Michael Phelps, 34 tuổi, là cựu vận động viên bơi lội chuyên nghiệp người Mỹ. Trong sự nghiệp của mình, Phelps đã giành được 28 huy chương ở các kỳ Olympic (23 huy chương vàng) và từng nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới. Những thành tích này đưa anh trở thành huyền thoại sống không chỉ trong lĩnh vực bơi lội mà cả trong lịch sử thế vận hội.

Tuy nhiên, cuộc đời của Michael Phelps không nhận được sự yêu mến từ đầu. Mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và sở hữu đôi tai to, siêu kình ngư từng bị bạn bè bắt nạt và bị giáo viên coi thường.

Tuổi thơ bị bắt nạt

Phelps sinh ngày 30/6/1985, là con út trong gia đình ba chị em sống ở ngoại ô Baltimore (bang Maryland, Mỹ). Mẹ của Phelps, Debbie, là giáo viên còn bố anh, Fred là quân nhân. Năm Phelps 9 tuổi, bố mẹ ly dị, Phelps sống cùng mẹ và hai chị gái. Bà Debbie đã một mình nuôi ba người con khôn lớn.

Trong cuốn sách "No Limits: The Will to Succeed", Phelps tự mô tả bản thân như sau: "Tôi có đôi tai to. Tôi gầy nhẳng. Tôi bị trêu chọc rất nhiều". Ở cuốn sách khác, "Beneath the Surface: My Story", Phelps kể anh thường nói rất nhanh và tránh không nhìn vào ánh mắt của đối phương khi giao tiếp.

Khi học mẫu giáo, Phelps là đứa trẻ nghịch ngợm, không thể ngồi yên một chỗ và thích bày trò để trở thành trung tâm của sự chú ý. Trong lớp khoa học, Phelps thích mở các vòi khí đốt để mùi hôi thoát ra, gây ảnh hưởng đến giờ học. "Tôi chỉ đơn giản là không thể ngồi yên bởi vì rất khó tập trung vào một điểm trong thời gian dài", anh nhớ lại.

Những hành động khác thường của cậu bé đổi lại là sự vô tâm của giáo viên mầm non. Cô giáo đã mời mẹ của Phelps lên nói chuyện. Bà Debbie cố gắng bảo vệ con và cho rằng có lẽ Phelps cảm thấy buồn chán. Tuy nhiên, cô giáo khẳng định rằng: "Em ấy không có tài năng. Con trai của cô chắc chắn sẽ không thể tập trung vào bất cứ cái gì".

sieu-kinh-ngu1-6853-1574509714.jpg

Michael Phelps đã giải nghệ sau Olympic Rio 2016. Ảnh: AOL.

Năm 9 tuổi, Phelps được chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). "Đó là cú sốc lớn đối với tôi nhưng tôi muốn chứng minh cho mọi người rằng họ đã sai. Tôi biết rằng Michael có thể đạt được bất cứ điều gì cháu muốn nếu đặt tâm trí của mình vào đó", Debbie nói. Phelps phải dùng thuốc điều trị bệnh trong hai năm.

Mọi chuyện càng tồi tệ hơn khi Phelps lên cấp hai. Là học sinh hiếu động với đôi tai to, nhô ra phía trước, Phelps trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt học đường. Debbie nhớ lại quãng thời gian đấy, con trai thường đội mũ bóng chày để che đi đôi tai của mình nhưng nó chỉ càng khiến bạn bè chú ý.

Mỗi khi gặp Phelps, những đứa trẻ sẽ giả vờ ngoáy tai và cười lớn. Chúng tìm cách chế giễu chàng trai bất cứ khi nào có thể và hầu như thầy cô giáo không bận tâm vì nghĩ rằng đó là trò chơi của đám trẻ.

