Những năm gần đây, ngành kiến trúc ngày càng được ưa chuộng và trở thành một trong những ngành nghề “hot”, hứa hẹn tương lai làm việc hấp dẫn cho thế hệ trẻ. Điểm chuẩn ngành học này do đó cũng không hề thấp. Lấy ví dụ, năm 2022, điểm chuẩn ngành Kiến trúc của trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội là 29. Trước đó, năm 2021, mức điểm chuẩn của ngành này cũng là 28.85 điểm.
Một ngành học đang là xu hướng hot
Kiến trúc là ngành học có vai trò thiết kế nên các công trình phục vụ cho đời sống sinh hoạt của mọi người. Đây là ngành học đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng.
KTS được ví như những nhà toán học mang tâm hồn bay bổng, lãng mạn của người nghệ sĩ. Nghề KTS đòi hỏi sự chính xác cân bằng hài hòa trong từng phép tính và khối óc thẩm mỹ cao để cho ra đời những sản phẩm kiến trúc đẹp, có tỉ lệ vàng và an toàn, tiện lợi cho người sử dụng.
Cũng nhờ điều ấy, những người theo học ngành học này cũng từng bước được gọt giũa, rèn luyện bản thân, để vừa có tư duy logic chặt chẽ, chính xác, khoa học, nghiêm túc, vừa có cảm quan thẩm mĩ, nghệ thuật lãng mạn, tinh tế. Nhiều người ví von, kiến trúc sư là nghề hào hoa nhất trong các nghề, giúp sinh viên có điều kiện hoàn thiện bản thân tốt trên nhiều phương diện.
Theo học ngành Kiến trúc, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về kiến trúc mỹ thuật như: công tác quy hoạch – thiết kế đô thị, khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, phương pháp luận sáng tạo, phương pháp sáng tác kiến trúc,…
Ngoài ra, tại những trường đại học đào tạo ngành Kiến trúc có uy tín, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng quan sát, kỹ năng thực hành thông qua sử dụng các công cụ, phần mềm chuyên dụng để thực hiện ý tưởng, kỹ năng năm bắt tâm lý khách hàng… để vừa làm tốt công việc chính của một KTS là tư vấn thiết kế, vừa có thể tự tin thuyết phục khách hàng.
KTS chính là người gánh vác trọng trách thừa kế, phát huy và đưa ra thiết kế mang bản sắc văn hóa cho những công trình, đô thị và quốc gia. Chính vì thế có thể nói cá nhân kiến trúc sư đóng một vai trò khá quan trọng.
Mức thu nhập trong mơ, cơ hội vươn tầm thế giới
Là một trong những ngành nghề hot gần đây, KTS có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở đa dạng mảng, lĩnh vực với mức thù lao cao. Kinh tế phát triển, mức sống tăng cao, nhiều người hiện nay không chỉ muốn ăn ngon, mặc đẹp mà còn thích nhà sang, nhiều tiện nghi, thậm chí có thiết kế độc - lạ - ấn tượng.
Vì thế, họ tìm đến KTS hay trung tâm, doanh nghiệp có dịch vụ thiết kế, tư vấn thiết kế công trình, nhà ở. Điều này khiến nhu cầu tuyển KTS luôn cao, kéo theo đó là mức thu nhập đối với ngành nghề này cũng không hề thấp.
Ở Việt Nam, không phải ngành nào khi mới ra trường cũng nhận được mức lương hấp dẫn đáng mong đợi. Nhưng riêng với ngành KTS, con số lương khởi điểm sẽ khiến nhiều ngành nghề khác phải ghen tị.
Cụ thể, với những KTS mới ra trường đảm nhận các việc như vẽ 3D, phối cảnh hoặc triển khai cấu tạo, mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng là hoàn toàn có thể. Với những nhân viên có trình độ chuyên môn cao, tùy vào số kinh nghiệm thực tế mà sẽ có mức lương từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.
