Ngày 21/12, khuôn viên Cung Thể thao Quần Ngựa náo nhiệt với khoảng 2.000 người, trong đó hơn 1.000 là thí sinh dự chung kết Cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics 2024.
Nguyễn Tùng Dương, lớp 11, trường THPT Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, cho biết cùng đội có mặt ở Hà Nội từ hôm qua. Em dự thi nội dung lập trình và chế tạo robot, thực hiện nhiệm vụ gieo hạt, nhằm giải quyết bài toán tối ưu hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là lần thứ ba nam sinh dự các cuộc thi về robot.
Từ ba tháng trước, Dương và hai bạn trong nhóm đã bắt tay chuẩn bị. Đã học lập trình online, Dương phụ trách phần này và hỗ trợ chế tạo phần cứng robot. Nam sinh nói mong đạt giải nhì chung cuộc.
"Ngoài kiến thức về robot, lập trình, em thấy mình tự tin hơn, quen thêm nhiều bạn chung đam mê", Dương nói.
Còn Nguyễn Thùy Dương, lớp 10 trường THPT Phùng Khắc Khoan, Hà Nội, cho hay lần đầu dự một sân chơi quy mô quốc gia về robot. Dương nói hứng thú với lĩnh vực này vì thích tìm hiểu về công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), các phát minh, sáng chế cho tương lai.
Trong hơn hai tháng chuẩn bị, Thùy Dương gặp chút khó khăn để sắp xếp thời gian, bởi vừa trải qua đợt ôn thi hết học kỳ I. Tuy nhiên, nhờ các bạn trong nhóm hỗ trợ, nữ sinh vượt qua suôn sẻ.
"Bọn em đến với tinh thần vui vẻ, học hỏi là chính, nên vỡ òa với giải nhất", nữ sinh chia sẻ.
Học sinh thi đấu robot tại cuộc thi Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics (VSAR), ngày 21/12. Ảnh: Thanh Hằng
Giải Vô địch Quốc gia STEM, AI và Robotics (VSAR) do báo Tiền phong và Hội đồng Đội Trung ương tổ chức, nhằm khơi dậy đam mê học tập STEM, trí tuệ nhân tạo và robotics cho học sinh phổ thông.
Được phát động từ tháng 10, cuộc thi gồm 5 giải đấu nhỏ, chủ đề chính là nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, phát triển bền vững. Có giải yêu cầu thí sinh lập trình robot để gieo hạt từ kho chứa, di chuyển đến các ô gieo trồng rồi quay về vị trí xuất phát; giải khác thử thách chế tạo robot thi bóng đá hay giao hàng qua nhiều chướng ngại vật...
Thí sinh sẽ thi đấu theo bảng, tương ứng với cấp học của mình. Tổng giá trị giải thưởng khoảng một tỷ đồng, gồm tiền mặt, hiện vật (các bộ thiết bị STEM, robot giáo dục, xe đạp, máy tính...), học bổng.
Ngoài hơn 1.000 thí sinh Việt Nam, cuộc thi năm nay còn có đoàn học sinh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia thi đấu giao hữu.
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức, cho biết cuộc thi không chỉ là thử thách về kỹ thuật hay công nghệ, mà còn là cơ hội để học sinh khẳng định tài năng, sự sáng tạo và tinh thần làm việc nhóm.
"Tôi mong dù kết quả thế nào, các em vẫn giữ đam mê khoa học, sáng tạo và không ngừng hoàn thiện bản thân", ông nói.
Đội thi trường THPT Phùng Khắc Khoan, Hà Nội, ăn mừng sau khi nhận giải, ngày 21/12. Ảnh: Thanh Hằng
Thanh Hằng