Mục tiêu trên được GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành nghị định về đại học này, sáng 10/12.
Theo ông Quân, trường đã xác lập vị trí và luôn duy trì trong nhóm 1.000 đại học hàng đầu thế giới trên các bảng xếp hạng uy tín. Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học đầu tiên của Việt Nam giành giải thưởng về Cải tiến chất lượng của tổ chức xếp hạng QS với 6 lĩnh vực trong top 350-600 thế giới.
Năm nay, trường đứng trong nhóm 401-600 thế giới theo tiêu chí của bảng xếp hạng đại học về phát triển bền vững (THE Impact Rankings), trong đó chỉ số Chất lượng giáo dục đạt vị trí 70 thế giới, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và số 1 ở Việt Nam.
Thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tập trung thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng đào tạo bởi đây là giá trị cốt lõi, tôn chỉ hoạt động của nhà trường. Trong đó, các ngành khoa học cơ bản, đào tạo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đại học là nhiệm vụ nền tảng. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đẩy mạnh đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, sáng tạo, nghệ thuật; đào tạo ứng dụng và thực hành; chú trọng đào tạo theo chuẩn quốc tế.
Trước đó, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày 10/12. Ảnh: VNU
Ngoài đặt mục tiêu vào top 200 thế giới, Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới xây dựng khu đô thị đại học tại Hòa Lạc thông minh, hiện đại, bền vững và ngang tầm khu vực.
Mục tiêu đặt ra là có 25.000 sinh viên học tập tại khu đô thị này vào năm 2025, hướng tới quy mô 100.000 người với 80.000 học sinh, sinh viên, là trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các doanh nghiệp vào năm 2030.
"Đại học Quốc gia Hà Nội xác định trở thành trung tâm lõi của thành phố Hòa Lạc, thuộc thủ đô Hà Nội", ông Quân chia sẻ. Sinh viên sẽ được đào tạo toàn diện - giỏi về chuyên môn, có năng lực hội nhập, am hiểu văn hóa, truyền thống dân tộc và đặc biệt là nâng cao thể lực, thể chất.
Sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: VNU
Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 37 đơn vị, trong đó có 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 2 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đơn vị phục vụ và chuyển giao tri thức. Hiện, trường triển khai 190 chương trình đào tạo bậc đại học, gần 200 chương trình thạc sĩ và gần 120 chương trình bậc tiến sĩ.
Quy mô đào tạo hiện tại là 71.000 người học, trong đó khoảng 55.000 sinh viên đại học chính quy, 10.000 học sinh THPT, còn lại là học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên quốc tế. Từ năm 1993 đến nay, khoảng 280.000 người đã tốt nghiệp từ các trường thành viên của đại học này.
Trong thư chúc mừng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2030 như nghị quyết 45 đề ra.
"Tôi mong tập thể thầy và trò Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê và sức sáng tạo để hoàn thành thắng lợi mục tiêu nêu trên", Tổng bí thư viết.
Ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội dành tâm sức nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt các giải pháp về cơ chế và nguồn lực để phát huy mọi tiềm năng, trong đó chú trọng việc xây dựng khu đô thị đại học tại Hòa Lạc, xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội trở nên danh tiếng trong khu vực và quốc tế.
Dương Tâm