Đại học Ngoại thương giữa tháng 6 công bố điểm chuẩn học bạ với thí sinh đạt giải học sinh giỏi hoặc học trường chuyên lên tới 31, ở ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều ngành khác cũng trên 30.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, cho biết mức này là tổng điểm trung bình 5 học kỳ của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2,75), điểm cộng giải học sinh giỏi (tối đa 4). Như vậy, nếu không tính điểm cộng theo chính sách của Bộ (dành cho thí sinh con thương binh, bệnh binh, ở các khu vực khó khăn), điểm tối đa mà thí sinh có thể đạt được là 34.
Tuy nhiên, do Bộ yêu cầu không được có điểm chuẩn vượt 30, Đại học Ngoại thương phải thêm công thức quy đổi. Điểm chuẩn ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lúc này thành 29,1/30.
Tương tự, một số trường có điểm chuẩn học bạ quanh mức 30 do cộng điểm khuyến khích riêng, đều phải quy đổi.
Đại học Luật Hà Nội từng công bố điểm chuẩn ngành Luật Kinh tế, tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) là 30,3. Sau đó vài tiếng, trường này phải ra thông báo hạ xuống 30, để thực hiện yêu cầu của Bộ.
Sau quy đổi, ngành Truyền thông quốc tế của Học viện Ngoại giao vẫn lấy 30 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) bằng kết quả học tập THPT. Mức này bởi trường đã cộng tối đa 10 điểm khuyến khích.
Học viện Ngân hàng lấy cao nhất 29,8 với nhiều ngành như Ngân hàng số, Tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Nhiều ngành khác trên 29.
Thí sinh thi tốt nghiệp tại trường THPT Nguyễn Du, quận 1, TP HCM, sáng 27/6. Ảnh: Thanh Tùng
Những trường top giữa như Đại học Thủy lợi hay Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng có ngành lấy mức 29 sau khi cộng điểm khuyến khích. Như tại Đại học Thủy lợi, ngành Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng lấy 29,5 điểm, Thương mại điện tử 29,25, Luật 29,03. Ngành Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của trường Công nghệ Giao thông vận tải lấy 29.
Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học ở Hà Nội cho biết nếu chỉ tính điểm học bạ ba môn trong tổ hợp, điểm chuẩn khó đạt mức 28 trở lên. Tuy nhiên, nhiều trường đưa điểm khuyến khích vào nhằm đảm bảo chất lượng thay vì chỉ dựa vào học bạ của trường cấp 3. Điểm này được cộng cho những học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ quốc tế, học trường chuyên.
Dù vậy, nhiều trường không cộng điểm khuyến khích nhưng điểm chuẩn vẫn quanh 30.
Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm trúng tuyển theo phương thức xét học bạ THPT là 20,5-29,8. Học sinh trường chuyên cần đạt 29,8 điểm mới đỗ ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh). Mức này là tổng điểm trung bình cả năm lớp 10, 11 và 12 của môn Toán và điểm cộng ưu tiên theo quy định của Bộ.
Một phần nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn học bạ ở mức cao là do chỉ tiêu cho phương thức này ít. Như ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng Tiếng Anh), trường chỉ tuyển 5 sinh viên theo phương thức xét học bạ.
Với cách tính tương tự, ngành Sư phạm Toán của Đại học Cần Thơ lấy 29,25. Nếu thí sinh không có điểm ưu tiên, điểm học bạ mỗi môn phải đạt 9,75 mới đỗ. Xếp sau là ngành Sư phạm Hóa học với điểm chuẩn 29,1.
Đại học Sư phạm TP HCM lấy điểm học bạ cao nhất 29,73 ở ngành Sư phạm Hóa. Các ngành Sư phạm Toán, Lý, Sinh cũng lấy 29 trở lên.
Đại học Công nghiệp Hà Nội công bố điểm chuẩn từ 25,1 đến 29,23. Trong đó, Công nghệ thông tin lấy trên 29. Ngành này chương trình chất lượng cao bằng tiếng Việt ở Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng lấy 29.
Điểm chuẩn xét theo học bạ cao vọt trong vài năm gần đây. Năm ngoái, nhiều trường lấy vượt mức 30 khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay phải yêu cầu các trường quy đổi về thang 30.
Ngoài lý do nhiều trường cộng điểm khuyến khích hay chỉ tiêu dành cho phương thức xét học bạ thấp, chỉ tuyển một vài sinh viên, từ năm trước, nhiều chuyên gia cho rằng điều này một phần do điểm học bạ hiện "đẹp" hơn trước.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm ngoái là hơn 521.000. Trong đó, 37,18% thí sinh nhập học trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ.
Dương Tâm