Kim Mạnh Hiệp, giáo viên trường Nhật ngữ Midream, Nhật Bản, cho hay học sinh người Việt của anh "hốt hoảng" trước giá gas, điện. Từ tháng 9, họ nhận được thông báo giá tăng 30%, một phần do giá năng lượng nhập khẩu tăng trong khi đồng yen mất giá.

-3698-1666597253.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e4yalAvlxsW0FdUj--9IhA

Hoá đơn tiền gas của một nhóm 4 du học sinh Việt ở ghép, tăng từ 8.656 yen tháng 8/2022 (khoảng 1,4 triệu đồng) lên 19.401 yen tháng 9/2022 (khoảng 3,2 triệu đồng) một phần do giá năng lượng tăng. Ảnh: Kim Mạnh Hiệp cung cấp

Tờ Nikkei Asia hôm 14/10 đưa tin, tỷ giá đồng yen so với USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ. Hôm 20/10, 150 yen đổi được 1 USD, trong khi cách đây 5 tháng là 127,8 yen đổi 1 USD. Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm tươi sống) của Nhật Bản tăng 3% trong tháng 9, cao nhất trong 8 năm qua. Những điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các du học sinh.

Anh Hiệp ước tính, hồi tháng 1 năm nay, trung bình một tháng du học sinh cần khoảng 25.000-30.000 yen (4,2-5 triệu đồng) cho việc ăn uống nhưng hiện số tiền đó dao động từ 35.000 đến hơn 40.000 yen (5,8-6,6 triệu đồng).

Tiền thuê nhà ở Nhật không được phép thay đổi sau khi ký hợp đồng nên các du học sinh cũ may mắn chưa phải chịu tác động. Tuy nhiên, những du học sinh chuẩn bị sang có thể phải trả nhiều hơn, tùy từng loại phòng và khu vực sống. Theo anh Hiệp, ở khu vực gần quận Shinjuku ở Tokyo, giá phòng ghép 2-4 người có thể tới 55.000 yen (hơn 9 triệu đồng) một người một tháng. Các phòng khoảng 35.000 yen như trước hiện rất hiếm. Về học phí, một số trường đã thông báo tăng từ 80.000 lên 84.000 yen (từ 13,3 lên 14,1 triệu đồng) một năm.

"Tất cả các khoản này cộng lại khiến sinh viên phải chi trả nhiều hơn 10.000-25.000 yen (1,7-4,2 triệu đồng) một tháng, tùy nhu cầu và điều kiện cá nhân", anh Hiệp nói.

Nguyễn Huyền Trang, sinh viên Đại học quốc tế Kansai, cho biết lạm phát tăng ảnh hưởng lớn tới quyết định ở lại Nhật Bản làm việc sau khi tốt nghiệp của nhiều người. Chi phí bảo hiểm xã hội, lương hưu, thuế cũng đã chiếm 30%, cộng thêm tiền thuê nhà đắt đỏ khiến người đi làm gần như không còn dư để tích lũy.

"Các bạn cùng tuổi em tốt nghiệp khoá đầu tháng 10 đã về nước để giảm áp lực, thay vì cố gắng bám trụ lại Nhật Bản", Trang nói.

-4282-1666684713.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wf7Fpvg7tzTkbqozbcyQWA

Một nhóm du học sinh Việt đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu tại cửa hàng đồng giá 1000 yen ở Shinjuku, Tokyo. Ảnh: Kim Mạnh Hiệp

Đồng USD và lạm phát tăng cao còn gây áp lực tới phụ huynh và du học sinh Việt ở nhiều quốc gia khác.

Những ngày qua, chị Phạm Minh Ngọc ở Hòa Bình, có con gái đang học tại Centre College, bang Kentucky, Mỹ, cảm thấy nóng ruột khi giá USD đã lên gần 25.000 đồng đổi 1 USD, tăng so với mức 23.710 đồng đổi 1 USD cách đây một tháng.

"Tôi sốt ruột khi đồng USD leo thang", chị Ngọc nói, cho biết vợ chồng chị đều làm nhà nước, tổng lương và phụ cấp khoảng 30 triệu đồng một tháng. Tháng 8 vừa qua, khi con gái được học bổng 40.000 USD học phí, gia đình chị thu xếp 22.000 USD cho con đóng nốt phần học phí chênh lệch cùng tiền ăn, ở và bảo hiểm trong năm đầu tiên. Ngoài ra, chị đưa con thêm 2.000 USD để dự phòng.

