Một mùa 20/10 nữa lại đến, đây là dịp đặc biệt để chúng ta tôn vinh những người phụ nữ xung quanh mình. Phải công nhận rằng ngày càng có nhiều phụ nữ thành công, tạo tiếng nói trong xã hội và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng. Vượt qua những định kiến về giới tính, phụ nữ thời nay đã chứng minh bản thân có thể giỏi giang và tuyệt vời đến nhường nào.
Câu chuyện về những người giáo viên dành trọn thanh xuân cho sự nghiệp gieo trồng con chữ với học sinh ở các điểm trường khó khăn dưới đây chính là một trong số đó.
Cô giáo Trà Thị Thu - 8 năm bám đèo trên "đỉnh trời" Ngọc Linh
Cách đây 3 năm, hình ảnh cô giáo trẻ tuổi mặc áo dài, nắm tay học trò tung tăng trên ngọn đồi trong buổi sáng khai giảng đã tạo nên "cơn sốt" trên mạng xã hội. Thời điểm đó, bức ảnh và câu chuyện xúc động phía sau về cô trò ở điểm trường Tắk Pổ (núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã làm lay động trái tim biết bao người. Được biết, điểm trường Tắk Pổ nằm ở độ cao hơn 2000m so với mực nước biển, quanh năm là mây mù, điều kiện vật chất và giao thông vô cùng khó khăn.
Cách đây 3 năm, những hình ảnh về ngày khai giảng của trẻ em vùng cao trên đỉnh núi Ngọc Linh giữa bao la mây trời đã nhận về nhiều quan tâm
Trà Thị Thu (1994) chính là cô giáo trẻ xuất hiện trong bộ ảnh ấy. Năm 21 tuổi, một mình nhận nhiệm vụ lên công tác tại điểm trường vùng cao ở tỉnh Quảng Nam, cô Thu nhiều lần bật khóc vì nhớ nhà, sợ hãi cảnh bốn bề xung quanh là rừng núi hoang vu.
"Còn trẻ quá, lại là con gái sao Thu không chọn một công việc nhẹ nhàng hơn, ở một nơi hiện đại và nhiều cơ hội hơn? Sao lại chôn vùi thanh xuân ở nơi rừng núi heo hút, cô tịch này?" - là một trong số vô vàn câu hỏi mà cô Thu nhận được khi quyết định kiên trì với hành trình gieo con chữ cho trẻ em người Ca Dong trên đỉnh núi Ngọc Linh. Không chỉ vậy, cô Thu cũng từng vấp phải nhiều phản đối của gia đình vì đưa ra quyết định này.
Bất chấp sự phản đối của gia đình, cô giáo trẻ quyết tâm bám trường
Gặp biết bao khó khăn là vậy, nhưng sau hơn 8 năm "bám đèo" tại trường Tắk Pổ, ngọn lửa nhiệt huyết với nghề của cô Thu chưa bao giờ lụi tắt. "Thật ra ban đầu mình chỉ nghĩ đến việc được đi dạy, sau khi lên đó thì sự khó khăn, nghèo khổ của bà con, những thiếu thốn của các em nhỏ đã níu chân mình ở lại ", cô Thu tâm sự.
Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Thu còn chăm nuôi các em học sinh nhà xa trường. Để có kinh phí nuôi dạy học trò, cô Thu đã chủ động vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm. Trước đó, cô Thu cùng CLB "Kết nối yêu thương Nam Trà My" đã kêu gọi xây dựng 06 điểm trường với 18 phòng học, 12 phòng ở giáo viên, 06 bộ điện năng lượng mặt trời và vận động hơn 2000 ngày công bà con nhân dân vận chuyển vật liệu, ban nền làm trường, tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.
Năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Quảng Nam còn diễn biến phức tạp, một số em học sinh và người nhà bị cách ly tại nhà, không thể lên nương rẫy hoặc đi mua nhu yếu phẩm. Cô Thu cùng đồng nghiệp đã tình nguyện làm shipper, cõng hàng vượt hàng chục cây số đường rừng núi, băng qua nhiều con suối, bất kể nắng mưa đến với người dân tại các thôn bản xa xôi của huyện.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, cô Thu cùng đồng nghiệp đã tình nguyện làm shipper, vượt hàng chục cây số, vượt đường rừng núi gập ghềnh để mang hàng hoá tiếp tục cho bà con
Những bữa ăn của trẻ em điểm trường Tắk Pổ còn đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao yêu thương của thầy cô nơi đây
Cô Thu và các em học sinh ở điểm trường Tắk Pổ trong lễ khai giảng năm học 2022 - 2023
Cô Hà Ánh Phượng - Top 10 giáo viên toàn cầu
Năm 2020, cô Hà Ánh Phương (1991), giáo viên trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn (Phú Thọ) lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu. Giải thưởng vinh danh giáo viên trên toàn cầu được ví như "giải Nobel dành cho giáo dục" do Varkey Foundation tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục trên toàn thế giới.
