Chiều 23/7, trường Đại học Sài Gòn công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và công thức quy đổi điểm chuẩn. Hầu hết các ngành đào tạo đều có điểm sàn tăng 0,5-6 điểm.
Với nhóm ngành đào tạo giáo viên, trường nhận hồ sơ từ 18 đến 25 điểm. Ngành Sư phạm Toán, Lịch sử - Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật giữ nguyên mức sàn như năm ngoái, 18-24,5.
Các ngành khác đều tăng 1-6 điểm. Sư phạm Lịch sử, Địa lý có mức tăng mạnh nhất, từ 19 lên 25 điểm, dẫn đầu trường và cả nước. Ngành Sư phạm Hóa, Sinh, Vật lý, Ngữ văn tăng 4-5 điểm.
Nhóm ngành còn lại của trường Đại học Sài Gòn lấy điểm sàn 17-22, tăng 1-2,5 điểm so với năm ngoái. Một số ngành thuộc lĩnh vực kinh tế như Tài chính ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh giảm từ 19,5 xuống còn 18,5.
Điểm sàn trường Đại học Sài Gòn như sau:


Năm nay, trường Đại học Sài Gòn dự kiến tuyển 5.220 sinh viên, mở 3 ngành mới là Lịch sử, Địa lý học, Thiết kế vi mạch. Trường áp dụng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM; kết quả V-SAT.
Học phí khóa tuyển sinh 2025 dự kiến khoảng 78-193 triệu đồng toàn khóa (4-4,5 năm).
Năm ngoái, điểm chuẩn của trường từ 21,17 đến 28,25 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành Sư phạm Lịch sử dẫn đầu.

Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Trần
Hiện, thí sinh có thể đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần, đến 17h ngày 28/7. Sau đó, các em nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ 29/7 đến 17h ngày 5/8.
Thí sinh truy cập trang Tra cứu đại học của VnExpress để xem biến động điểm chuẩn các năm theo ngành, trường. Hệ thống cũng đưa ra gợi ý nhóm ngành, trường năm ngoái có điểm chuẩn tiệm cận mức điểm các em đạt được theo từng tổ hợp.
Điểm chuẩn đại học được công bố trước 17h ngày 22/8.
Lệ Nguyễn