Dù tháng 8 năm sau mới phải đóng tiếp tiền học và ăn, ở, chị Ngọc vẫn không khỏi lo lắng. Chị lý giải, trường của con chị ở Mỹ cấp học bổng theo số tiền cụ thể và thường giữ nguyên suốt mấy năm học, nhưng học phí sẽ tăng khoảng 3-5% mỗi năm. Bên cạnh đó, phụ huynh còn nhiều khoản phải chi như tiền vé cho con về mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ đông. Với những gia đình không mấy dư dả nhưng vẫn cố cho con đi Mỹ như chị, giờ USD tăng giá lại càng áp lực hơn.

"Trường không cho phép sinh viên đi làm thêm, do đó, bố mẹ buộc phải nuôi thôi", chị Ngọc nói.

Hoàng, nghiên cứu sinh ở Bỉ đang đến San Francisco (Mỹ) làm việc cho một dự án hợp tác, cho biết anh vẫn nhận lương bằng đồng euro từ châu Âu nên "mất nhiều tiền hơn" cho cuộc sống ở Mỹ. Mỗi euro hiện bằng 0,98 USD, trong khi một năm trước là 1,17. Một số du học sinh khác dạy thêm tiếng Anh trực tuyến cho người học ở Việt Nam cũng đổi được ít USD hơn sau khi nhận thù lao.

Tại Singapore, tuy đồng tiền SGD của nước này không giảm quá nhiều so với USD nhưng Lê Hoàng Anh, du học sinh ở đây cũng cảm nhận được tác động của lạm phát. Một bữa cơm trưa ở căng tin nếu chọn rau, trứng và thịt giờ có giá 3,9 SGD (68.000 đồng), không còn mức 3,4 SGD (gần 59.000 đồng) như trước.

Vì phúc lợi ở công ty bị cắt giảm, bố mẹ nam sinh ở nhà đang đau đầu khi sắp đến kỳ hạn nộp học phí cho con. Hoàng Anh vì thế cũng cân nhắc khi chi tiêu khoản tiền 500 SGD (8,7 triệu đồng) được chu cấp hàng tháng. "Em thường ăn suất 3,9 SGD để dành ra một khoản đề phòng những vấn đề khác", Hoàng Anh nói, cho biết thường ăn cơm vào bữa trưa, còn bữa tối nhiều hôm thay bằng bánh mì và đổi vị bằng bơ, mứt hoặc những đồ ăn tiện lợi, rẻ.

Nam sinh cũng may mắn được ở ký túc xá với giá thuê rẻ nhưng nhiều bạn bè ở ngoài đã bị tăng giá nhà. Căn ba phòng ngủ và một phòng sinh hoạt chung tháng trước có giá thuê 4.000 SGD (khoảng 70 triệu đồng) một tháng nhưng hiện là 6.000 SGD (105 triệu đồng).

Ông Hà Tuấn Anh, Giám đốc vận hành trung tâm tư vấn du học Student Life Care, cho biết du học sinh có thể cân nhắc đi làm thêm để trang trải cuộc sống, tuy nhiên cần cân đối kỹ thời gian để không làm ảnh hưởng đến việc học. Để giảm chi phí, du học sinh nên quản lý chi tiêu chặt chẽ, có ghi chép cụ thể. Đồng thời, các em có thể tìm các phương án chi tiêu, hoặc mua các sản phẩm thay thế tiết kiệm hơn.

Bà Vũ Thị Hồng, Giám đốc công ty tư vấn du học và công nghệ giáo dục HoLa Academy, cho hay vì tỷ giá USD cao nên khi quy ra tiền Việt, số tiền kê khai trong hồ sơ tài chính du học Mỹ tăng so với mùa tuyển sinh trước. Điều này gây khó khăn cho các gia đình không quá dư dả tài chính, do cam kết đóng học phí sau học bổng cũng là một yếu tố quan trọng để nhận được thư trúng tuyển từ các đại học tại Mỹ.

"Khoảng 30% học sinh của chúng tôi đã chuyển hướng từ du học Mỹ sang các quốc gia có chi phí dễ thở hơn như Canada và Australia", bà Hồng nói.

Lệ Thu - Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022