Khi Trung Quốc đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 2008, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã phát động một chiến dịch dạy tiếng Anh cho những người có thể phải tiếp xúc với du khách nước ngoài như cảnh sát, nhân viên vận tải hay khách sạn. Mục tiêu khi đó là 80% tài xế taxi đạt trình độ cơ bản.

Dù vậy, đến bây giờ, bất kỳ người nước ngoài nào đến Bắc Kinh cũng sẽ nhận thấy rằng khá ít người có thể nói tiếng Anh tốt. Nhiều tài xế chỉ nói tiếng Trung. Ngay cả nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách tại sân bay quốc tế của thành phố cũng có thể gặp khó khăn trong giao tiếp với người nước ngoài.

Việc học tiếng Anh nay không còn là ưu tiên, khi chiến tranh thương mại và bất đồng ngoại giao làm căng thẳng mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia nói tiếng Anh lớn nhất thế giới.

trung-quoc1-1734360350-7209-1734361809.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AisruCwAMGffQ7uZp58Ucg

Wu Jun, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Sơn Đông, dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Thanh Hải, tỉnh Thanh Hải, tháng 10/2023. Ảnh: China Daily

Trong phần lớn 40 năm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới, "cơn sốt tiếng Anh" là một câu cửa miệng phổ biến. Mọi người háo hức học các ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Nhiều người hy vọng kỹ năng này sẽ giúp họ có việc làm tại các công ty quốc tế. Số khác muốn làm ăn với công ty nước ngoài. Không ít mơ ước được chuyển ra nước ngoài. Nhưng sự nhiệt tình học tiếng Anh đã giảm dần trong những năm gần đây.

Theo xếp hạng mới nhất của EF Education First, công ty đào tạo ngôn ngữ quốc tế, Trung Quốc xếp thứ 91 trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ về trình độ tiếng Anh. Chỉ 4 năm trước, nước này ở vị trí 38/100. Trong thời gian đó, xếp hạng thông thạo tiếng Anh của Trung Quốc đã trượt từ "trung bình" xuống "thấp". Một số người nghi ngờ tính chính xác của chỉ số EF. Nhưng những người khác lại nhận thấy xu hướng rõ ràng đó đang diễn ra khi Trung Quốc trở nên khép kín hơn.

Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, quốc gia này đã đóng cửa biên giới. Các quan chức và doanh nhân, chưa nói đến dân thường, ít đi nước ngoài. Rất lâu sau khi phần còn lại của thế giới bắt đầu mở cửa, Trung Quốc vẫn đóng cửa. Đồng thời, mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia nói tiếng Anh lớn nhất thế giới xấu đi. Chiến tranh thương mại và bất đồng ngoại giao đã làm căng thẳng mối quan hệ của nước này với Mỹ, Australia, Anh và Canada.

Bên cạnh đó, giới chức giảm thời lượng dành cho việc dạy và học tiếng Anh, giảm bớt sức nặng của nó trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Năm 2022, một nhà lập pháp đã đề xuất giảm bớt sự tập trung vào ngôn ngữ này để thúc đẩy việc giảng dạy các môn học truyền thống, song Bộ Giáo dục không đồng tình. Tuy nhiên, giáo sư tại một trong những đại học tinh hoa của Trung Quốc cho biết nhiều sinh viên coi tiếng Anh kém quan trọng hơn trước đây và ít hứng thú với việc học ngôn ngữ này.

Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, mọi người trở nên thận trọng và hướng nội hơn. Ngày nay, ít người du lịch nước ngoài hơn so với trước đại dịch. Ngoài ra, các ứng dụng dịch thuật cũng đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng và đang trở nên phổ biến hơn.

Theo một báo cáo do Viện Chính sách Giáo dục Đại học (Hepi) của Anh và công ty tư vấn Uoffer Global công bố, trình độ tiếng Anh của sinh viên Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với người học đến từ các nền kinh tế đang phát triển khác như Ấn Độ và Malaysia. Ngược lại, một số người cho rằng các kỳ thi đánh giá kỹ năng tiếng Anh có thể không phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh Trung Quốc.

Phong cách giáo dục theo kiểu kèm riêng và học thuộc lòng khiến học sinh có thể vượt qua kỳ thi IELTS nhưng vẫn thiếu lưu loát và tự tin trong giao tiếp tiếng Anh khi đến Anh du học.

Các cuộc khảo sát đối với nghiên cứu sinh sau đại học người Trung Quốc tại Anh phục vụ cho báo cáo cũng cho thấy cứ ba người thì có một người tự đánh giá trình độ tiếng Anh của mình thấp hơn ngưỡng chính thức mà các trường đại học yêu cầu.

Bình Minh (Theo The Economist, Times Higher Education)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022