Bạn được phát vở học, con ngồi chờ 2 tiết
Từ đầu năm học này, nhiều trường Tiểu học tại Đà Nẵng triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa. Nhà trường tổ chức cho học sinh và cha mẹ học sinh đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện, thời lượng từ 1-2 tiết/tuần/lớp.
Một tiết học tiếng Anh với người nước ngoài của học sinh Tiểu học tại Đà Nẵng.
Chị N.M., có con học tại một trường trên địa bàn quận Hải Châu cho hay chị không đăng ký cho con tham gia tiết học ngoại khóa này. Tuy nhiên trường lại tổ chức dạy ngay vào buổi sáng, trong giờ chính khóa. Khi các bạn cùng lớp theo học thì con chị và một số bạn không đăng ký học ra khỏi lớp, tự chơi trong sân trường. Việc này theo chị làm mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý của các cháu, nhất là những em hoàn cảnh khó khăn. Chị bày tỏ bức xúc vì sao trường lại bố trí môn học tự nguyện này vào trong giờ chính khóa làm ảnh hưởng tới các em?
Nhiều phụ huynh khác không đăng ký cho con học tiếng Anh vì hoàn cảnh khó khăn hoặc vì đã cho con theo học tại các trung tâm ngoại ngữ. Theo họ, khi nhà trường bố trí giờ học này vào buổi chính khóa, vô tình khiến các cháu bị “tách” ra khỏi lớp.
“Trường đẩy môn ngoại khóa vào buổi sáng thứ 6. Lớp con tôi có rất nhiều phụ huynh không đăng ký. Những bạn không đăng ký ngồi chung phòng với các bạn đăng ký nhưng chỉ ‘ngồi không’, không được phát sách vở cho học. Hôm trước đón về cháu tủi thân, khóc òa lên kêu tại sao các bạn được cô phát vở còn con không được? Thật sự rất xót con”, một phụ huynh bày tỏ.
Các phụ huynh cho rằng, việc bố trí giờ học ngoại khóa quá bất cập. Phụ huynh phải đưa con lên buổi sáng, học 2 tiết đầu chính khóa xong các cháu phải chờ đợi bạn học môn tự nguyện suốt 2 tiết rồi mới nghỉ trưa, chiều phải tiếp tục học chính khóa mới được đón về. Nếu bố trí hợp lý, thì tiết ngoại khóa phải rơi vào buổi chiều, những em không học sẽ về nhà khi hoàn tất các môn chính khóa.
“Nhà trường có nói lý do là trung tâm không bố trí đủ giáo viên, nhưng đó là trách nhiệm liên kết, sắp xếp giữa hai bên. Không thể vì thế mà để các em ‘chịu trận’ được”, một phụ huynh khác nói.
Không được chèn vào thời khóa biểu chính khóa
Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phù Đổng cho hay, nhà trường triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa từ đầu năm học này. Chủ yếu học sinh khối 1, 2 đăng ký, trên tinh thần tự nguyện. Nhà trường từng bố trí tiết học ngoại khóa này trong sáng thứ 6 do trung tâm liên kết không bố trí được giáo viên đến dạy.
“Những em không đăng ký học thì có thể tự học hoặc lên thư viện, nhà trường không để các em ra khỏi trường hay lạc lõng. Trường hợp những em vì điều kiện khó khăn không đăng ký nhưng muốn học, trường cũng tạo điều kiện cho các em vào học. Tuy nhiên sẽ không có đánh giá sau khi kết thúc chương trình”, cô Trúc nói.
Việc chèn môn tự nguyện vào giờ chính khóa còn gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con.
Cô cho biết thêm đã tiếp nhận phản ảnh của phụ huynh về việc bố trí môn học tự nguyện vào giờ chính khóa. Hiện nhà trường đang sắp xếp lại thời khóa biểu để có thể bố trí các tiết học này vào buổi chiều, luân phiên trong tuần. Trường hợp các lớp có ít học sinh đăng ký sẽ gộp lại dạy chung, những em không theo học phụ huynh sẽ đến đón về.
Theo tìm hiểu, trước sự phản ánh, hoang mang của phụ huynh, một số trường tại Đà Nẵng đã cho dừng việc học tiếng Anh với người nước ngoài. Nhiều trường khác đã cho phụ huynh, học sinh đăng ký từ đầu năm học nhưng vẫn chưa triển khai.
Trao đổi với phóng viên ngày 27/9, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị, trường học chỉ được tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa ngoài giờ học chính khóa, không chèn vào thời khóa biểu chính khóa. Nhà trường triển khai cho học sinh và phụ huynh đăng ký tham gia học trên tinh thần tự nguyện. Nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh. Các trường chỉ được phép triển khai sau khi có phê duyệt của phòng GDĐT các quận, huyện.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý, các phòng GDĐT các quận, huyện có trách nhiệm kiểm tra điều kiện, phê duyệt kế hoạch tổ chức học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại các trường tiểu học trên địa bàn; lưu ý việc đảm bảo số lượng giáo viên người nước ngoài của 1 trung tâm khi thực hiện liên kết với nhiều trường tiểu học trong quận, huyện.