Chân dung Cô Hà Ánh Phương - người từng lọt vào danh sách 10 giáo viên toàn cầu
Cô giáo Phượng sinh ra và lớn lên tại vùng núi nghèo huyện Yên Lập, Phú Thọ. Ngay từ nhỏ, cô đã nuôi ước mơ trở thành "người gieo chữ" khi chứng kiến các thầy cô giáo ở khu tập thể gần nhà tận tụy bên học trò. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hà Nội, cô Phượng từ chối cơ hội làm việc với mức lương ngàn đô tại một công ty dược của Pakistan để tiếp tục học Thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Cầm trên tay tấm bằng Thạc sĩ, cô Phượng quay trở lại ngôi trường cấp 3 cũ - một ngôi trường miền núi, nơi có hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh.
Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đã đưa học sinh của mình vào môi trường học tập xuyên biên giới, khắc phục được hạn chế của mô hình lớp học truyền thống. Trong các giờ học ngoại ngữ của mình, học sinh của cô có thể kết nối, trò chuyện với học sinh và giáo viên ở khắp nơi trên thế giới, điều này giúp học trò không chỉ phát triển ngoại ngữ mà còn tìm hiểu về văn hóa, con người các nước khác. Chẳng cần visa, cô trò có thể cùng nhau vi vu tới hơn 40 quốc gia khác nhau theo một cách vô cùng đặc biệt. Không chỉ dạy cho học sinh của mình, cô Phượng còn dạy tiếng Anh cho các học sinh ở khu ổ chuột ở Ấn Độ, Nam Phi, California Mỹ…
Cô Hà Ánh Phượng từ chối cơ hội làm việc tại Pakistan để quay trở về quê nhà, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho sự nghiệp trồng người
Đến thời điểm hiện tại, cô Phượng vẫn đang tiếp tục công tác giảng dạy tại điểm trường THPT Hương Cần (Phú Thọ). Năm 2021, cô trúng cử đại biểu Quốc hội khoá khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10 năm nay, cô nhận giải thưởng giáo viên xuất sắc do công chúa Thái Lan trao tặng cho 11 giáo viên, nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục ở các cấp học tại 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Cô Trần Thị Thuý - Cô giáo làng quê nhận "giải Nobel" trong giáo dục
Cô giáo Trần Thị Thuý sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá trên sông, mẹ làm nông tại xã Hợp Đức (Hưng Yên). Năm lớp 6, cô Thuý được tặng một cuốn sách tiếng Anh làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Thời điểm đó, cô vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa hiểu gì về thế giới, còn mải sáng đi học, chiều về đánh cá phụ mẹ cha. Cuốn sách ấy đã mở ra cả một trời khác, phá bỏ định kiến về lớp học chỉ quẩn quanh sách giáo khoa cũ kỹ và nhen nhóm trong cô quyết tâm theo đuổi nghề sư phạm.
Chân dung cô giáo Trần Thị Thuý
Năm 18 tuổi, cô thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành tiếng Anh - thành tích mà hiếm học sinh nào ở xã Hợp Đức khi đó đạt được. Những ngày đầu bước chân vào giảng đường Đại học, cô Thuý nhận ra những thiếu sót của học sinh ở làng quê khi tiếp cận tiếng Anh. Nhiều ngày dài, chính bản thân cô đã phải ngồi "đơ" trên giảng đường vì không hiểu giáo viên đang nói gì, cũng như gặp khó khăn khi phát âm tiếng Anh.
Từ trải nghiệm của bản thân, khi trở thành giáo viên, cô Thuý khuyến khích các em tập nói, tập nghe thật nhiều. Nổi tiếng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, cô Thúy đã tạo nên môi trường học tập giúp học sinh có thể kết nối với học trò các nước khác chỉ thông qua màn hình máy tính. Đều đặn 1 tiết/ tuần, các cô trò lại "đến" với rất nhiều quốc gia khác nhau, khi thì đến Trung Quốc, khi thì qua Nhật, khi lại đến hẳn Kim tự tháp Ai Cập...
Cô Thuý nổi tiếng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào lớp học, xoá bỏ khoảng cách về không gian giữa mô hình lớp học truyền thông, đưa học sinh tiếp cận các phương pháp học tiếng Anh sáng tạo
Thời điểm mới bắt đầu áp dụng phương pháp học tập mới, thầy cô trong trường THPT Hợp Đức còn lo ngại cách giảng dạy của cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thành tích mà cô Thuý đạt được đã khiến Ban giám hiệu và các giáo viên khác thay đổi cái nhìn về phương pháp học truyền thống.
Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2016, cô Thúy cùng học trò của mình đã đạt Nhì cuộc thi Giáo viên Sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin với dự án "Bảo vệ cuộc sống của chúng ta trước thuốc trừ sâu". Đến tháng 3/2019, cô Thuý vinh dự trở thành 1 trong 50 giáo viên được nhận Giải thưởng Giáo viên Toàn cầu (Global Teacher Prize), một giải được coi như "giải Nobel" về giảng dạy để ghi nhận công lao nổi bật của giáo viên trên toàn thế giới.
Với những thành quả to lớn đạt được trong ngành giáo dục, cô Thuý nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, cô đã từ chối các cơ hội ấy, bởi lý do: "Ra đi là để trở về". Lắng nghe nguyện vọng từ trái tim, cô Thuý mong muốn được cống hiến cho mái trường THPT Hợp Đức, đều đặn hàng ngày nuôi trồng ước mơ gieo con chữ cho học sinh nơi đây.
Tổng hợp