Trương Thị Hồng Ngọc (SN 2001, Hà Nam) là cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Tự nhận mình là một người "đam mê khám phá, trải nghiệm những điều mới mẻ và kết nối với mọi người", nên ngay từ năm 2 đại học, Hồng Ngọc đã thử thách bản thân bằng cách "lao" vào thị trường lao động để tìm kiếm việc làm. Kể từ thời điểm đấy, Hồng Ngọc đã làm qua nhiều công việc ở nhiều công ty trong nhiều vực cũng như quy mô khác nhau.
Chính những trải nghiệm này đã giúp Ngọc học hỏi được nhiều kiến thức, kĩ năng mới. Với nền tảng sẵn có, Ngọc đã trúng tuyển vị trí Nhân viên Phát triển kinh doanh thị trường Việt Nam cho Công ty CDE Asia Limited của Ấn Độ. Cống hiến ở một môi trường đa văn hóa, Ngọc đã học hỏi được không ít điều mới.
Hồng Ngọc có cơ hội làm việc tại công ty Ấn Độ
Cơ duyên làm việc tại công ty Ấn Độ
Xuất phát từ lý do muốn "mở rộng tầm mắt để xem thực tế con người, cuộc sống, văn hóa ở những đất nước khác sẽ như thế nào", nên Ngọc luôn đã nuôi trong mình ước mơ được sang nước ngoài học tập, sinh sống từ lâu. Một lý do khác là cô nàng muốn thử thách bản thân xem có đủ vững vàng, tự lập để một mình sinh sống ở một nơi hoàn toàn khác biệt so với quê hương của mình hay không.
Vậy nên, khi biết AIESEC tổ chức chương trình Global Talent, cô nàng đã ngay lập tức ứng tuyển. Cho những ai chưa biết, AIESEC là một tổ chức thanh niên độc lập, phi chính phủ, không vì lợi nhuận toàn cầu phát triển năng lực lãnh đạo thông qua những chương trình lãnh đạo nội bộ, thu hút sinh viên và cựu sinh viên vào chương trình trao đổi sinh viên quốc tế...
"Nhờ AIESEC tư vấn và kết nối, mình đã có cơ hội được làm việc tại một công ty có trụ sở tại Ấn Độ, được làm việc với người Ấn và được đặt chân đến vùng đất độc đáo này", Ngọc bộc bạch.
Từng có khoảng thời gian làm việc tại một công ty đa quốc gia, Ngọc hòa nhập với môi trường làm việc, văn hóa công ty, cách tương tác với đồng nghiệp ở nước bạn khá nhanh chóng.
Chia sẻ về môi trường làm việc, Ngọc nói: "Tại công ty mình làm, mọi quy trình đều rõ ràng, tuy nhiên có một số thủ tục còn khá rắc rối và tốn thời gian xử lý. Mình thấy văn hóa làm việc tại đây là tuân thủ theo quy trình. Mọi thứ đều được tuân thủ nghiêm ngặt, không có bất kì ngoại lệ nào. Ngoài ra, công ty cũng hay tổ chức các hoạt động gắn kết như tổ chức các ngày lễ, buổi hội thảo chia sẻ, hay những bữa tiệc lớn với sự tham gia của cả người thân của cán bộ nhân viên".
Ngọc muốn ra nước ngoài để thử thách bản thân
Vì là nhân viên Phát triển kinh doanh thị trường Việt Nam, nên phần lớn thời gian làm việc của Ngọc tại quê hương. Do đó, khi có khoảng thời gian được sang Ấn Độ công tác, cô nàng đã vô cùng thích thú.
"Chuyến sang Ấn Độ lần đó cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình. Trước khi lên đường, mình đã tìm hiểu rất nhiều về văn hóa, con người, cuộc sống nơi đây để không bị bỡ ngỡ hay gặp sai sót. Trong quá trình tìm hiểu mình cũng bắt gặp nhiều thông tin không mấy tích cực về vùng đất này. Điều đó khiến mình có chút lo lắng, nhưng sự lo lắng không khiến mình từ bỏ chuyến đi này mà nó khiến mình càng hứng thú hơn bởi mình muốn đến xem thực tế là mọi thứ có thật như lời đồn hay không.
Bên cạnh đó sự lo lắng cũng là động lực để mình chuẩn bị thật kĩ càng cho chuyến đi. Nhờ tâm thế đi để trải nghiệm và sự chuẩn bị tốt của mình, chuyến đi đã diễn ra vô cùng suôn sẻ", Ngọc kể lại.
1001 kỷ niệm trong chuyến công tác đến Ấn Độ
Khi đặt chân đến Ấn Độ, điều khiến Ngọc bất ngờ đến mức phải thốt lên là: "Ôi sao trông giống Việt Nam thế". Từ nhà cửa, đường xá, cảnh quan ở những nơi mà Ngọc đi qua trông giống như tại nơi cô nàng sinh sống ở Việt Nam, bởi thế cảm giác vô cùng thân thuộc. Trong thời gian ngắn tại Ấn Độ, Ngọc đã có cơ hội đặt chân tới Mumbai, Chennai và Kolkata. Theo quan điểm cá nhân, Ngọc thấy các thành phố nơi cô nàng đến đều khá hiện đại và phát triển.
