Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nêu thông tin trên tại một hội thảo của Sở, cuối tháng 4. Theo ông, Sở đang triển khai hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ số GIS), từ đó tính toán khoảng cách từ nhà học sinh tới trường, xếp các em vào nơi gần nhất.

Hiện nay, Hà Nội tuyển sinh đầu cấp theo tuyến. Học sinh ở phường, xã nào sẽ được học ở trường khu vực đó. Tuy nhiên, không ít gia đình ở khu vực giáp ranh, dù gần trường ở phường khác hơn nhưng không được học, do không đúng tuyến.

"Những trường nào gần với nhà học sinh, thì các em học ở trường đó, không theo phân tuyến như hiện nay, giúp giảm tải cho gia đình, học sinh và giáo viên", ông Cương nói.

Với những khu đô thị mới chưa có trường học, Sở đề nghị quận, huyện có biện pháp giải quyết, thúc đẩy việc xây trường. Ngoài ra, các địa phương quan tâm, bố trí con em gia đình diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con công nhân khu công nghiệp, gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, vào trường công lập.

HUY-4291-1746338873-6279-1746339000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1QuuZqVfOHEsyYQp8B2yDw

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội tựu trường, tháng 8/2022. Ảnh: Giang Huy

Năm học tới, Hà Nội dự kiến có 95.000 trẻ vào mẫu giáo, 155.000 học sinh lớp 1 và 161.000 học sinh lớp 6.

Tất cả quận, huyện đã thông báo chỉ tiêu, cách phân tuyến với trẻ mầm non, lớp 1, lớp 6. Một số trường chất lượng cao được tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực với lớp 6.

Trước Hà Nội, TP HCM đã tuyển sinh lớp 1, 6 theo nguyên tắc gần nhà, cũng thông qua bản đồ số GIS.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022