Trong đề án tuyển sinh 2021, Đại học Quốc tế Hồng Bàng dự kiến tuyển 68 ngành, bao gồm 16 ngành mới. Trong các ngành mới có một nửa là khối ngành chăm sóc sức khoẻ: Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khoẻ răng miệng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện.

Những năm trước trường này đã đào tạo Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Tổng chỉ tiêu dự kiến cho khối sức khoẻ năm nay của trường là khoảng 1.300.

Mức học phí cao nhất ở ngành Y khoa và Răng hàm mặt là 160 triệu đồng mỗi năm cho chương trình thường và khoảng 200 triệu với chương trình dạy bằng tiếng Anh.

hong-bang-2567-1610189244.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FOANFxJevMoYNng79uUYJw

Các ngành thuộc khối khoa học sức khoẻ trong đề án tuyển sinh Đại học Quốc tế Hồng Bàng năm 2021.

Tương tự, Đại học Văn Lang dự kiến mở thêm ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền bên cạnh các ngành đang có là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Năm nay, trường có 7.000 chỉ tiêu cho 50 ngành ở các nhóm Kinh doanh và quản lý, Kỹ thuật - công nghệ, Xã hội và nhân văn, Kiến trúc và xây dựng, Sức khoẻ, Nghệ thuật.

Đại học Công nghệ TP HCM (Hutech) cũng dự kiến mở hai ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng bên cạnh ngành Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng.

Tổng chỉ tiêu dự kiến của trường là 6.600 với 50 ngành theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12; xét học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).

Đại học Hoa Sen tuyển 4.000 chỉ tiêu ở 39 ngành, tăng hơn 400 chỉ tiêu và 11 ngành so với năm ngoái. Trong những ngành mới có 4 ngành khối khoa học sức khoẻ: Răng hàm mặt, Dược học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật y sinh. Trong đó, học phí ngành Răng hàm mặt cao nhất 180 triệu đồng mỗi năm; Dược học 155 triệu đồng.

Trước đó, Đại học Nguyễn Tất Thành mở thêm ngành Y khoa, bên cạnh các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Ngoài các trường trên, Sài Gòn hiện có 3 cơ sở công lập, đào tạo ngành sức khoẻ là Đại học Y dược TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM).

xet-nghiem-5216-1610191048.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Gxk4PANCBVNI7PlxWbJvjw

Covid-19 bùng phát đã bộc lộ rõ nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khoẻ là rất lớn. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trả lời VnExpress, các trường có chung lý do mở thêm ngành khoa học sức khoẻ vì đây là những ngành xã hội đang có nhu cầu cao, đặc biệt về Sức khoẻ răng miệng, Dinh dưỡng, Chăm sóc trẻ em.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Hiệu phó Đại học Hoa Sen, cho biết Covid-19 bùng phát năm 2020 cho thấy rõ những khủng hoảng về y tế, nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khoẻ rất lớn. Các mô hình, thói quen và xu hướng trong ngành này cũng có nhiều thay đổi. "Chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư đào tạo cho ngành này không phải chạy theo chỉ tiêu mà có nghiên cứu nghiêm túc, dựa trên xu hướng ngành nghề và các thế mạnh có sẵn", ông Huy nói.

Trong khi đó, theo các chuyên gia tuyển sinh, việc nhiều trường tham gia đào tạo ngành khoa học sức khoẻ sẽ tạo sự cạnh trạnh, nâng cao chất lượng giữa các trường, người học có thêm nhiều lực chọn. Tuy nhiên, do đây là ngành đặc thù, liên quan đến sức khoẻ nên cần kiểm soát điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nhất là đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

Năm 2019, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo đầu vào bởi đây là ngành quan trọng, liên quan đến sức khỏe.

Mạnh Tùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022