Ấn tượng tiếp theo của Ngọc chính là về giờ giấc. Tại Ấn Độ, mọi người có thói quen sinh hoạt muộn hơn Việt Nam. Thường công sở sẽ bắt đầu mở cửa đón nhân viên từ 9h sáng theo giờ Ấn Độ, hàng quán chủ yếu mở từ 8h. Giờ ăn trưa tại đây cũng khá muộn, thường vào lúc 14-15h chiều, và bữa tối sẽ thường bắt đầu lúc 21-23h.
"Hôm đầu mình đến Ấn Độ, 7h sáng mình ra ngoài tính mua đồ ăn sáng nhưng xung quanh không thấy hàng nào mở. Khác biệt về giờ giấc sinh hoạt nên mấy ngày đầu mình có hay bị đói và đau dạ dày khi đến tầm giờ ăn uống theo thói quen tại Việt Nam mà tại Ấn vẫn chưa được ăn do còn đang dở việc.
Nhưng 'trộm vía' mình rất thích ẩm thực Ấn Độ. Ban đầu lúc mới thử thì có chưa quen do đồ ăn Ấn sử dụng nhiều loại gia vị khác đồ ăn Việt Nam rất nhiều. Sau khi ăn lần thứ 2 mình thấy bắt đầu quen với những hương vị và nghĩ 'Ừm cũng ngon đấy'. Và từ lần thứ 3 trở đi mình mê luôn. Món yêu thích của mình là bánh Naan, Hariyali Chicken, Paneer Tikka Masala và đặc biệt là trà sữa Masala (Masala Chai). Khi về lại Việt Nam mình thèm những hương vị nồng đậm của đồ ăn Ấn, nên đã tìm đến những quán ăn Ấn Độ tại Hà Nội để thỏa mãn vị giác", Ngọc kể lại.
Một số bức ảnh Ngọc chụp được trong hành trình khám phá Ấn Độ của mình
Ngoài ra, cô nàng cũng khá ấn tượng với sự thân thiện, nhiệt tình của con người nơi đây. Tất cả mọi người Ngọc gặp từ sân bay, đến tại khách sạn, hàng quán hay đồng nghiệp tại công ty đều luôn vui vẻ, giúp đỡ cô nàng.
Ngọc nói thêm: "Mình thấy phần lớn mọi người đều hay mặc trang phục truyền thống hoặc cách tân dựa trên trang phục truyền thống, đặc biệt là phụ nữ. Mình nghĩ điều đó cho thấy sự tự hào dân tộc của người dân nơi đây cũng như thể hiện sự gắn kết giữa con người với văn hóa, đất nước. Thêm vào đó, Ấn Độ có nhiều lễ hội và mọi người rất yêu thích lễ hội. Không khí lễ hội nơi đây vô cùng thiêng liêng, náo nhiệt, đầy màu sắc và là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ nhảy múa".
"Đi ra nước ngoài để yêu đất nước mình hơn"
Là một người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Ấn Độ, Ngọc không quên lan tỏa giá trị của quê hương với bạn bè quốc tế: "Tuy mình ở Ấn Độ không lâu, nhưng trong quá trình làm việc với đồng nghiệp, mình thường hay chia sẻ với họ về văn hóa, con người Việt Nam. Khi sang Ấn Độ công tác, mình cũng cùng họ trao đổi, so sánh những điểm giống, khác giữa hai quốc gia để mọi người có thể hiểu và lan tỏa tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó, khi các bạn đồng nghiệp người Ấn sang Việt Nam công tác, mình đã đưa họ đi trải nghiệm một số món ăn đậm chất Việt Nam như phở gà, bánh mỳ, bánh cuốn".
Nhìn lại hành trình vừa qua, Ngọc nhận thấy câu nói "đi ra nước ngoài để yêu đất nước mình hơn" hoàn toàn đúng đắn. Khi đặt chân ra quốc tế, cô nàng càng cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam vì quê hương mình có quá nhiều điều tốt đẹp để lan tỏa với bạn bè quốc tế.
Sau cùng, Ngọc khuyên các bạn trẻ: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn". Khi còn trẻ thì hãy cố gắng đi đến những vùng đất mới, trải nghiệm cuộc sống mới nơi mà mình chỉ từng "nghe người ta nói", đừng chỉ dựa vào những lời nói ấy để đánh giá mà hãy đặt chân tới tận nơi để được tận mắt chứng kiến, kiểm chứng những điều mình nghe - đọc được. Đó sẽ là hành trình để bạn học hỏi được vô số điều mới lạ, thay đổi góc nhìn, định kiến và giúp bản thân trưởng thành hơn. Đừng do dự và sợ hãi bởi đi nhiều và trải nghiệm nhiều thì những điều mới cũng sẽ trở nên quen thuộc.
Trong tương lai, Ngọc sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt công việc. Bên cạnh đó mình cũng sẽ tìm hiểu thêm những cơ hội "đi ra thế giới" để tiếp tục con đường học tập, làm việc, thỏa mãn đam mê trải nghiệm điều mới cũng như lan tỏa nét đẹp Việt Nam ra toàn cầu.
Ảnh: NVCC