Ngày 18/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về các khoản và mức thu, cơ chế quản lý các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục trong nhà trường, năm học 2025-2026.
Sở cho hay nghị quyết được xây dựng trên cơ sở hợp nhất các khoản thu dịch vụ trong nhà trường của TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trước khi sáp nhập, không gây xáo trộn về việc tổ chức và quyền lợi của học sinh.
9 trong 10 khoản, mức thu được giữ nguyên như đã áp dụng ở TP HCM (cũ) năm ngoái. Khoản thu mới là dịch vụ ký túc xá ở các trường có tổ chức nội trú.
Dự kiến các khoản thu dịch vụ trong trường công lập ở TP HCM, năm học 2025-2026 như sau:

Trong đó, nhóm 1 là trẻ em, học sinh, học viên tại các trường trên địa bàn phường. Nhóm 2 ở xã, đặc khu. Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM có 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
Theo dự thảo nghị quyết, Sở đưa ra mức trần ở mỗi khoản, tức là mức cao nhất các trường có thể thu. Tùy tình hình thực tế và nhu cầu của học sinh, nhà trường thống nhất với phụ huynh mức cụ thể, nhưng không vượt trần và không được tăng hơn 15% so với năm học trước.
Nguyên tắc thu là đủ chi, phù hợp với tình hình thực tế năm học và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường phải sử dụng các khoản thu đúng mục đích, công khai kế hoạch thu chi đến phụ huynh trước khi thực hiện.
Từ năm học tới, trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập trên cả nước được miễn học phí, theo nghị quyết của Quốc hội hồi tháng 6. Sau khi sáp nhập, quy mô ngành giáo dục TP HCM lên đến hơn 2,5 triệu trẻ mầm non, học sinh - đông nhất cả nước.

Học sinh và phụ huynh làm thủ tục nhập học vào lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn, TP HCM, ngày 8/7. Ảnh: THPT Lê Quý Đôn
Lệ Nguyễn