Như giọt nước tràn ly, một ngày nọ, Phelps xông vào đánh những người bạn thường hay trêu chọc mình. Cậu bé bị đình chỉ học, phải ở nhà tự kiểm điểm hành vi sai trái. Sau khi quay lại trường học, Phelps học cách bỏ qua những lời chế nhạo, không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhưng những lời trêu chọc vẫn xuất hiện và khiến cậu bé tổn thương.

Khám phá môn bơi và tiềm năng của bản thân

Từ khi Phelps còn nhỏ, Debbie đã cho con trai học bơi tại câu lạc bộ thuỷ sinh địa phương, nơi hai chị gái của anh tập luyện. Tuy nhiên, Phelps kể thời gian đầu anh rất ghét môn bơi, không chú ý học mà chỉ nô đùa.

Qua thời gian luyện tập, Phelps tìm thấy vùng an toàn của bản thân và hoàn toàn đắm chìm vào bộ môn này. "Khi lần đầu biết bơi, tôi cảm thấy mình được tự do. Tôi có thể bơi rất nhanh, một phần vì hồ bơi làm tâm trí tôi chậm lại. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi cảm thấy có thể kiểm soát bản thân", Phelps nhớ lại.

Trong khi không thể ngồi yên tại lớp học, Phelps có thể dành ra ba tiếng ở dưới nước. "Mẹ yêu cách tôi bơi, bà muốn tôi rút hết năng lượng vào bể bơi và sẵn sàng dành hàng giờ đưa tôi đi bơi và ở lại quan sát, cổ vũ", anh nói.

Hoạt động bơi lội càng trở nên ý nghĩa hơn với Phelps khi anh bị bắt nạt tại trường cấp hai. Những ức chế không thể giải tỏa, sự tủi nhục vì bị trêu chọc là khác người được Phelps trút hết xuống làn nước. Vì vậy, càng bị trêu chọc, Phelps càng hăng say, dành sự chú ý cho môn bơi lội.

Năm 10 tuổi, Phelps phá kỷ lục quốc gia dành cho độ tuổi của mình ở nội dung bơi bướm. Năm 11 tuổi, anh bắt đầu tham gia câu lạc bộ bơi lội ở Bắc Baltimore dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên nổi tiếng Bob Bowman.

sieu-kinh-ngu-4184-1574509714.jpg

Michael Phelps luyện tập cho Olympic 2000 vào năm 15 tuổi. Ảnh: Jerry Jackson/ Baltimore Sun.

Trước những thành tích đặc biệt, mọi người tại trường cấp hai đã nhìn Phelps bằng con mắt khác. Những người bạn trước đây thường trêu chọc anh giờ đã quay ra bắt chuyện, tỏ ra thân thiết với vận động viên trẻ. "Mọi người cố gắng nói chuyện với tôi còn tôi thì nghĩ Vâng giờ các bạn lại chơi với tôi trong khi trước đây còn trêu chọc tôi", Phelps nói.

Debbie nhớ lại tại đợt tập luyện Olympic Sydney 2000, một vận động viên bơi lội đã đến bắt chuyện với Phelps (khi ấy 15 tuổi), đây cũng là người từng trêu chọc Phelps ở trường cấp hai. "Tôi rất tự hào về bạn, xin chúc mừng", vận động viên đó nói, nhưng Phelps bảo rằng không quen biết anh ta. Sau khi vận động viên này rời đi, Debbie hỏi con trai: "Con biết cậu bé ấy phải không?". Phelps trả lời: "Cậu ấy đã không đối xử tốt với con ở trường cấp hai, cậu ấy sẽ không trở thành bạn của con sau khi con trở thành vận động viên Olympic".

Những năm tháng sau đó, Phelps tiếp tục phá kỷ lục thế giới, dành nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi. Đối với siêu kình ngư, bể bơi có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Đó là nơi ẩn náu, là lối thoát cho cậu bé bị bắt nạt, là sức mạnh thúc đẩy anh tiến tới danh hiệu "huyền thoại làn đua xanh". Michael Phelps giải nghệ sau Olympic Rio 2016.

Tú Anh (Theo Understood, Yahoo)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022