Nguyễn Dương Kim Hảo (sinh năm 2001) là sinh viên năm 4 Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ). Dù theo học cùng lúc 2 chuyên ngành Khoa học máy tính và Toán, song 10x vẫn có thể hoàn thành tốt chương trình học với GPA tuyệt đối 4.0, tham gia nhiều dự án nghiên cứu và có nhiều bài báo khoa học được đăng trên tạp chí uy tín trên thế giới.
Hảo đang tham gia nghiên cứu phát triển công cụ tự động phân tích mã nguồn cho Facebook. Đồng thời, em cùng giảng viên khoa hóa sinh nghiên cứu xây dựng thuật toán trên siêu máy tính của trường để mô phỏng hệ miễn dịch ở động vật, với mục tiêu cuối cùng là mô phỏng hệ miễn dịch người.
Kim Hảo và các thành viên trong đội tham gia ACM - cuộc thi về lập trình/thuật toán cho sinh viên tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)
Theo chia sẻ của Hảo, năm đầu tiên, em sống trong ký túc xá cùng các bạn Mỹ. Thời điểm đó, các bạn cùng phòng thích tìm hiểu về mã nguồn mở - dạng phần mềm với mã nguồn được công bố và sử dụng một giấy phép nguồn mở. Có chung đam mê, Hảo trò chuyện nhiều cùng các bạn để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh.
“Với bất cứ sinh viên nào, rào cản lớn nhất khi đi du học là ngôn ngữ. Em từng gặp nhiều trở ngại về tiếng Anh, thậm chí có thời điểm em không hiểu các bạn nói gì nên công việc học tập bị ảnh hưởng phần nào. Tuy nhiên, sau 3 năm học tập, trau dồi không ngừng nghỉ, em đã gặt hái được thành quả của mình với 23 môn A+ và 5 môn A với GPA 4.0/4.0”, Hảo nói.
10x giành học bổng 15.000 đô/năm cho sinh viên quốc tế trong suốt 4 năm học. Vào năm 2, nam sinh còn giành được học bổng 8.000 đô/năm cho top 3 sinh viên có thành tích xuất sắc của khoa - điều mà thường chỉ có sinh viên năm 3, năm 4 mới có thể làm được.
Cũng theo Hảo, từ hè năm nhất đại học, em đã làm việc cho Facebook. Em vượt qua được vòng phỏng vấn khắt khe của Facebook phần lớn nhờ kinh nghiệm làm việc tại Zalo Group từ khi còn là học sinh cấp 3 ở Việt Nam.
Trúng tuyển, mỗi tháng Hảo kiếm được gần 10.000 USD - mức thu nhập “không tưởng” đối với du học sinh “chân ướt chân ráo” sang xứ sở cờ hoa. Với số tiền kiếm được trong 3 tháng hè, em đủ để nộp toàn bộ học phí còn lại và chi phí sinh hoạt trong vòng 1 năm học tiếp theo.
“Năm tiếp theo, em vẫn tiếp tục làm việc cho Facebook bởi em thích sự chuyên nghiệp của công ty hàng đầu thế giới về công nghệ”, Hảo nói.
Sau 2 mùa hè làm việc ở Facebook, Hảo quyết định bước ra vùng an toàn, trải nghiệm ở một lĩnh vực hoàn toàn mới là tài chính. Em chọn Jump Trading - một công ty chuyên về các chiến lược giao dịch thuật toán và tần số cao.
10x đánh giá vòng phỏng vấn của Jump Trading khó hơn Facebook và những ứng viên cạnh tranh đến từ các trường đại học “khủng” như Học viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford, Đại học Carnegie Mellon,....
“Bước vào lĩnh vực tài chính, em không có nhiều kinh nghiệm. Thời gian đầu, em “choáng” trước các lệnh giao dịch cổ phiếu với tốc độ rất cao. Em bị cuốn bởi những điều đó. Đây cũng là ngành rất thú vị và có nhiều dư địa để phát triển”, Hảo nói và cho biết, thời điểm này em được trả 17.000 USD/tháng, bao gồm tiền lương cơ bản và tiền nhà do công ty chi trả.
