Dưới đây là bài chia sẻ của một nhà tâm lý trẻ em người Trung Quốc trên nền tảng Zhihu:
Gần đây tôi đã xem một video vui nhộn của người bạn tự quay.
Trong video có vài người đàn ông đang hát, đến lượt người bạn này mở miệng hát một bài hát thiếu nhi: “Tôi có một con lừa nhỏ, tôi chưa bao giờ cưỡi…”. Lúc này, ai nghe cũng cười phá lên.
Bố thích hát nhạc thiếu nhi thường là người cha tốt, phải thường xuyên hát nhạc thiếu nhi cùng con. Chẳng trách vợ anh thường xuyên bày tỏ sự vui mừng và khen bố của con là một người cha đầy tình yêu thương và kiên nhẫn.
Một người cha dành thời gian cho con cái không chỉ có trách nhiệm mà còn rất có lợi. Tiểu thuyết gia người Anh, Herbert Lawrence đã nói rằng: “Một ông bố đáng giá hơn trăm người thầy”.
Lợi ích của trẻ khi thường xuyên có bố ở bên
1. Rèn luyện năng lực hành động, khám phá và sáng tạo
Tôi có người bạn cùng lớp hiện là kỹ sư cơ khí giỏi. Khi còn nhỏ, cậu ấy đã là một “nhà khoa học” trong mắt các bạn cùng lớp. Điều này có lẽ là do ảnh hưởng bởi bố.
Cậu từng chia sẻ rằng, có hôm cậu hỏi bố: “Bố ơi, con muốn đóng một chiếc thuyền, bố có thể giúp con được không?”.
Ngay lập tức, bố cậu đã tháo chiếc giường cũ trong kho và tháo gỡ ra thành nhiều phần. Ông tìm sách hướng dẫn rồi mua thêm phụ tùng. Hai bố con chăm chỉ suốt một tháng trời và cuối cùng cũng làm được một chiếc thuyền gỗ nhỏ.
Buổi sáng nắng đẹp, hai bố con đã mang con thuyền ra sông, thế nhưng khi thả xuống nước thì thuyền đã chìm. Dù kết quả thất bại nhưng tinh thần sáng tạo và thực hành, quan trọng nhất là đồng hành cùng con, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cậu bạn ấy. Nhờ đó, cậu yêu thích việc khám phá và sáng tạo, từ đó học rất giỏi trong các môn tự nhiên.
So với mẹ, bố thực tế và có định hướng hành động hơn, dù đây chỉ là thuật ngữ tương đối. Nhà nghiên cứu cảm xúc gia đình người Mỹ, John Gray cũng cho rằng, các ông bố thường thiên về hành động hơn các bà mẹ, bởi các bà mẹ thường nhạy cảm và suy nghĩ quá nhiều.
Chẳng hạn, trong ví dụ trên, các bà mẹ có thể nghĩ: “Đóng một chiếc thuyền không phải là việc mà người bình thường có thể làm được”, “Tìm nguyên liệu ở đâu? Rắc rối quá”, “Nếu thất bại thì hoài công vô ích”... Song những người cha lại quyết đoán hơn, họ có thể nói: “Khó khăn lắm đấy, nhưng cứ làm đi rồi tính tiếp”...
2. Thích phiêu lưu mạo hiểm hơn
Tôi từng gặp một “ông bố nghịch ngợm” ở ngọn núi ngoại ô. Ông bố này là một nhà leo núi tự do, anh buộc con trai 3 tuổi vào eo, trong khi vợ ở dưới rất lo lắng. Khi leo tới đỉnh núi thành công sau hơn 20 phút, ai đứng dưới cũng có thể nghe thấy tiếng cười của cậu bé. Tôi nghĩ đứa trẻ này có một người bố dũng cảm, sau này nhất định cũng sẽ dũng cảm.
Nhà tâm lý học trẻ em người Mỹ Ross Parke phát hiện các ông bố thích chơi những môn thể thao “cảm giác mạnh” với con mình, chẳng hạn như đấu vật, chạy hoặc leo núi và các hoạt động mạo hiểm khác. Điều này thực sự có liên quan đến nội tiết tố nam của người bố. Dưới ảnh hưởng của nội tiết tố nam, các ông bố có hành vi mạo hiểm và năng động hơn. Trẻ em có thể dễ dàng phát triển tinh thần phiêu lưu khi có bố đồng hành bên cạnh. Chấp nhận rủi ro ở mức độ an toàn tương đối, rèn luyện tinh thần kiên cường, kiên trì và dám nghĩ dám làm, mang lại lợi ích cho cả con trai và con gái.
3. Có khả năng tự lập cao hơn
Tôi có một người bạn, xuất thân trong một gia đình có điều kiện, mẹ và bà không bao giờ cho cô làm bất cứ việc nhà nào. Kiểu chiều chuộng này đã bị bố phá vỡ khi cô mới 5 tuổi.
Một ngày cuối tuần năm đó, mẹ và bà đi thăm họ hàng, bố ban đầu hứa sẽ nấu ăn, nhưng sau đó lại nói không nấu, còn đòi nhịn luôn cả ngày. Sau đó, bố đưa cho con gái 10 đồng, thuyết phục con đi chợ mua một ít thịt, rau và mì, sau khi về nhà còn thuyết phục cô làm món mì đơn giản. Bằng cách này, cô tự nấu cho mình món ăn đầu tiên trong đời. Thật kỳ diệu, cô bạn này lại yêu thích nấu ăn. Lớn lên, bố đã nói với cô rằng: “Ngày đó, nhờ bố cố tình nói không biết nấu ăn nên mới rèn được một cô con gái thích nấu nướng”.
Chẳng trách có người từng nói, sự hiện diện của người cha là độc nhất có sức mạnh đặc biệt trong việc nuôi dạy con cái.
“Hiệu ứng sao chép” trong mối quan hệ cha con
Khi gia đình có người cha thường bỏ bê con cái, con gái sẽ có ấn tượng tiêu cực về người đàn ông đó, còn con trai trong gia đình sau này sẽ bắt chước sự thiếu trách nhiệm của người cha.
Khi trong gia đình có một người cha tốt, thường xuyên đồng hành cùng con cái và đảm nhận trách nhiệm chăm sóc chúng sẽ khiến con cái yêu thương gia đình hơn và làm việc chăm chỉ vì sự phát triển của gia đình.
Cũng giống như việc các ông bố cùng con chơi đùa, các em có cảm giác an toàn hơn, gắn bó với bố hơn, tính cách và ý chí về mọi mặt cũng chịu ảnh hưởng tích cực từ bố.
Vì vậy, hành động của người bố sẽ giúp con cái hiểu được vai trò của người làm cha. Ấn tượng này sẽ cho phép trẻ hình thành các tiêu chuẩn hành vi của riêng mình trong tương lai. Là con trai, anh ta sẽ sao chép hành vi của cha mình và áp dụng nó cho gia đình và con cái tương lai. Là con gái, cô thường thất vọng và nghi ngờ chồng mình. Đây chính là “hiệu ứng sao chép” mà người cha mang đến cho con cái.
Tình yêu có thể được sao chép, khi người bố đủ yêu thương con cái thì chắc chắn con cái sẽ học được cách yêu thương.