Trên các trang thông tin việc làm, nhiều công ty tuyển dụng vị trí kiến trúc sư với mức lương hấp dẫn
Ảnh chụp màn hình
Đối với KTS giỏi có trên 5 năm kinh nghiệm ở các vị trí cao như KTS chủ trì, Design Manager… sẽ có mức lương lý tưởng từ 30 - 50 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, lương KTS làm cho các đơn vị tư nhân sẽ phù thuộc vào năng lực bản thân và chuyên môn nghề nghiệp. Bạn trẻ tuổi nhưng có nhiều kinh nghiệm, dày dặn sương gió và gặt hái được nhiều thành tựu, làm việc có tâm huyết vẫn xứng đáng nhận được mức lương cao.
Số tiền nhà đầu tư trả cho KTS trong một dự án là vô cùng cao. KTS càng giàu kinh nghiệm, con số này lại càng khủng. Nhiều người chỉ cần thực hiện một công trình nhưng có thể thảnh thơi nghỉ xả hơi cả năm dài.
KTS có toàn quyền thoả thuận với khách hàng của mình trong tương quan kinh phí và nội dung công việc; hoặc tuỳ từng đối tượng khách hàng mà đưa ra giá phù hợp. Tùy theo mức độ cung – cầu thị trường mà dịch vụ thiết kế kiến trúc cũng phải linh hoạt và nương theo từng hoàn cảnh, thời điểm. Do đó, thiết kế phí của KTS hoàn toàn linh động và đầy hấp dẫn.
Trên thế giới, thu nhập của ngành KTS cũng thuộc nhóm thu nhập cao, lí tưởng. Lấy ví dụ, ở Mỹ, thu nhập của KTS là 837 triệu VNĐ/năm. Còn KTS làm việc trong khu vực chính phủ Mỹ lên đến 7,74 tỷ VNĐ/năm.
Ở Nhật, mức lương của KTS rơi vào khoảng 50-60 triệu đồng/tháng. Ở Úc, chỉ có 10% KTS có thu nhập dưới 1 tỉ VNĐ/năm, họ thuộc nhóm mới ra trường, chưa có hoặc có rất ít kinh nghiệm. Còn các KTS có kinh nghiệm làm việc dày dặn có mức thu nhập lên đến gần 3 tỉ VNĐ/năm. Còn bộ phận KTS nằm ở giữa 2 nhóm trên cũng có mức thu nhập trung bình hơn 1,7 tỉ VNĐ.
Không chỉ mang lại thu nhập hấp dẫn, những KTS đi làm ở các nước lớn cũng có cơ hội được gặp gỡ, cọ xát và học hỏi kinh nghiệm của nhiều chuyên gia đầu ngành đến từ các quốc gia lớn trên thế giới, góp phần cho sự thúc đẩy sự nghiệp của bản thân.
Học kiến trúc sư ở đâu?
Ngày nay, các bạn học sinh sinh viên có thể lựa chọn theo học ngành KTS tại các trường đại học hàng đầu, có tiếng về chất lượng đào tạo trên khắp cả nước như:
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Đại học Xây dựng Hà Nội
Đại học Kiến trúc Tp Hồ Chí Minh
Đại học khoa học – Đại học Huế
Đại học Văn Lang
Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Đại học FPT
Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh
Theo nghiên cứu từ Forbes, KTS vẫn là một trong những ngành nghề hot trong khoảng từ 5 – 10 năm nữa. Chính vì lí do này, các KTS tương lai hoàn toàn có thể an tâm về triển vọng nghề nghiệp trong dài hạn, cũng như tiềm năng phát triển của ngành trong nhiều năm tới.
Nhiều bạn trẻ cho rằng KTS là một nghề hái ra tiền, tuy nhiên, đó chỉ là một góc nhìn thuộc về bề nổi bên ngoài. Để đạt được thu nhập lí tưởng, KTS phải phấn đấu và khẳng định bản thân rất nhiều. Tài năng của họ chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh về mỹ thuật, khả năng tính toán về kỹ thuật, tài chính, và những kinh nghiệm tích lũy được theo năm tháng.
Tổng hợp