Gần một tuần kể từ khi nhận được mail trúng tuyển ngành Kinh tế ứng dụng của Đại học Cornell, Huỳnh Hà Thiện Mỹ, lớp 12 TN1, trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, vẫn nguyên cảm xúc "như mơ".

Hôm 13/12 là ngày Cornell báo kết quả tuyển sinh sớm. Đây là một trong 8 đại học Ivy League, nhóm tinh hoa của Mỹ và đứng thứ hạng 16 thế giới, theo bảng QS 2025.

Mỹ không ngủ được, sáng trước khi đi học còn òa khóc với mẹ nhưng cố chờ đến 11h trưa mới mở mail. Nhìn thấy dòng chữ "Chúc mừng!", Mỹ đọc lại hai lần rồi hét lên sung sướng và gục xuống vai bạn thân khóc. Bạn bè trong lớp ùa đến chúc mừng Mỹ, hô to "Ivy League, Cornell". Lớp học hôm đó chỉ nói về chủ đề trúng tuyển.

"Em không ăn được cơm trưa. Cười suốt vì mừng", Mỹ kể. "Sau hôm đó, em được gần như cả trường biết tới".

Với Mỹ, kết quả này chứng minh cho những nỗ lực suốt ba năm qua đã thành sự thật. Còn với chị Hà Ngọc Tuyết Trang, mẹ Mỹ, đây là niềm tự hào.

"Tôi không nghĩ Mỹ có thể đậu nhưng vẫn động viên con nộp trường mình thích", chị Trang nói.

my-1734456936-1611-1734487635.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=--RMpy5VhyJG7BufjC9Twg

Huỳnh Hà Thiện Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỹ ước mơ du học từ lớp 9, sau khi anh trai sang New Zealand học. Em muốn bước ra thế giới để trải nghiệm môi trường đa văn hóa và có cuộc sống tự lập ở nước ngoài. Mỹ cũng được truyền cảm hứng từ video của các du học sinh và nghĩ việc đi học sẽ là cơ hội để em phát triển. Thế nhưng, hành trình chuẩn bị của Mỹ không suôn sẻ.

Xác định phải có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chuẩn hóa và điểm học thuật cao nên ngay từ hè lớp 10, em đã học SAT. Mặc dù Toán và tiếng Anh tốt, Mỹ chật vật học SAT đến lớp 12, qua vài lần đổi trung tâm và thi 4 lần mới đạt 1530/1600 (superscore).

"Em đã quá chủ quan", Mỹ nói.

Em cho biết do chỉ học những gì trung tâm online dạy mà không tự học, tìm tòi tài liệu trên mạng và cày đề, kết quả mãi lẹt đẹt. Sau khi thay đổi chiến thuật, tự học và làm bài nhiều hơn, Mỹ đã đạt điểm mong muốn.

Mặc dù xác định sớm sẽ du học, Mỹ không rõ mình muốn ngành gì. Ở trường Phổ thông Năng khiếu nhiều bạn giỏi, cùng có mục tiêu đi học nước ngoài giúp Mỹ thêm động lực phấn đấu song cũng tạo ra sức ép đồng trang lứa.

"Thấy các bạn tham gia hoạt động ngoại khóa, em cũng làm theo. Em tìm trên mạng, có dự án nào là đăng ký tất", Mỹ kể.

Em lăn tăn giữa các ngành STEM và Kinh doanh. Ngành STEM dễ xin việc ở Mỹ nhưng không phải lĩnh vực em yêu thích, trong khi Kinh doanh là niềm đam mê song lại khó xin việc.

"Tôi đã khuyên con thay vì chọn ngành có thể học giỏi, hãy chọn thứ mình thích, từ đó sẽ có động lực phấn đấu", chị Trang nói.

Khi đã xác định được định hướng, Mỹ tập trung hơn vào các dự án kinh tế, tài chính như Sharkin Water, Economics and Finance for Youth, RMIT Business Plan Competition 2024... với vai trò trưởng nhóm, khảo sát, thiết kế đồ họa, viết bài cung cấp kiến thức về tiền tệ, công nghệ Blockchain, công nghệ tài chính cho học sinh, sinh viên.

