Rất nhiều cha mẹ vì con cái mà vất vả cả nửa đời người, chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, kèm cặp học hành. Tất cả đều mong cho con mình có một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhưng có ba kiểu cha mẹ này dù có dốc sức cũng khó có thể nuôi dạy được những đứa con ngoan, hi vọng bạn không phải là một trong số họ.

1. Kiểu cha mẹ “cung phụng” mọi thứ cho con

Cha mẹ nào cũng muốn tặng cho con những gì tốt nhất, nhưng nếu trở thành người “cung phụng” và nuông chiều mọi mong muốn của con trẻ, bạn sẽ đánh mất ý nghĩa của việc nuôi dạy.

Vì con cái, có nhiều người mẹ cả năm trời chỉ làm lụng kiếm tiền, không đi mua sắm quần áo, có ông bố vì con cái mà từ bỏ cơ hội thăng tiến trong công việc... Nhiều bậc cha mẹ dường như đã đánh mất cuộc sống cá nhân và sở thích của mình. Mọi thứ trong cuộc sống đều chỉ xoay quanh con cái của họ, mong mỏi được đáp ứng mọi nhu cầu của con. Với cách làm này, bạn khó có thể trở thành một bậc cha mẹ có năng lực.

Trên thực tế, con cái luôn là một phần quan trọng của gia đình nhưng cha mẹ nên có sự nghiệp và mục tiêu của riêng mình. Đây cũng là một tâm thái tốt để làm gương cho con cái, không nên từ bỏ sự phát triển cá nhân hay của gia đình. Điều này sẽ giúp con cái cũng ý thức được rằng, ai cũng cần có mục tiêu riêng để theo đuổi, phấn đấu cho tương lai.

Kiểu cha mẹ quá “cung phụng” con sẽ tạo ra ấn tượng: Bố mẹ đương nhiên phải cho con tất cả. Điều này không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của con và sẽ làm sai lệch nhận thức của con. Trẻ không học được cách cân bằng giữa cho đi và nhận lại, mà chỉ biết không ngừng đòi hỏi, coi đó là chuyện hiển nhiên. Về sau, những đứa trẻ như vậy rất khó có thể trở nên tự lập và học cách biết ơn lòng tốt của mọi người xung quanh.

photo-2-16703846329111020400473.jpg

2. Cha mẹ lo lắng thái quá

So với tình trạng nuôi con nhỏ trước đây, hiện nay nhiều bậc cha mẹ đang tận dụng công nghệ để có thể “để mắt” đến con cái mọi lúc, mọi nơi. Cho dù con ở nhà, hay đi nhà trẻ, hay đang làm bất cứ việc gì, có những bậc phụ huynh luôn giám sát 24/24 thông qua hình ảnh camera. Chỉ cần phát hiện một hành động không như ý, họ sẽ lập tức gọi điện kiểm tra, nhắc nhở và đưa ra yêu cầu chấn chỉnh.

Một số khác thì bày tỏ sự lo lắng thái quá thông qua việc không ngừng cấm cản con ra ngoài. Trong những trường hợp bất khả kháng, họ sẽ cẩn thận đến mức yêu cầu con phải “khai báo” đi đâu, đến mấy giờ về, có gì nguy hiểm hay không, đi với ai, bố mẹ của bạn làm nghề gì, nhà của bạn ở đâu, số điện thoại để liên hệ… Chưa hết, họ thậm chí còn liên tục gọi điện đột xuất cho con để kiểm tra.

Nhiều đứa trẻ vì không muốn bị kiểm tra liên tục như vậy, chúng không còn muốn ra ngoài hay kết bạn với bất cứ ai. Điều này khiến trẻ trở nên rụt rè, không hòa đồng.

Trên thực tế, cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của con cái là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nên giữ sự lo lắng ở một mức độ vừa phải. Nếu biến mọi việc trở nên thái quá, điều đó sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy thế giới bên ngoài rất đáng sợ. Sau này, trẻ khó có dũng khí đối mặt với cuộc sống tương lai và mở ra con đường của chính mình.

3. Cha mẹ “cơm bưng nước rót” cho con

Trong đời sống, chúng ta có thể thường xuyên bắt gặp hình ảnh cha mẹ tay xách nách mang đồ đạc, con cái khôn lớn trưởng thành nhưng chỉ dửng dưng vừa đi vừa chơi điện thoại. Lại có những bà mẹ bồng bế con cái, vừa dỗ dành, hứa hẹn đủ điều, vừa đút cho con ăn từng miếng cơm trong khi con chẳng còn bé bỏng gì.

photo-1-16703846275041701909389.jpg

Chỉ có thể nói, ngày càng có nhiều các bậc cha mẹ quá chiều chuộng con cái, làm mọi việc vì con, thậm chí sẵn sàng “cơm bưng nước rót” từng li từng tí. Điều này khiến trẻ trở nên lệ thuộc, luôn có tâm lý rằng: Mình không cần làm gì hết vì cha mẹ cuối cùng sẽ làm thay.

Sau này lớn lên, con cái cũng không chịu trưởng thành mà chỉ muốn phụ thuộc vào cha mẹ. Nhiều người còn không chịu ra ngoài tìm việc làm, không chịu làm ăn đàng hoàng, chỉ muốn núp sau lưng “ăn bám” bố mẹ để tận hưởng cuộc sống an nhàn.

Đối mặt với những kết quả như vậy, chắc hẳn chẳng có cha mẹ nào vui lòng. Cho nên cha mẹ phải sẵn sàng buông tay ngay từ khi con còn nhỏ. Phụ huynh phải nắm rõ những gì nên và không nên để con làm, rồi giúp con hình thành nhận thức và thói quen tự hoàn thành công việc của mình.

Có như vậy, con mới hình thành tính tự lập, tương lai có thể làm nên việc lớn.

Nguồn: Aboluowang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022