Ngày 14/2, PGS.TS Trần Hoàng Hải - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật Đại học Luật TP HCM - khẳng định trường hoàn toàn đủ thẩm quyền và cơ sở pháp lý đình chỉ một năm học với Nguyễn (sinh viên năm 2 khoa Luật Dân sự) vì mang 8 tập photo giáo trình vào trường.

Kết luận này căn cứ vào quy định của luật Sở hữu trí tuệ, nữ sinh sử dụng bản photo giáo trình là vi phạm quyền tác giả.

"Đại học Luật là chủ sở hữu quyền tác giả với giáo trình và các tài liệu khác có các quyền tài sản theo quy định Điều 20 và quyền nhân thân theo khoản 3 Điều 19", ông Hải nói và cho biết bất cứ cá nhân nào khi khai thác, sử dụng một hoặc một số các quyền trên phải xin phép.

Ông phân tích thêm, theo quy chế công tác sinh viên với chương trình đào tạo hệ đại học chính quy ban hành kèm theo Thông tư 10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục được "xây dựng quy chế, quy định cụ thể về công tác sinh viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công tác tổ chức và đào tạo của trường".

dai-hoc-luat-2856-1487054265.jpg

Sinh viên trường Đại học Luật TP HCM (quận 4, TP HCM). Ảnh: M.T.

Ngoài ra, phụ lục một số nội dung vi phạm và khung xử lý sinh viên kèm theo thông tư trên có khoản "các vi phạm khác", cho phép nhà trường tùy theo mức độ vi phạm để xem xét, nhắc nhở, phê bình hoặc xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi học.

"Điều 20 Luật Giáo dục Đại học 2012 cho phép hiệu trưởng 'ban hành các quy chế, quy định trong cơ sở giáo dục đại học theo nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng quản trị, hội đồng đại học'", ông Hải dẫn chứng.

Từ đó, trường có chủ trương nghiêm cấm sử dụng và phát hành các tài liệu học tập do nhà trường biên soạn, xuất bản và phát hành dưới hình thức photocopy, triển khai từ năm 2012 đến nay. Đây là quy định của trường để bảo vệ các quy định của luật Sở hữu trí tuệ, Xuất bản.

"Nội dung này triển khai rất sâu, rộng, dưới nhiều hình thức. Năm nào trường cũng ra thông báo chính thức về việc phát hành và sử dụng tài liệu của sinh viên", ông Hải cho hay.

Trước đó, trường đã cảnh cáo 2 sinh viên và đình chỉ học một năm với một nam sinh về hành vi tương tự. Trong khi đó, nữ sinh Nguyễn dù đã biết quy chế của nhà trường vẫn photo thành nhiều đợt 8 cuốn tài liệu giáo trình có bản quyền.

"Dù nhà trường thông cảm với nữ sinh nhưng vẫn xử lý mạnh tay, bởi nếu cứ cảm thông vi phạm lần đầu thì không thể có được kỷ cương trong môi trường hàng chục nghìn sinh viên", ông Hải nói.

Đại diện Đại học Luật TP HCM cũng bác bỏ ý kiến cho rằng giáo trình của trường đắt, nhiều sinh viên khó khăn nên phải photo để tiết kiệm chi phí, bởi trường có chương trình giảm giá và tặng giáo trình nếu sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có xác nhận của địa phương. Nhà trường không bắt ép sinh viên phải mua tài liệu. Họ có thể mua lại sách cũ, mượn sách ở thư viện hoặc mua ngoài thị trường... miễn sao không vi phạm về bản quyền.

"Để có được một giáo trình, tài liệu học tập hoàn chỉnh, đội ngũ chuyên gia phải mất vài năm nghiên cứu, dịch thuật. Tài sản trí tuệ thì không thể nói đắt hay rẻ mà hơn hết, người sử dụng nó phải biết tôn trọng công sức làm ra nó", ông nói.

Trước đó, trong bản tường trình với Ban giám hiệu trường ngày 18/1, nữ sinh Nguyễn cho biết "em đã biết sai khi vi phạm quy chế nhà trường và rất hối hận với lỗi của mình", hứa sẽ không tái phạm và mong nhà trường giảm nhẹ mức hình phạt.

Cách đó vài ngày, Nguyễn mang 8 tập tài liệu photo giáo trình đã được sử dụng trước đó cho một sinh viên khóa dưới cùng quê. Cô bị bảo vệ phát hiện, lập biên bản và gửi về trường.

Bị cho là vi phạm nội quy trường về "sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với quy định của nhà trường và pháp luật", Nguyễn bị đình chỉ học một năm.

Mạnh Tùng

* Tên nữ sinh được thay đổi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022