Người ta thường nói, trong đời có hai thứ bạn không được bỏ lỡ: "Chuyến tàu cuối cùng trở về nhà và người mình thương".

Câu nói càng đúng hơn với những ngày cận Tết này, khi chỉ còn ít tiếng nữa thôi, khoảnh khắc giao thừa sẽ điểm. Cũng bởi một năm sống xa vòng tay gia đình, ai nấy đều chờ đợi cái ngày được trở về quê đón Tết.

Thế nhưng, ở đâu đó cách quê hương cả ngàn cây số, có những cô cậu du học sinh đang ngậm ngùi chịu cảnh ăn Tết cô đơn nơi đất khách quê người. Có người bị trùng lịch học, lịch thi, có người lại tiếc vì tiền mua vé máy bay quá đắt, số tiền ấy để gửi biếu bố mẹ thì hơn… Dẫu lý do có là gì đi chăng nữa thì trong mùa xuân năm nay, họ đã không kịp bắt "chuyến tàu" gần nhất để về ăn Tết cùng gia đình…

Lần đầu tiên đón Tết xa nhà: Bật khóc ngay trong đêm, chỉ muốn bay ngay về nước

Nam Phương (20 tuổi), đang học Thạc sĩ tại trường Đại học Harvard - là một trong rất nhiều du học sinh Việt Nam đang chuẩn bị đón cái Tết nơi xứ người. Vì bận rộn với lịch trình công việc và học tập, nữ sinh đã không thể bắt chuyến bay về nhà, sum họp cùng gia đình.

Nam Phương bắt đầu sang Mỹ từ cuối năm 2019. Ba năm xa nhà cũng là 3 lần Nam Phương ngậm ngùi đón cái "Tết online", chỉ nhìn thấy người thân qua màn hình nhỏ. Nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên ăn Tết xa quê, Nam Phương đã khóc rất nhiều, chỉ muốn bay về Việt Nam ngay trong đêm giao thừa. Khi ấy, nữ sinh này mới 16 tuổi.

"Đúng giao thừa, mình gọi điện thoại cho ba mẹ và chúc mừng năm mới. Lúc đó, mình nhớ ba mẹ, nhớ nhà nhiều lắm. Mình khóc rất nhiều, chỉ muốn bay ngay về Việt Nam.

Khi nhìn các bạn trong nước đăng ảnh Tết cùng gia đình, với áo dài chụp ở đường hoa rực rỡ của phố đi bộ Nguyễn Huệ, mình càng buồn hơn. Qua nước Mỹ, nhận thức bản thân đang đón Tết nơi xứ người một mình trong không khí lạnh đầu năm ở thành phố Seattle (Mỹ) khiến mình cô đơn lắm", Nam Phương hồi tưởng lại.

photo-10-16742320271731101086961.png

Cùng chung hoàn cảnh ăn Tết bất đắc dĩ trên đất khách là Đức Vượng (25 tuổi), du học sinh ngành Quản lý Kinh doanh Quốc tế tại nước Ý. Bên cạnh lý do tài chính phổ biến, nguyên nhân khác khiến nam sinh không thể bay về Việt Nam vì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trùng với lịch thi cuối kỳ trên trường.

"Điều làm cho ngày Tết của chúng ta khác với thường ngày chính là không khí Tết. Chỉ cần bước ra đường thôi là bạn đã cảm nhận được năm cũ sắp qua và năm mới đang tới dần. Người người nhà nhà sắm đồ, dọn dẹp nhà cửa.

Châu Âu thì khác hẳn. Những ngày cận Tết hay Tết cũng đều trôi qua như bao ngày khác. Vì đang du học nên việc học và thi của mình đều diễn ra như bình thường. Có lẽ năm nay, trong khi nhà nhà đang tưng bừng đón xuân thì mình đang ngồi một góc nào đấy trong phòng tự học của trường để chuẩn bị thật tốt cho bài thi cuối kỳ", nam sinh chia sẻ.

photo-8-1674232022402624121366.png

"Buồn và trống trải" là những gì Đức Vượng nhớ lại về đêm Giao thừa năm ngoái - cũng là lần đầu tiên anh chàng đón Tết mà không có ba mẹ cạnh bên.

