Ở Anh, các ngành như Đồ họa máy tính, Sản xuất E-sports (thể thao điện tử), Công nghệ phim trường ảo... thường được dạy ở hệ thống cao đẳng, đại học nghề và bị coi là không mang lại nhiều giá trị như một số ngành truyền thống ở đại học. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về thu nhập của sinh viên trong 5 năm sau khi tốt nghiệp của Discover Uni, trang thông tin về giáo dục đại học của chính phủ Anh, cho thấy điều ngược lại.
Sau 5 năm, cựu sinh viên ngành Đồ họa máy tính, thị giác và trò chơi, Đại học Aberystwyth, có thể kiếm được 34.000 bảng Anh một năm. Ở Đại học Bournemouth, cử nhân ngành Thiết kế trò chơi có mức lương trung bình năm là 32.000 bảng. Cử nhân ngành Sản xuất E-sports của Viện Công nghệ sáng tạo Confetti cũng có thu nhập ở mức này.
Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp các trường thuộc nhóm Russell, gồm 24 đại học lâu đời và ưu tú nhất nước Anh, có mức lương trung bình năm thấp hơn.
Chẳng hạn cử nhân Luật của Đại học Liverpool kiếm được 29.000 bảng một năm. Sinh viên tốt nghiệp các ngành Giáo dục, Lịch sử, Di truyền học hay Hóa sinh ở nhóm Russell chỉ nhận lương trung bình 26.000-28.500 bảng.
Sinh viên trường Imperial College London trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Jeff Gilbert
Craig Chettle, Giám đốc Viện Công nghệ sáng tạo Confetti, chia sẻ với những người khao khát học tại nhóm trường Russell, nhưng khẳng định đây không phải con đường duy nhất.
Trường ông hiện đào tạo ba ngành gồm E-sports, Công nghệ phim trường ảo và Sáng tạo nội dung, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng thực tế mà các công ty tổ chức sự kiện cần.
"Một số cựu sinh viên đã tiến thẳng tới công việc với mức lương hàng chục nghìn", ông nói.
Gaddiel Nketia, 23 tuổi, nghệ sĩ keyboard ở London, là một trường hợp như vậy. Anh tốt nghiệp Viện Confetti với tấm bằng xuất sắc ngành Sản xuất âm nhạc. Năm đầu sau khi ra trường, anh kiếm được 25.000-30.000 bảng với tư cách nhà soạn nhạc tự do. Sau đó, công việc sản xuất nhạc cho chương trình truyền hình giúp anh kiếm được 3.000 bảng mỗi ngày.
"Cả tôi lẫn bố mẹ đều không nghĩ sự nghiệp âm nhạc là lựa chọn an toàn, nhưng tôi vẫn muốn thử sức và nó thật xứng đáng", Gaddiel chia sẻ. Gaddiel nói có thể không tận dụng được bằng cấp của mình khi tìm việc như những cử nhân Toán học, nhưng ở ngành của mình, công việc đến thông qua lời truyền miệng.
Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cho rằng nước Anh vẫn đang đề cao bằng đại học hơn bằng kỹ thuật nghề.
"Về cơ bản, đó là sự khác biệt về phong cách học tập chứ không phải trình độ học vấn", ông nói, dẫn chứng ở các nền giáo dục tiên tiến như Đức, Hà Lan hay Thụy Sĩ, các kỹ thuật tay nghề cao đều được dạy trong chương trình nghề.
Mặt khác, Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục đại học, cho rằng cả phụ huynh, giáo viên cần chấm dứt nỗi ám ảnh với tấm bằng đại học ở nhóm trường Russell.
"Nhóm Russell là nhóm do các trường đại học lâu đời tự thành lập. Họ xuất sắc về nhiều mặt nhưng chỉ gồm 24 thành viên. Hơn 100 trường đại học khác cũng có chuyên môn của riêng họ", ông nói.
Trong một phát biểu ngày 7/11, Vua Charles III đề nghị Quốc hội Anh thực hiện các giải pháp nhằm tăng số lượng sinh viên học nghề chất lượng cao trong thời gian tới.
Phương Anh (Theo Telegraph)