Phạm Kim Bảng (19 tuổi, Sóc Trăng) đang là học sinh năm thứ nhất của chương trình UWC - học bổng cấp 3 danh giá nhất thế giới tại 18 trường hàng đầu ở 4 châu lục. Chương trình học bổng UWC - Trường Thế giới liên kết là một tổ chức giáo dục quốc tế được xây dựng với mục tiêu đa dạng hóa giáo dục, kết nối con người, văn hóa và quốc gia. Suất học này trao cho học sinh trong độ tuổi từ 16 đến 19 (cấp 3).

Mức học bổng nam sinh nhận là 56.000 USD/2 năm (tương đương khoảng 1,3 tỷ đồng/2 năm), bao gồm cả phí sinh hoạt, tiền ký túc xá. Hành trình chinh phục học bổng UWC vô cùng cam go và cuộc sống khi ra nước ngoài chẳng hề dễ dàng khiến đôi khi, Bảng cảm thấy mệt mỏi, chán chường. Nhưng em đã luôn nỗ lực vươn lên học tập thật tốt.

Trong kỳ học vừa qua, Bảng có nhiều môn học đạt điểm số tuyệt đối, được bạn bè ngưỡng mộ, thầy cô quý mến.

Cậu học trò nghèo mang hoài bão lớn, quyết làm nên điều phi thường!

Kim Bảng sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp. Bố mẹ em quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cuộc sống vô cùng khó khăn. Có lẽ vì thế nên bố mẹ đã đặt em tên là Kim Bảng với niềm mong ước: Mai sau con trai sẽ đỗ bảng vàng, "vinh quy bái tổ", thăng quan tiến chức để giúp gia đình và quê hương vượt cái nghèo, cái khó.

Tuổi thơ Bảng gắn liền với sông nước miền Tây, với những cánh đồng "thẳng cánh cò bay". Ngay từ nhỏ, Bảng đã chứng kiến cuộc sống lam lũ, thiếu trước hụt sau của gia đình bởi khi bị mất mùa, lúc lại bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, trong em sớm hình thành ước mơ được ra nước ngoài học tập, mang tư duy tân tiến cùng kỹ thuật hiện đại về giúp bà con nông dân phát triển nền nông nghiệp.

Bảng có ý định đi du học ngay từ năm lớp 10 nhưng do điều kiện gia đình không cho phép cùng với việc bản thân chưa trưởng thành nên em quyết định lùi thời gian. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bảng đã đến Tanzania - một quốc gia nằm ở châu Phi xa xôi để học lại chương trình cấp 3. Đây là bước ngoặt lớn của cuộc đời em, Bảng vẫn nói vui rằng em đang được sống lại một lần tuổi trẻ.

photo-2-1677304636955377227424.jpg

Kim Bảng (mặc áo trắng, đứng thứ 2 từ phải sang) cùng bạn học của mình.

Chia sẻ về lý do đi du học cấp 3 thay vì bậc cử nhân đại học, Kim Bảng cho biết: "Trước khi đi du học, em đã tìm hiểu về các chương trình khác nhau của nhiều nước. Em cũng đỗ học bổng tại Đại học Công nghệ Nga (Moscow) và một số quốc gia khác. Nhưng cuối cùng em chọn Tanzania bởi chi phí học tập, sinh hoạt thấp hơn nhiều mà em vẫn được học chương trình chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế. Còn nếu học ở châu Mỹ, châu Âu dù đạt học bổng toàn phần nhưng em sẽ rơi vào khó khăn nếu chẳng may phát sinh chi phí.

Hơn nữa, chương trình UWC rất có giá trị, liên kết với nhiều ngôi trường hàng đầu thế giới như: ĐH Harvard, ĐH Cambridge, ĐH Minerva,… Chỉ cần em đạt thành tích tốt trong 2 năm học, bộ hồ sơ của em sẽ trở nên cạnh tranh hơn hẳn so với mặt bằng chung nhờ sự hỗ trợ của nhà trường và chương trình giáo dục IB. Như vậy, cơ hội học tập của em sẽ rộng mở. Ngoài ra, một vị tỷ phú đã tài trợ cho mỗi học sinh của chương trình UWC hơn 20.000 USD/năm tại Hoa Kỳ. Số tiền này sẽ được cộng vào học bổng sau khi lên đại học. Vậy nên em mới có quyết định học lại cấp 3, em nghĩ mình đang đi chậm nhưng chắc".

Trước quyết định của Bảng, trong thời gian đầu, bố mẹ em không hoàn toàn ủng hộ. Bố mẹ lo sợ em sẽ khó xin việc làm sau khi về nước. Hơn nữa, họ cũng lo ngại trong 2 năm học tập sẽ phát sinh nhiều khoản, khó có thể chi trả. Chỉ đến khi Bảng chia sẻ, em mất tiền vé máy bay, tiền bảo hiểm,… tổng cộng khoảng 100 triệu/2 năm, bố mẹ em mới yên tâm phần nào. Chi phí này chỉ tương đương với một sinh viên học đại học tại TP.HCM.

"Sau một thời gian thuyết phục, bố mẹ em mới ủng hộ hoàn toàn. Bố mẹ còn trêu đùa em rằng: 'Cứ đi học, nhà mình có tiền mà!' khiến em nghẹn ngào. Bố mẹ em không được ăn học đến nơi đến chốn và họ đang dành những điều tuyệt vời nhất cho em. May mắn là em còn có một khoản tiền tiết kiệm được từ những cuộc thi nên đỡ cho gia đình phần nào", Bảng xúc động nói.