Theo chị Trang, Mỹ cá tính, nếu đã thích sẽ làm bằng được. Suốt những năm cấp ba, Mỹ thường xuyên thức đến 3 giờ sáng để học và làm dự án, sáng 6 giờ 30 đã phải dậy để đi học. Có lần tỉnh giấc lúc nửa đêm, chị sốt ruột và xót xa khi thấy con vẫn miệt mài.

"Tôi không khuyến khích thức khuya. Hết nhắc nhở lại giục giã Mỹ ngủ, nhưng con nói chưa xong việc. Nhiều lúc, cả nhà to tiếng với nhau chỉ vì mẹ muốn con nghỉ ngơi", chị Trang kể.

Chị cho hay Mỹ đặt ra mục tiêu và tự gây áp lực cho bản thân phải đạt được kết quả tốt nhất. Không chỉ "cứng đầu", Mỹ còn cầu toàn khi tìm kiếm ý tưởng, chỉnh sửa rồi thay đổi bài luận chính 650 từ suốt 6 tháng. Bài luận tái hiện cuộc đời Mỹ qua bức tranh cắt dán nghệ thuật collage. Bức tranh gồm nhiều mảnh ghép, trong đó mỗi mảnh kể về từng giai đoạn trưởng thành của em. Có mảnh là tờ bài tập Toán, tượng trưng cho nền tảng học thuật, mảnh khác lại thể hiện sự mông lung trong định hướng nghề nghiệp. Những mảnh còn lại nói đến việc em tìm ra đam mê của mình.

Hai bài luận phụ lần lượt 350, 650 từ, hỏi về cộng đồng Mỹ lớn lên và em là một học sinh ngành kinh doanh như thế nào. Ở hai bài này, nữ sinh lồng ghép niềm đam mê thiết kế đồ họa. Em nói tới cộng đồng những người yêu nghệ thuật và muốn kết hợp thế mạnh của mình vào kinh doanh. Mỹ mơ ước trở thành nhà kinh doanh giỏi, có đạo đức và quan tâm đến phát triển bền vững.

Cornell cũng có các khóa học về bền vững và bảo vệ môi trường. Em nhắc tới nó và tên các giáo sư có công trình nghiên cứu nhằm cho thấy trường quan tâm tới vấn đề xã hội. Kinh doanh không phải công cụ tàn phá thiên nhiên mà là nơi có thể tạo ra những ảnh hưởng, giá trị tốt đẹp hơn cho xã hội.

Mỹ cho hay bài học em rút ra sau quá trình làm hồ sơ du học là nên chọn ngành trước khi chọn hoạt động ngoại khóa. Nếu được làm lại, Mỹ sẽ bắt đầu tìm hiểu sớm, làm hoạt động ngoại khóa có trọng điểm hơn và quan tâm tới sức khỏe.

"Em sẽ không đánh đổi sức khỏe chỉ để cày cho GPA lên 0,2-0,3 điểm. Đó không phải thứ quyết định việc đậu hay rớt", Mỹ nói.

Theo nữ sinh, nếu có điều kiện, ứng viên nên tìm những người hướng dẫn có kinh nghiệm hoặc trung tâm du học uy tín hỗ trợ để đi đúng hướng, tránh mất thời gian loay hoay.

Với anh Hoàng Minh Khôi, cố vấn của Mỹ, thành tích học tập đứng nhất khối suốt ba năm từ lớp 9 đến 11, với GPA 9.8 trở lên; điểm tuyệt đối 5/5 môn Toán Giải tích AP (chương trình gồm các khóa cơ bản tương đương năm đầu đại học Mỹ) đã giúp Mỹ gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh.

Ngoài ra, điểm mạnh khác trong hồ sơ của Mỹ còn ở sự liên kết các hoạt động từ đầu đến cuối.

"Mỹ có tầm nhìn, sự chủ động và cách liên kết hồ sơ vào bài luận khiến bạn trở nên nổi bật", anh Khôi cho hay.

Tháng 8 năm sau, Mỹ sẽ bắt đầu hành trình du học. Học phí của trường gần 68.380 USD (1,7 tỷ đồng) một năm. Mỹ đang chờ kết quả học bổng, hỗ trợ tài chính từ trường. Dù đã trúng tuyển, em không lơ là việc học trên lớp. Mỹ dự định học thêm hai môn AP là Xác suất thống kê, Kinh tế và các khóa học về kinh doanh.

"Em muốn startup hoặc làm việc trong các công ty quốc tế sau khi ra trường", Mỹ nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022