Tại cơ sở phía Bắc, ngành Công nghệ thông tin lấy 27,25 - cao nhất năm nay và tăng 0,35 so với năm 2021. Kế đó, ngành Khoa học máy tính lấy 26,9 điểm.
Các ngành khác cũng có ngưỡng đầu vào trên 26 là An toàn thông tin (26,7 điểm), Công nghệ đa phương tiện (26,45), Truyền thông đa phương tiện (26,2), Thương mại điện tử (26,35), Marketing (26,1). Trong số này, hai ngành An toàn thông tin và Công nghệ đa phương tiện tăng nhẹ khoảng 0,2 điểm, còn lại giảm nhưng mức giảm chỉ 0,1-0,3 điểm.
Năm nay, lần đầu Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh ngành Báo chí, điểm chuẩn 24,4.
Còn ở phía Nam, điểm chuẩn thấp hơn, dao động 19-25,85. Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất là Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử, cao nhất vẫn là Công nghệ thông tin.
Xem điểm chuẩn đại học trên VnExpress
Năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 3.820 sinh viên, tăng 300 so với năm ngoái, đồng thời mở thêm ngành Công nghệ Internet vạn vật (IoT).
Trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh, trong đó lần đầu xét tuyển dựa vào kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy (10% chỉ tiêu). Ngoài phương thức mới này, trường vẫn tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (65%), xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (25%) và xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không giới hạn chỉ tiêu).
Học phí hệ đại trà áp dụng với khóa tuyển sinh năm 2022 dự kiến 21-23 triệu đồng một năm, hệ chất lượng cao và liên kết quốc tế lần lượt 35 và 45 triệu đồng.
Học sinh tham quan gian hàng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tại buổi Tư vấn tuyển sinh năm 2022. Ảnh: Fanpage nhà trường
Về điểm chuẩn 2021, cả 11 ngành đào tạo tại cơ sở Hà Nội lấy điểm tương đối cao và đồng đều ở mức 25-26. Tại cơ sở phía Nam, Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử là ngành thấp nhất - 19,3 điểm, kế đó là Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa 19,4. Ngành cao nhất tại cơ sở này là Marketing với 25,65 điểm.
Thanh Hằng