"Đó là cảm giác bạn nhận ra bỗng dưng thiếu đi gia đình, thiếu đi sự sum vầy và những bữa tiệc tất niên cùng bạn bè. Đặc biệt là thiếu đi cái không khí Tết đặc trưng của Việt Nam. Bình thường, sau khi giao thừa, mình là người được bố giao trọng trách xông đất cho gia đình. Đến khi du học, chắc vì không còn được 'hành nghề' nên càng cảm thấy hụt hẫng", Đức Vượng cho hay.

Đi thật xa để trở về

Trong dịp Tết Nguyên đán ở nước ngoài, giống như nhiều du học sinh khác, cả Đức Vượng và Nam Phương đều phải đi học và làm việc bình thường. Để vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, cả hai thường hội họp với đồng hương, cùng nhau vào bếp chuẩn bị bữa tiệc đón năm mới. Những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, giò chả, nem rán… thường xuyên góp mặt trong "mâm cỗ" tự làm của hội du học sinh.

Riêng Nam Phương, cô nàng cho hay còn rủ bạn đi chợ đồ Việt ở Mỹ để mua sắm và đi chùa gần nhà. Dẫu đang du học xa xứ, nhưng việc trang trí nhà cửa đón Tết cũng là thói quen khó bỏ của nữ sinh mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Chẳng ai muốn ăn Tết cô đơn một mình nơi thành phố xa lạ. Nam Phương, Đức Vượng và nhiều du học sinh khác cũng vậy. Tết là dịp đoàn viên, thế nên dẫu có hội đồng hương bên cạnh thế nhưng cận kề thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đâu đó trong tim mỗi người vẫn hướng đến hai tiếng "gia đình".

photo-6-16742320169332072060502.png

Xa nhà đã nhiều năm, song ký ức về những ngày còn được ăn Tết cùng gia đình vẫn còn vẹn nguyên với cả Đức Vượng và Nam Phương. Với Nam Phương, cô luôn nhớ khoảnh khắc giản đơn cùng ba mẹ chuẩn bị hộp mứt Tết, bát hương, cặp đèn cầy, mâm ngũ quả… Hay thời điểm trước giao thừa, cả gia đình nữ sinh sẽ quây quần bên nhau, cùng nói về một năm đã qua và chờ đợi thời khắc chuông điểm 12 giờ.Trong khi đó, Đức Vượng lại nhớ những lần bị "đuổi" ra khỏi nhà để thực hiện nhiệm vụ xông đất cho gia đình.

Nam Phương tâm sự thêm: "Mỗi khi nghe ba mẹ hỏi năm nay có về ăn Tết không con, mình chạnh lòng lắm. Mà mỗi lần vậy, mình nói bên đây không ăn Tết âm như mình, con phải học theo lịch trường. Dù có gọi nhau qua điện thoại mỗi ngày, nhưng mình biết ba mẹ rất buồn và nhớ con. Tết nhà ai nấy đều sum họp đông đủ thành viên mà Tết của nhà mình, ba mẹ và con mỗi người một nơi".

photo-4-1674232010884864169135.png

Đi du học tại Ý 2 năm, trải qua 2 đợt Tết xa nhà, Đức Vượng tự nhận thức những "thiệt thòi" đang chịu là chi phí cơ hội cho tương lai. Cũng vì thế, anh chàng càng tin công sức và nỗ lực mình bỏ ra sẽ có ngày được đền đáp.

2 năm du học - một quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ giúp Đức Vượng trưởng thành hơn, nhận ra tầm quan trọng của gia đình. Cuộc đời có bao nhiêu nơi để đi, nhưng trong dịp Tết sum vầy, nơi Đức Vượng và nhiều người muốn về cũng chỉ có một, đó là gia đình.

Nói về dự định trong năm 2023, Đức Vượng bày tỏ: "Mình muốn hoàn thành thật tốt chương trình Thạc sĩ để sớm được trở về quê hương Việt Nam. Hy vọng, năm sau mình sẽ không còn phải đón tết ở đất khách quê người. Đi thật xa để trở về!".

photo-2-1674232006431355359151.png

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022