Tiền học thêm là khoản chi lớn nhất
Thông tin về Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) thông báo thu các khoản đầu năm với tổng cộng hơn 10 triệu đồng mỗi học sinh khiến không ít người ngỡ ngàng.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học ở lớp 11A2, Trường THPT Đông Sơn 1, trong đợt họp phụ huynh vừa qua họ được giáo viên chủ nhiệm thông báo về các khoản thu đầu năm. Mỗi học sinh phải đóng tổng cộng các khoản hơn 10 triệu đồng.
Danh mục các khoản thu của Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa), trong đó tiền học thêm là 4.662.000 đồng/em/năm.
Cụ thể, có 14 đầu mục. Ngoài các khoản theo quy định thì còn có các khoản như: quỹ lớp/hội phụ huynh 500.000 đồng/em; xã hội hóa 400.000 đồng/em; quỹ lớp 100.000 đồng/em; khảo sát học thêm 360.000 đồng/em; lao động 30.000 đồng/em; khuyến học (huy động thêm) 212.000 đồng/em,....
Đáng chú ý, Trường THPT Đông Sơn 1 còn đưa ra mức thu tiền học thêm là 4.662.000 đồng/em/năm. Với mức thu này thì số tiền học thêm cao gần gấp đôi học phí. Với các gia đình, nhất là các gia đình có điều kiện kinh tế không dư dả thì với mức thu mà nhà trường áp đặt quả là gánh nặng lớn.
Thông tin này lại một lần nữa khiến câu chuyện về dạy thêm học thêm được làm nóng ngay đầu năm học mới. Dù đây là vấn đề không mới, đã được đề cập từ nhiều năm nay, ngành GDĐT cũng đã có nhiều thông tư, văn bản quy định về quản lý dạy thêm, học thêm nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNESCO đã công bố cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay.
Anh Nguyễn Ngọc Quý (quận Ba Đình, Hà Nội) có 2 con, một bé học lớp 8, một bé học lớp 4. Anh Quý cho biết, tiền học thêm các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh mỗi tháng của các con lên tới gần 10 triệu đồng, chiếm 1/3 tiền sinh hoạt của cả gia đình trong tháng.
Theo anh Quý, lý do anh cho con đi học thêm vì một phần muốn con theo kịp bài trên lớp, một phần vì đa số học sinh ở lớp đều học thêm nên anh cũng đăng ký cho con học.
Con gái chị Nguyễn Quỳnh Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay học lớp 7 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Chị Nga cho biết: “Khi con bắt đầu tiếp cận chương trình mới ở lớp 6, tôi hi vọng con sẽ không phải học thêm nhiều vì chương trình chú trọng đến phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, tình trạng học thêm vẫn không được cải thiện mà thậm chí con phải học thêm nhiều hơn mới theo kịp được bài học trên lớp”.
Lương giáo viên không đủ sống chỉ là biện hộ
Gắn bó với bao thế hệ học sinh, thầy Lê Văn Tích, giáo viên Trường THCS Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, việc học sinh chạy đua học thêm khiến thế hệ trẻ mất đi cuộc sống tự do, mất cơ hội được trải nghiệm nhiều điều ý nghĩa của cuộc sống.
Theo thầy Tích, nguyên căn của vấn đề không phải xuất phát từ lỗi của giáo viên hay nhu cầu của phụ huynh mà chúng ta cần nhìn nhận từ chương trình học hiện nay đang tồn tại một số bất cập. Thực tế rằng, ngoài chương trình học chính khóa trên lớp, học sinh phải đi học thêm mới nắm hết được kiến thức.
Cộng với đó là cách thức thi cử rồi trường chuyên, lớp chọn dẫn tới bệnh thành tích, gian dối trong giáo dục. Hệ lụy là chính học sinh là đối tượng phải gánh chịu và ảnh hưởng trực tiếp.
Một giờ học của cô và trò Hà Nội.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nêu lý do mà nhiều người đang biện luận về vấn đề dạy thêm, đó là lương giáo viên không đủ sống. Đây có lẽ là một lý do chính đáng khi mà toàn xã hội – ai cũng làm thêm để kiếm sống, tăng thu nhập.
Nhìn vào các cơ quan nhà nước, hiện nay đồng lương của một viên chức đang không thể đủ cho người hưởng lương nuôi sống bản thân và gia đình, cho nên hầu như viên chức nào cũng phải làm thêm một công việc gì đó để có thu nhập ngoài lương. Các nghề làm thêm này rất đa dạng, nhưng chúng đều giống nhau ở một điểm là làm theo nhu cầu thị trường của xã hội.
Trong khi đó nghề dạy thêm lại khác, không dựa vào nhu cầu thị trường, mà ở đâu đó đang dùng quyền lực nghề nghiệp chính thức để áp đặt. Đây là một việc làm trái quy luật nghề nghiệp, trái quy luật lao động và trái cả quy luật cung cầu thị trường. Đó chính là lý do làm cho việc dạy thêm - học thêm trở thành một vấn đề bức xúc trong xã hội. Như vậy, dạy thêm ở đây không phải là làm thêm như đối với các ngành khác.
PGS.TS Nguyễn Văn Dân cho rằng, giáo viên làm thêm thì không có vấn đề gì, nhưng dạy thêm thì phải làm theo đúng luật. Lý do lương không đủ sống chỉ biện hộ cho việc làm thêm chứ không biện hộ được cho việc dạy thêm.
“Đây là một vấn đề nghiêm túc, đòi hỏi các cơ quan pháp luật và Bộ GDĐT phải cùng nhau giải quyết. Nếu không sẽ có nguy cơ biến thành một tệ nạn xã hội ngày càng trầm trọng”, ông Dân nêu quan điểm.