TS Ngô Lam Trung, Phó trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết thông tin trên tại lễ ra mắt chương trình ngày 18/12.

Theo ông Trung, quyết định mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù đến từ thực tế phát triển ngành công nghiệp ôtô và phần mềm dành cho ôtô.

Hiện, với sự phát triển của công nghệ vi xử lý, công nghệ cảm biến, kết hợp với các phương pháp xử lý tín hiệu, dữ liệu và truyền thông tiên tiến, ngành công nghiệp ôtô đang bước vào một chu kỳ mới, trong đó cách tiếp cận phát triển ô tô điều khiển bằng phần mềm (SDV) đang dần trở nên phổ biến.

Theo dự báo của Markets and Markets, quy mô thị trường SDV sẽ tăng từ 213,5 tỷ USD trong năm nay lên thành 1.237,6 tỷ USD vào 6 năm tới với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 34%. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất.

Một khảo sát khác cho thấy thị trường ôtô tăng 1,3% một năm, phần mềm ôtô tăng 5,5-7% một năm. Điều này đòi hỏi nhu cầu nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật ôtô số.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp như Vinfast, FPT cần hàng nghìn nhân lực chất lượng cao về công nghệ, phần mềm ôtô trong những năm tới.

"Tuy nhiên, chúng tôi thấy còn khoảng cách giữa năng lực của sinh viên hệ cử nhân 4 năm và yêu cầu về năng lực cần có của kỹ sư làm việc tại doanh nghiệp", ông Trung nói về sự cần thiết phải có một chương trình đào tạo chuyên sâu phù hợp.

CBO-6792-1734516159-9916-1734516815.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mgUdbOyqdHp9JBGMNmFUAA

TS Ngô Lam Trung thông tin về chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù Kỹ thuật ôtô số. Ảnh: HUST

Chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù kỹ thuật ôtô số tại Đại học Bách khoa Hà Nội là chương trình sau đại học, tương đương thạc sĩ, do đơn vị thành viên là Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông cùng xây dựng.

Sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân một số ngành phù hợp được đăng ký xét tuyển như Kỹ thuật ôtô, Kỹ thuật cơ điện tử, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật ôtô, Kỹ thuật cơ khí điện lực...

Không chỉ sinh viên Bách khoa Hà Nội, cử nhân tốt nghiệp từ trường khác có thể đăng ký nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu kiến thức, kỹ năng đầu vào.

Chương trình dự kiến có 60 tín chỉ với hai định hướng. Một là phát triển phần mềm trên ôtô hiện đại như AUTOSAR, hệ thống nhúng và cơ điện tử trên ô tô, UI/UX, ADAS. Hai là thiết kế và mô phỏng cơ khí ôtô số, thiết kế CAD, mô phỏng CAE, kiểm thử cơ khí trong môi trường số hóa. Tất cả người học có một kỳ thực tập tại doanh nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp.

Chương trình có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn như Vinfast, FPT Automotive, FPT Japan,... trong hỗ trợ chuyên môn, học liệu, trang thiết bị vật chất, phòng thí nghiệm.

Học phí của chương trình này dự kiến tương đương bậc cử nhân. Hiện, học phí bậc cử nhân chương trình chuẩn khoảng 24-30 triệu đồng.

Ông Chu Quang Huy, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT, đánh giá cao sự tiên phong của Đại học Bách khoa Hà Nội trong đào tạo nhân lực cho một lĩnh vực có nhu cầu rất lớn, thể hiện đúng xu thế của Việt Nam và thế giới.

Ông Huy cho biết một trong 5 lĩnh vực phát triển chiến lược của FPT trong thời gian tới là Xe (Automotive). Tháng 12/2023, FPT thành lập FPT Automotive với trụ sở ở Texas, Mỹ với mục tiêu cung cấp dịch vụ, sản phẩm phầm mềm cho ngành công nghiệp ôtô trên toàn thế giới. Tốc độ tăng trưởng của đơn vị này là 45-50% một năm. Mục tiêu đến năm 2030 đạt doanh thu một tỷ USD.

Hiện FPT Automotive có khoảng 5.000 người và dự kiến cần 20.000-30.000 người để đạt mục tiêu trên.

"Điều đó cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn, cơ hội làm việc không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới", ông Huy nói.

Bà Trần Thị Trang, Trưởng bộ phận tuyển dụng, Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, cho biết Hyundai vừa thành lập trung tâm phát triển phần mềm ở Hà Nội và đang có 30 nhân sự là kỹ sư chất lượng cao. Định hướng năm 2025, trung tâm này cần 100 kỹ sư phát triển phần mềm ôtô và năm 2027 là 200 kỹ sư.

Bà Trang cho biết bản thân thấy áp lực trước mục tiêu về nhân sự. Gần bốn tháng tuyển dụng, trung tâm nhận thấy các kỹ sư chuyên ngành ôtô chưa biết nhiều về ngôn ngữ lập trình còn kỹ sư công nghệ thông tin lại thiếu kiến thức về ôtô.

"Việc Bách khoa Hà Nội quyết định mở chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù khiến chúng tôi rất mừng", bà Trang nói.

Hiện, Đại học Bách khoa Hà Nội chưa chốt thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù Kỹ thuật ôtô số. Trường kỳ vọng triển khai trong năm tới, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực lĩnh vực này.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022