Kim Hảo tham gia Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ IEYI năm 2014. (Ảnh: NVCC)
Từ bé, Hảo đã được mệnh danh là “thần đồng công nghệ” nhờ hàng loạt thành tích liên quan đến lĩnh vực này. Năm lớp 2, Hảo thi đậu bằng A Tin học loại giỏi trong một cuộc thi do tỉnh tổ chức dành cho giáo viên. Lên lớp 3, khi thấy ba ngồi cặm cụi nhập điểm cho học sinh (ba Hảo là giáo viên dạy Vật lý, Toán học), Hảo dùng máy tính tạo ra phần mềm giúp ba nhập điểm vào Excel nhanh hơn, bằng cách dùng phím tắt.
Lên lớp 7, 10x đã tự mày mò sáng tạo chiếc máy tính cầm tay chứa gần 1.000 phương trình phổ biến về hoá vô cơ cấp THCS và một số kiến thức về hoá hữu cơ cấp THPT. Máy tính do Hảo làm ra giúp học sinh tiết kiệm thời gian trong khâu tìm kiếm, cân bằng phương trình, xem và nhận biết các chất hoá học.
Trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2012 đến năm 2015), 10x đạt 5 giải Nhất Hội thi Tin học trẻ Toàn quốc. Cậu cũng là thí sinh đầu tiên và duy nhất trong lịch sử hội thi đạt được 5 giải nhất liên tục, trong đó hai giải nhất ở hai bảng thi khác nhau trong cùng một năm.
Liên tiếp gặt hái được nhiều thành công, thế nhưng, “thần đồng công nghệ” cũng từng trải qua những bài học đắt giá đầu đời.
Khi đang là học sinh lớp 5, Hảo nhiều lần chứng kiến mẹ vì vội ra khỏi nhà mà quên tắt các thiết bị điện. Cậu bắt tay vào tìm tòi và cho ra đời sản phẩm "Bảng điều khiển thông minh" nhằm điều khiển các thiết bị trong nhà bằng máy tính, điện thoại và mạng internet.
Hảo trau chuốt từng tính năng của sản phẩm và tự tin khi mang sản phẩm này đến với cuộc thi Tin học trẻ TP.HCM năm 2012. Thế nhưng, cậu lại không chuẩn bị kỹ cho phần thuyết trình sản phẩm. “Ngày thi, em không trả lời được những câu hỏi từ ban giám khảo. Một thầy giáo nói với em rằng: 'Chỉ cần em làm được phần nhỏ của sản phẩm này thôi cũng là rất giỏi rồi'. Câu nói đấy đã khiến em bật khóc, nhưng cũng chính là câu nói giúp em trưởng thành”, Hảo kể lại.
Kết thúc cuộc thi, Hảo chỉ được giải Nhì thành phố (không có giải Nhất) và được chọn tham gia cuộc thi Tin học trẻ toàn quốc. Lần này, nam sinh dành thời gian để luyện tập kỹ cho bài thuyết trình. Kết quả, cậu giành được giải nhất của cuộc thi toàn quốc.
Từ đó đến nay, Hảo giữ thói quen cẩn thận, trau chuốt tất cả các công đoạn trong mọi việc. Cậu luôn lập kế hoạch chi tiết để dễ dàng đạt được mục tiêu đề ra.
Kim Hảo nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng. (Ảnh: NVCC)
Hiện tại, với mong muốn tập trung nhiều vào mảng nghiên cứu mang tính học thuật, Hảo đăng ký học các ngày thứ 3, 4, 5 và dành toàn bộ thời gian còn lại để làm dự án.
“Ngày xưa, khi làm sản phẩm mang đi dự thi, em sử dụng công nghệ hoàn toàn có sẵn và tích hợp chúng lại. Nhưng bây giờ, khi bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học, em tạo ra những thứ tân tiến nhất, trên thế giới chưa ai làm. Điều đó giúp em cảm giác đóng góp được rất nhiều cho nhân loại”, 10x tâm sự.
Hảo cho biết, chưa từng bị áp lực khi được mọi người gọi là “thần đồng”. Thậm chí, đó còn là động lực giúp em cố gắng hơn trong tương lai, sáng tạo ra nhiều sản phẩm giúp ích cho đời sống.
Hảo vạch ra 2 lựa chọn cho bản thân sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ. Em sẽ tiếp tục chinh phục bằng tiến sĩ tại Mỹ hoặc trở về Việt Nam làm 1 dự án lớn mà trước đó từng gắn bó.
“Em sẽ dành hơn 1 năm còn lại để suy nghĩ thật kỹ và đưa ra quyết định”, Hảo nói.