Sáng 1/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Với đề thi môn Văn, cô Vũ Thị Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội, nhận định cấu trúc đề thi ổn định như các năm trước với hai phần chính là đọc hiểu và làm văn.

Trong đó, phần đọc hiểu có bốn câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Phần làm văn với hai bài yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các dạng câu hỏi quen thuộc, vừa sức. Ngữ liệu của phần đọc hiểu và nghị luận xã hội đều là đoạn thơ, trong khi đề thi chính thức hay minh họa các năm trước đều xen kẽ thơ và văn xuôi.

Cô Lại Thị Thùy Châu, nhóm trưởng bộ môn Ngữ văn trường THPT Lê Lợi, Hà Nội, nhận xét ba câu hỏi đầu của phần đọc hiểu không đánh đố học sinh, chỉ dừng ở mức nhận biết, thông hiểu, mang tính chất là câu "cho điểm". Câu hỏi số 4 nằm ở mức vận dụng với yêu cầu "Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích". Cô Thùy Châu cho rằng học sinh sẽ không gặp khó để rút ra nhận xét khái quát nếu đọc kỹ ngữ liệu và chắt lọc được ý.

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Hệ thống HOCMAI, các câu hỏi đọc hiểu phần lớn nằm ở mức nhận biết, thông hiểu sẽ giảm áp lực cho thí sinh, nhưng cũng giảm khả năng huy động năng lực tư duy, giảm hứng thú vì thí sinh gần như chỉ cần xác định đúng và chép lại vài câu, đoạn phù hợp trong ngữ liệu là đạt điểm tối đa.

Nội dung yêu cầu ở phần nghị luận xã hội là tinh thần vượt khó, theo TS Trịnh Thu Tuyết, nội dung này quen thuộc đến mức cũ kỹ với học sinh, sẽ khó để tìm được những bài viết sáng tạo. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, cho rằng dạng câu hỏi đã được học sinh làm quen, luyện tập từ năm lớp 7, 8 nên đây là vấn đề quá nhẹ nhàng, dễ thở với các em. Cô Thùy Châu chung nhận định và mong chờ một vấn đề nghị luận mới hơn hoặc cập nhật tình hình đời sống hiện nay.

Câu nghị luận văn học có quỹ điểm cao nhất (5 điểm) là dạng bài mang tính truyền thống. Đề đưa ra yêu cầu khá rõ ràng với hai ý: Phân tích đoạn thơ tứ bình trong Việt Bắc và nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. Đây đều là những nội dung kiến thức cơ bản của đoạn trích tác phẩm Việt Bắc do đó sẽ không làm khó thí sinh.

334429471-1426544694752563-673-2271-4159-1677660629.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=04S3OFXkNSNNBIN0HwHvoQ

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo thầy Đỗ Đức Anh, phần "nhận xét về lẽ sống ân nghĩa" là yêu cầu phụ nhằm mục đích phân loại thí sinh, nhưng khả năng phân loại thí sinh không cao. Thầy lưu ý học sinh không nên chủ quan, loại bỏ những tác phẩm đã xuất hiện trong đề minh họa với tâm lý "đã có trong đề minh họa chắc sẽ không ra trong đề chính thức".

Nhận xét một cách tổng quát, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Lê Văn Chánh, Phú Yên, cho rằng đề minh họa môn Văn quá quen thuộc, nhẹ nhàng, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Thầy cô và học sinh có thể yên tâm ôn tập như các năm trước.

Với đề thi minh họa này, cô Thanh Huyền khuyên học sinh đọc kỹ yêu cầu ở phần đọc hiểu để không mất điểm, đảm bảo các bước làm bài nghị luận xã hội, đảm bảo cấu trúc đoạn văn, luận điểm rõ ràng, không lan man. Đặc biệt ở phần nghị luận văn học, học sinh tránh diễn xuôi lại đoạn thơ mà nên chú ý phân tích nội dung, nghệ thuật, phân đoạn, tách ý rõ ràng.

Các thầy cô đều hy vọng đề thi chính thức sẽ mới mẻ hơn, vừa sức thí sinh nhưng có khả năng phân hóa, có vấn đề để suy ngẫm, có thể dung nạp những phản biện trái chiều, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài.

Gợi ý giải đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT 2023

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 28/6 với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm 27/2 cho biết định hướng ra đề thi của Bộ giữ nguyên như năm 2022, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi tốt nghiệp THPT tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.

Nhật Lệ - Phương Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022