.
NĂM 4
- Làm khóa luận tốt nghiệp hoặc học các môn thay thế.
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để xét tốt nghiệp.
- Nếu bạn có dự định du học, hãy cân nhắc từ sớm và chuẩn bị hồ sơ ngay từ đầu năm 4.
- Điều chỉnh, trau chuốt lại CV và bắt đầu tìm kiếm các công việc fulltime.
- Đây là năm mà bạn sẽ cảm nhận thấy nhiều áp lực như tốt nghiệp đúng hạn, tìm việc... nên việc chuẩn bị tốt từ các năm trước sẽ có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn này.
Sau cùng, từ kinh nghiệm của bản thân, Ngoan cho rằng: Lên đại học, "còn tận 4 năm" hay "chỉ có 4 năm" là do bạn quyết định!