5h sáng ngày 29/3, Đặng Thu Thảo, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, có mặt tại trường Đại học Sư phạm TP HCM, sau một đêm trên xe ôtô.

Nữ sinh đã đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Toán cấp tỉnh nên gần như chắc suất đỗ đại học. Tuy nhiên, Thảo muốn thi thêm để thử sức và thêm cơ hội xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán của trường.

"Em đam mê môn Toán từ thời tiểu học. Tính cách của em cũng phù hợp với nghề giáo, gia đình có truyền thống sư phạm nên em xác định theo ngành này", Thảo chia sẻ.

dgnl-chuyen-biet-3585-1711686612.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7iJ12ntEPb4Ha557pM0eoQ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường Đại học Sư phạm TP HCM, sáng 29/3. Ảnh: Phúc Nguyễn

Ước mơ làm thầy giáo từ nhỏ và được gia đình ủng hộ, Minh Thắng, học sinh lớp 12 trường THPT Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đăng ký thi hai đợt đánh giá năng lực vào tháng 3, 5. Thắng cho hay nguyện vọng chính là lấy điểm xét tuyển sớm vào ngành Sư phạm Toán.

"Em thích tìm hiểu kiến thức và giảng lại cho người khác nên có lẽ nghề giáo phù hợp. Tham gia kỳ thi này em có thêm cơ hội", Thắng cho biết.

Sau 90 phút làm bài, Thắng phấn khởi vì đề vừa sức. Em làm hết 50 câu trong đề, dự đoán đạt 7-8 điểm.

"Đề phân hóa rất rõ, từ dễ đến khó. Có những câu thực tế mà em cảm thấy mình cần tưởng tượng nhiều về hình không gian, phải nắm chắc kiến thức lớp 11, 12 mới làm được bài", nam sinh nói.

Còn Thảo đánh giá đề thi dài nhưng vừa sức, phần lớn kiến thức nằm ở chương trình lớp 11, 12. Trong khi đó, Minh Khôi, học sinh lớp 12 ở quận Tân Phú, TP HCM, không đủ thời gian làm hết đề. Dự đoán kết quả không cao, Khôi cho biết có thể đăng ký thêm đợt thi tiếp theo của trường.

nnt01074-jpg-1711686576-5279-1711686612.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7292SLQLzYXIOeDrlWPIZw

Thí sinh được cổ vũ khi kết thúc thời gian làm bài thi. Ảnh: Thanh Phong

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm TP HCM gồm 6 bài thi: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tiếng Anh.

Môn Toán, Lý, Hóa, Sinh có thời gian làm bài 90 phút, gồm 50 câu hỏi, trong đó 35 câu trắc nghiệm bốn lựa chọn, 15 câu dạng trả lời ngắn. Bài thi Ngữ văn gồm 20 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn, một bài viết nghị luận xã hội, thời gian làm bài tương tự. Riêng bài thi môn Tiếng Anh có thời gian 180 phút với bốn phần Nghe, Nói, Đọc, Viết. Tất cả bài thi được quy về thang điểm 10.

Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho hay đợt 1 diễn ra trong ba ngày, từ nay đến hết 31/3. Số thí sinh đợt này là hơn 3.500. Môn thi được đăng ký nhiều nhất là Toán và Tiếng Anh, đều trên 1.000 học sinh. Kết quả được công bố vào ngày 15-20/4.

Bốn đợt thi còn lại diễn ra trong tháng 5 tại Long An, Gia Lai, Đà Nẵng và TP HCM.

Đợt Địa điểm thi Thời gian đăng ký Thời gian thi
1 TP HCM 19/2-15/3 29-31/3
2 Long An 1-29/4 10-11/5
3 Gia Lai 4-5/5
4 Đà Nẵng 9-13/5
5 TP HCM 7-29/4 21-23/5

Cả nước hiện có hai kỳ thi riêng để xét tuyển vào nhóm trường Sư phạm, do Đại học Sư phạm TP HCM và Hà Nội tổ chức. Kỳ thi của trường Sư phạm Hà Nội sẽ diễn ra vào tháng 5.

Ở Đại học Sư phạm TP HCM, kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với học bạ. Nhà trường dự kiến dành tối đa 40% chỉ tiêu của từng ngành theo cách xét tuyển này.

Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) nhân hệ số 2, cộng với điểm trung bình học bạ hai môn còn lại trong tổ hợp, sau đó quy đổi về thang 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực (nếu có).

Sáu trường sư phạm khác dùng kết quả kỳ thi của Sư phạm TP HCM để xét tuyển, gồm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, và các trường sư phạm trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Vinh.

Năm ngoái, kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Sư phạm TP HCM có khoảng 4.400 thí sinh tham gia, gấp đôi năm 2022. Điểm trúng tuyển của phương thức xét kết hợp điểm học bạ THPT và điểm thi đánh giá năng lực từ 15,63 đến 28,11 điểm.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022