Trúng học bổng nhờ... nói ngọng

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nên gần như chẳng ai xung quanh Bảng biết đến học bổng UWC, thậm chí là cả thầy cô của em. Vì thế, Bảng đều phải tự mày mò, tìm hiểu các chương trình du học, suất học bổng qua Internet, kết nối với các anh chị đi trước. May mắn là em gặp được nhiều người hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ.

Bảng chia sẻ, hồ sơ du học cấp 3 khác bậc cử nhân đại học khá nhiều. Mỗi học sinh phải chuẩn bị: Thư giới thiệu, vòng đơn, vòng hoạt động nhóm. Riêng chứng chỉ ngôn ngữ, ban tuyển sinh không yêu cầu nhưng vẫn có cách thức kiểm tra năng lực.

Về thư giới thiệu sẽ gồm 2 lá thư do 2 người viết. Với lá thư đầu, Bảng nhờ giáo viên chủ nhiệm đánh giá quá trình học tập, sự nỗ lực của em trong suốt 3 năm học. Còn lá thư thứ 2, nam sinh nhờ một người bạn thân chia sẻ cảm nhận.

Một điều đặc biệt của chương trình UWC là ban tuyển sinh không yêu cầu ứng viên cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nhưng qua 4 vòng kiểm tra, họ sẽ đánh giá được khả năng ngoại ngữ của ứng viên. Ở vòng đơn, ứng viên sẽ trả lời hàng loạt các câu hỏi như: Thành tích học thuật, lý do đi du học, ưu và nhược điểm của bản thân, lý do apply học bổng UWC,… Ngoài ra, ứng viên còn phải quay 1 video ngắn chia sẻ bản thân bằng tiếng Anh.

photo-1-1677304634707191696197.jpg

Đến vòng 2, thí sinh sẽ phải trải qua 2 cuộc phỏng vấn: 1 cuộc với cựu sinh viên của trường và 1 cuộc với giảng viên. Đây là vòng cam go để chọn ra ứng viên tài năng. Qua câu trả lời, ban tuyển sinh sẽ chọn được người phù hợp với học bổng UWC.

Nam sinh Sóc Trăng chia sẻ: "Ở vòng phỏng vấn, em đã chia sẻ một nhược điểm của bản thân khiến em rơi vào xấu hổ. Đó là việc em bị nói ngọng, em đọc chữ ‘t’đọc thành ‘đ’, chữ ‘v’ đọc thành ‘p’. Vì nhược điểm này khiến em vuột mất cơ hội tham gia 1 giải thi lớn có phần thuyết trình ở bậc THPT. Sau đó, em đã quyết tâm thay đổi bản thân bằng cách luyện nói hàng ngày. Em thường thức đến 3 giờ sáng, đứng nói chuyện một mình trong nhà vệ sinh để rèn cách phát âm".

Vòng cuối cùng là hoạt động nhóm, Bảng đã cùng 50 học sinh Việt Nam cũng nộp chương trình UWC học thử chương trình trong 2 ngày ngắn ngủi. Ngoài ra, nhóm Bảng còn phải tạo ra sản phẩm hoặc đưa ra ý tưởng giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong xã hội bằng tiếng Anh. Nhóm của Bảng đã phát minh ra 1 thiết bị khẩn cảnh báo tình trạng bạo lực đang diễn ra. Thiết bị này được ban tuyển sinh đánh giá cao.

Từ khi Bảng nộp hồ sơ du học đến khi nhận thông báo trúng tuyển là 3 tháng. Khi biết mình nhận học bổng toàn phần 100%, em đã rất hạnh phúc. Bố mẹ em dù kiến thức hạn hẹp về xã hội nhưng cũng rất tự hào, phấn khởi và ủng hộ quyết định của em. Hiện Bảng đã sang châu Phi được nửa năm, em đã quen với môi trường học tập, văn hóa, nhịp sống tại đây.

Thời gian đầu, Bảng cũng gặp nhiều khó khăn trước việc thích nghi với thời tiết, đồ ăn, văn hóa,… nhưng em đã sớm khắc phục được. Em thấy người dân cùng bạn bè đều có thái độ vui vẻ, tốt bụng. Họ sẵn sàng giúp đỡ khi em gặp khó khăn, thậm chí chỉ là vướng mắc nhỏ.

"Đến giờ, em cảm thấy việc lựa chọn đi du học châu Phi là đúng đắn. Hiện em không gặp vấn đề gì, chỉ có một khó khăn nhỏ tồn tại là thiếu thốn tài chính. Bố mẹ em chỉ gửi 2 triệu đồng chi tiêu trong 2 tháng nên em phải dè sẻn. Nhiều lúc thấy các bạn tổ chức đi chơi, đi dã ngoại nhưng vì điều kiện không được tham gia khiến em rất tủi thân. Em cũng muốn đi làm thêm nhưng pháp luật ở đây rất chặt, không cho phép. Em nghĩ trong thời gian tới sẽ kiếm việc làm trực tuyến để cải thiện thu nhập", Kim Bảng tâm sự.

Dự định trong thời gian tới của Bảng là tiếp tục học bậc cử nhân đại học ở nước ngoài. Sau đó, em sẽ về Việt Nam hỗ trợ nền nông nghiệp từ những kiến thức, kỹ thuật đã học hỏi được. Đó là ước mơ lớn lao trong tương lai, còn về mục tiêu trước mắt, nam sinh muốn hỗ trợ các bạn có ý định đi du học sớm xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, chuẩn bị hồ sơ du học và kết nối với những người ưu tú.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022