Đinh Thị Lý, 31 tuổi, lên đường du học thạc sĩ ngành Quản lý của Đại học La Trobe, thành phố Melbourne, hồi tháng 6. Lý giành học bổng chính phủ Australia năm 2019 nhưng hành trình du học của cô bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Lý sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương. Trong bốn chị em gái, Lý có ngoại hình thấp bé nhất nhà, lên ba tuổi mới bắt đầu biết đi. Năm Lý lên 8 tuổi, nhận thấy bất thường ở đôi chân con gái, vợ chồng bà Nguyễn Thị Quyết đưa đi khám mới biết con thiếu hormone phát triển chiều cao và không thể chữa trị.
"Tôi quyết định cho con về", bà Quyết, 62 tuổi, kể.
Lý đi xe lăn điện bốn bánh trong khuôn viên Đại học La Trobe, Australia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà bà Quyết ở sâu trong ngõ nhưng để con không tự ti về ngoại hình và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, vợ chồng bà mở quán bán hàng. Đôi chân ngắn khiến Lý không đi bộ được quá 100 m và luôn có người nhà hỗ trợ đưa đón. Dù vậy, Lý ham học và luôn đạt học sinh giỏi suốt những năm phổ thông.
"Con bé nhanh trí từ nhỏ và luôn suy nghĩ lạc quan", bà Quyết chia sẻ.
Sau khi Lý đỗ ngành Công nghệ Thông tin của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, bà Quyết cũng theo con để tiện chăm sóc. Hàng xóm khuyên bà không nên "đầu tư" vì Lý học xong chưa chắc đã xin được việc.
"Nhưng tôi lại nghĩ khác. Nhiều người khuyết tật khổ hơn con mình mà vẫn vươn lên được, trong khi trí tuệ Lý bình thường, thậm chí học được. Tôi sẽ cho con học đến nơi đến chốn", bà Quyết nhớ lại.
Hàng ngày bà Quyết chở con gái đến trường; tới nơi, Lý được các bạn dẫn vào lớp. Ngoài trở ngại về việc đi lại, Lý hầu như không gặp khó khăn gì trong việc học và tốt nghiệp đại học sớm năm 2013 với tấm bằng khá.
Nhưng khi đến phỏng vấn ứng tuyển ở một tập đoàn, dù được đánh giá tốt nhưng Lý không được nhận với lý do "cao chưa đến 1 m".
"Em buồn và tổn thương vì câu nói đó. Em muốn vươn lên nên đã nộp hồ sơ vào đây sau thời gian làm cho một công ty nhỏ", Lý chia sẻ.
Lý nói lần từ chối ấy đã giúp cô rẽ hướng khởi nghiệp để tự tạo công việc cho mình. Lý khởi nghiệp với một dự án trong lĩnh vực SEO online (tối ưu hóa tìm kiếm của người dùng) và làm tại nhà. Mỗi khi ra ngoài gặp khách hàng, cô được bố, mẹ hoặc người thân chở đi.
Thấy Lý bé nhỏ, nhiều người ngần ngại, không dám giao dự án. Sau khoảng một năm chịu khó thuyết phục và chứng minh khả năng, Lý bước đầu có một số đơn hàng.
Lý cho biết, nhờ công việc truyền thông, quảng cáo, marketing, cô có thu nhập tốt và tạo việc làm online cho 4-5 người khuyết tật khác. Lúc này, trong đầu Lý nảy ra kế hoạch mở rộng hoạt động, nhưng cô không có nhiều kiến thức về kinh doanh, vận hành doanh nghiệp. Cuối cùng, năm 2019, Lý quyết định gác lại công việc để đi học.
Biết đến học bổng chính phủ Australia khi chỉ còn chưa đầy một tháng là hết hạn, Lý gấp rút viết bài luận và hoàn thiện hồ sơ. Chọn lĩnh vực khởi nghiệp kinh doanh và sáng tạo, Lý kể lại câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, những khó khăn và thành quả đạt được. Vì tiếng Anh không quá tốt, Lý nhờ các anh chị cựu sinh từng giành học bổng này sửa giúp bài luận và lỗi ngữ pháp.
"Em bất ngờ khi giành được học bổng. Em đã chuẩn bị tinh thần không đỗ sẽ tiếp tục công việc và năm sau nộp lại", Lý chia sẻ.
Trước khi sang Australia theo chương trình học bổng, Lý được học tiếng Anh gần một năm tại một trường đại học quốc tế để đáp ứng điều kiện đầu vào về ngoại ngữ.
Thầy Đậu Ngọc Hà Dương, giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM nói tự hào về cô sinh viên của mình. Trong thư giới thiệu, thầy Dương đã chia sẻ hành trình Lý đến với Quỹ học bổng cựu sinh viên, những trải nghiệm ở trường và cách Lý vượt qua khó khăn để luôn nằm trong top sinh viên nhận học bổng.
"Tôi ấn tượng với Lý ở ý chí. Trong những năm đi học, Lý luôn duy trì điểm số khá và giỏi trong cả môn lý thuyết và thực hành", giảng viên nói và cho biết sẽ kể câu chuyện truyền cảm hứng của Lý đến các lớp sinh viên sau này.
Lý và chị gái trong một chuyến tham quan cùng trường đại học cách đây không lâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau gần ba tháng đặt chân tới xứ sở chuột túi, Lý đang dần quen với thời tiết, ngôn ngữ và cách học. Phương tiện đi lại thuận lợi, cơ sở hạ tầng hỗ trợ người khuyết tật tại Australia tốt nên Lý có thể tự mình đến trường bằng xe lăn điện. Tuy nhiên, mỗi lần đến lớp, Lý thường đi với chị gái, người đồng hành, hỗ trợ Lý đi chợ, nấu ăn.
Lý học bốn môn mỗi kỳ, trong đó hai môn học trực tiếp ở trường và hai môn học trực tuyến. Trở lại với việc học sau thời gian dài đã đi làm, Lý cảm thấy khó tập trung với các môn tính toán. Cô cũng không nghe kịp bài giảng do giảng viên nói nhanh. Để khắc phục, Lý dành nhiều thời gian đọc tài liệu và tự học ở nhà.
"Em ghi âm bài giảng hoặc email hỏi các thầy cô. Khi tìm ra được cách học phù hợp, mọi thứ trở nên dễ thở hơn nhiều", Lý cho hay.
Tân sinh viên Đại học La Trobe khuyên những người cùng cảnh ngộ hãy có ước mơ, tự vạch ra chiến lược cho bản thân và tìm giải pháp khắc phục, thay vì bỏ cuộc.
Với bà Quyết, cô con út khiến bà lo lắng ngày nào giờ lại là người thành công nhất nhà.
"Tôi không tưởng tượng được Lý lại đạt được kết quả của ngày hôm nay. Tôi mãn nguyện và mừng cho con", bà Quyết nói.
Bình Minh