Bà Võ Thị Thu, 60 tuổi ở ấp Xẻo Ngây, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển mỗi ngày lái xuồng máy hơn 5km đưa ba cháu đến trường Tiểu học 1 Tân Ân Tây (xã Tân Ân Tây). Bà cho biết từ nhà đến trường không có đường nên bắt buộc phải đi bằng đường thủy. Dù không biết bơi, mỗi ngày tốn khoảng 100.000 đồng tiền xăng, nhưng gia đình cố gắng cho con cháu đi học.
Để tiết kiệm, bà thường mang cơm theo, rồi ngồi ở hàng quán quanh trường, đợi đón các cháu vào buổi chiều.
"Hôm nào có công việc gì ở nhà gấp lắm thì tôi mới lái xuồng về rồi quay lại, nhưng như vậy thì chi phí lại tăng thêm", bà Thu cho hay.
Cảnh nhộn nhịp dưới bến sông gần trường Tiểu học 2 Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển giờ tan trường. Ảnh: Chúc Ly
Ông Dương Văn Thủy, 65 tuổi, ở ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, cho biết nhà cách trường hơn 6 km. Mỗi ngày, khoảng 6h, ông lái xuồng chừng nửa tiếng đưa cháu đến trường rồi đợi đến 11h để đón về. Đến 13h, ông Thủy lại chở cháu đi học và chờ đến khi tan.
"Con đi làm xa nên tôi phụ trách đưa ba đứa cháu ngoại đi học", ông Thủy nói. "Cả ngày chỉ quanh quẩn việc đưa rước nên tôi không thể làm được việc gì khác, nhưng để các cháu tự đi đò thì lại không yên tâm".
Ở tuổi 71, bà Nguyễn Thị Đẹp, trú ấp Xóm Mới, xã Viên An Đông, cũng phải đưa ba đưa cháu đi học. Để đỡ chi phí, bà tranh thủ vót đũa đước, bán xung quanh trường.
"Mỗi lần giao hàng tôi chỉ kiếm được vài chục nghìn nhưng có còn hơn không", bà nói.
Thấy học sinh lên xuống khó khăn khi nước cạn theo thủy triều, gần đây bà Đẹp vận động bà con góp cây và công sức làm cầu tạm ở bên neo đậu xuồng.
Cô Đàm Thu Hà, Hiệu phó trường Tiểu học 1 Tân Ân Tây, cho biết khoảng 100 trong số 321 học sinh của trường đi học bằng đường thủy. Có em đi đò bên ngoài, có em được gia đình lái xuồng đưa đón. Học sinh xa trường nhất chừng 15 km.
Theo cô Hà, lý do là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Hiển, các tuyến đường bộ chưa đến khu dân cư, một số nơi đường sá hư hỏng.
Bà Võ Thị Thu cùng các phụ huynh khác ngồi chờ con, cháu tan học. Ảnh: Chúc Ly
Điểm trường Tiểu học 2 Đất Mũi (ấp Cái Hoãng, xã Đất Mũi) gặp khó khăn tương tự.
Trong 350 học sinh ở hai điểm trường, khoảng 80% đi học bằng xuồng. Xung quanh trường có một số quán kinh doanh ăn uống, bố trí võng để phụ huynh, học sinh nghỉ trong lúc đợi tan học.
Em Thái Vân Anh, học sinh lớp 5A, cho biết trường cách nhà hơn 10 km nên phải thức từ 4h30 để chuẩn bị đồ đạc, sách vở.
"5h là đò đến nên con phải thức sớm. Buổi trưa, con mua cơm hay mì ở quán", Vân Anh nói. "Dù rất mệt nhưng con phải đợi học xong buổi chiều mới đi đò về nhà, vì nếu về buổi trưa sẽ không có thời gian nghỉ ngơi".
Ở cách nhà Vân Anh không xa, anh Huỳnh Văn Đen, 39 tuổi cho biết hầu hết phụ huynh ở trong xóm đưa con đi học bằng xuồng do đường bộ chưa thông. Anh làm thợ hồ, mỗi ngày kiếm khoảng 250.000 đồng nhưng riêng tiền cho con đi đò đã hơn 100.000.
"Tôi mong sớm có đường thuận tiện để tụi nhỏ đi học đỡ cực lại an toàn", anh nói.
Em Thái Vân Anh (bìa phải) cùng các bạn trên đò về nhà sau giờ tan học. Ảnh: Chúc Ly
Cả huyện Ngọc Hiển có khoảng 10.000 học sinh từ mẫu giáo đến hết lớp 9. Chính quyền cho biết khoảng 1.600 em phải đi học bằng xuồng, đò, tập trung ở một số trường như Tiểu học 2 Đất Mũi, Tiểu học 2 Viên An Đông, Tiểu học 2 Tam Giang Tây...
Từ đầu năm học, các trường đã rà soát, vận động mạnh thường quân hỗ trợ áo phao để các em đến trường, tuyên truyền để các em biết giữ an toàn trên sông nước.
Ông Lê Xuân Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Hiển, nhìn nhận số lượng học sinh đi học bằng đường thủy đông là do đặc trưng địa hình sông nước; một số nơi đi bằng xuồng sẽ thuận tiện hơn. Nhiều phụ huynh đi lao động ở xa nên ông bà phải đưa cháu đến trường.
Ông đã kiến nghị địa phương tiếp tục hỗ trợ tiền đò cho các em có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm xây dựng các tuyến đường ở vùng sâu, vùng xa.
Học sinh đến trường bằng đường thủy ở Cà Mau. Video clip: Chúc Ly
Chúc Ly