Nghiên cứu cho thấy “giàu vì bạn” là có thật
Trong 4 thập kỷ qua, điều kiện kinh tế gia đình ngày càng ảnh hưởng cuộc sống khi lớn lên của một đứa trẻ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng làm giàu của một người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature hồi tháng 7/2022 đã chỉ ra chìa khóa để thoát nghèo và kiếm được nhiều tiền hơn ở tuổi trưởng thành có thể là những người bạn đồng hành trong thời thơ ấu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, Stanford, New York, Viện Santa Fe phối hợp với Meta và Opportunity Insights đã phát hiện ra sự khác biệt giữa những đứa trẻ lớn lên cùng những người bạn có điều kiện tốt và những đứa trẻ thiếu mối quan hệ như vậy.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối quan hệ bạn bè của 72 triệu người - khoảng 84% người trưởng thành ở Mỹ từ 25-44 tuổi. Nghiên cứu cho thấy rằng nếu những đứa trẻ khó khăn có 70% bạn bè là người sinh ra trong gia đình giàu có - tỷ lệ tình bạn điển hình của những đứa trẻ giàu điển hình - thì thu nhập trong tương lai của chúng sẽ tăng trung bình 20%.
Ảnh minh hoạ
Ví dụ, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình khó khăn lớn lên tại Minneapolis, nơi có sự hòa nhập giữa trẻ em ở nhiều tầng lớp, có mức thu nhập trung bình 34.300 USD/ năm ở tuổi 35, cao hơn gần 10.000 USD so với một đứa trẻ nghèo ở Indianapolis, nơi có ít liên kết với những gia đình giàu có.
Tình bạn vượt tầng lớp này được các nhà nghiên cứu gọi là sự kết nối kinh tế. Nó có tác động mạnh mẽ đến một người hơn cả chất lượng trường học, gia đình, khả năng làm việc hay thành phần chủng tộc của người đó.
Raj Chetty, nhà kinh tế tại ĐH Harvard kiêm giám đốc của Opportunity Insights - một trong 4 tác giả của nghiên cứu, nhận định: “Việc lớn lên trong một cộng đồng có sự kết nối giữa các tầng lớp sẽ cải thiện thu nhập của trẻ em và giúp chúng có cơ hội vươn lên thoát nghèo tốt hơn”.
Tuy vậy, một tác giả khác của nghiên cứu là Giáo sư Johannes Stroebel của Đại học New York cũng chỉ ra rằng việc tập hợp mọi người từ các tầng lớp khác nhau là không đủ để tăng cơ hội cho người nghèo làm giàu, quan trọng là họ phải muốn làm bạn với nhau.
"Mở mang tầm mắt" nhờ bạn bè
Cô gái Jimarielle Bowie sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Cha mẹ cô ly hôn, thất nghiệp và mất nhà cửa trong cuộc khủng hoảng nhà ở những năm 2000. Tại trường trung học, cô có cơ hội kết bạn với những cô bé lớn lên tại khu nhà giàu.
Lối sống của bạn bè khiến Bowie tò mò khi họ sống trong những ngôi nhà lớn hơn, cha mẹ đều là luật sư, bác sĩ và đã có sẵn những kế hoạch cho con cái họ, bao gồm cả việc chọn trường đại học.
“Mẹ tôi luôn truyền cảm hứng cho các con về tinh thần làm việc chăm chỉ, luôn phải nỗ lực làm tốt hơn nữa. Nhưng tôi không biết gì về kỳ thi SAT. Khi thấy bố mẹ bạn bè đăng ký cho họ lớp học này, tôi cũng nghĩ mình nên tham gia. Tôi cũng nhờ bố mẹ của các bạn góp ý giúp mình bài luận cá nhân để nộp vào đại học”.
Jimarielle Bowie. Ảnh: NYT
Bowie trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng sau đại học. Hiện cô là một luật sư bào chữa hình sự, công việc cô tìm được thông qua một người bạn trung học. Trong khi đó, nhóm bạn cùng khu phố nhà nghèo của Bowie chỉ học đại học cộng đồng, sống gần nhà và vẫn đang tìm hiểu xem họ phải làm gì trong tương lai.
“Việc tham gia vào vòng bạn bè với những người giàu có hơn, hiểu cách nghĩ của họ tạo sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của tôi”, Bowie nói, “Tôi có nhiều kiến thức chuyên sâu mà không phải nhờ học được ở trường đại học, trường luật hay bây giờ mà là nhờ những người bạn trung học. Nếu không có những trải nghiệm đó, tôi có thể bị sốc văn hóa khi bước ra thế giới rộng lớn hơn với tư cách luật sư”.
Bowie cùng những người bạn trung học. Ảnh: NYT
Trường trung học tại California nơi Bowie từng theo học là nơi tạo điều kiện kết nối nhiều học sinh từ các tầng lớp xã hội khác nhau, “nơi bạn có thể trở thành bạn bè của tất cả mọi người”, Bowie chia sẻ. Hoạt động ngoại khóa và các CLB theo sở thích góp phần quan trọng trong nỗ lực này của nhà trường.
Đại học Yale (Mỹ) cũng đang áp dụng phương pháp sắp xếp các sinh viên có xuất thân khác nhau sống trong cùng phòng ký túc xá suốt 4 năm để tăng tính kết nối giữa sinh viên.