Giữa làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là chất xúc tác mạnh mẽ, tác động mọi lĩnh vực, từ kinh doanh, kỹ thuật, khoa học, nghiên cứu học thuật, y tế, văn hóa đến thị trường giáo dục hoặc bất cứ mô hình nào. Đơn cử ở lĩnh vực chuỗi cung ứng, AI có thể xử lý toàn bộ khâu kho vận, trong khi con người tập trung điều phối hệ thống và thiết lập, duy trì mối quan hệ với các đối tác.

15 năm, 10 năm tới hoặc sớm hơn, thế giới có thể bước vào kỷ nguyên 5.0 "siêu thông minh" - nơi công nghệ số được dự đoán phát triển như "vũ bão" và AI góp mặt ở hầu hết ngành nghề lẫn đời sống. Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra: 5.0 sẽ tác động thế nào đến thị trường lao động? Tăng sự tối ưu, tiện lợi hay trở thành mối đe dọa cùng loạt biến động khó lường?

Thực tế chỉ ra AI góp phần giảm bớt công việc nhàm chán và gia tăng năng suất lao động, nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ mất việc diện rộng. Cụ thể hơn, người lao động có thể "nghỉ hưu non" khi các tác nhân AI đủ mạnh. Nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, không nắm bắt xu hướng mới và làm chủ công nghệ, con người khó thích nghi với thời đại, dễ tụt lại phía sau.

Trên một số diễn đàn giáo dục, đa số Gen Z, Gen Alpha cho biết quan tâm AI, tò mò ngành nghề nào sẽ định hình kỷ nguyên siêu thông minh. Từ đó, giới trẻ tự hỏi bản thân nên chọn nghề gì, cần làm gì để đón đầu, làm chủ công nghệ số? Có người tìm được hướng đi từ sớm, cùng có không ít bạn trẻ vẫn loay hoay tìm đáp án.

Với mục tiêu cung cấp kiến thức, đồng hành người trẻ trước ngưỡng cửa quan trọng, VnExpress phối hợp Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) triển khai tọa đàm hướng nghiệp bền vững "Empowering Tomorrow", số thứ hai xoay quanh chủ đề "Top 10 xu thế nghề nghiệp định hình kỷ nguyên 5.0". Chương trình dành cho phụ huynh, học sinh THCS, THPT lẫn sinh viên đã ra trường, phát sóng lúc 20h ngày 17-18/5 trên các kênh Fanpage UEH, YouTube Channel UEH và Fanpage VnExpress.

Tọa đàm có sự đồng hành của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục và hướng nghiệp gồm: GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó giám đốc UEH, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP HCM. Ban tổ chức kỳ vọng giúp Gen Z, Gen Alpha hiểu bản thân, thị trường và hiểu cách các đại học đang đào tạo ngành, nghề, từ đó có lựa chọn phù hợp.

anh-dien-gia-1747304298-4443-1747376743.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FVVx292An1phpRPKWBS-VA

Diễn giả tại tọa đàm ngày 17-18/5, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (trái) và ông Lâm Nguyễn Hải Long. Ảnh: NVCC

Mở đầu chương trình, các chuyên gia trình bày ngắn gọn bức tranh tổng thể về nghề nghiệp tại Việt Nam lẫn thế giới; cơ hội nghề nghiệp rộng mở khi loạt công nghệ mới bùng nổ như Metaverse, Web3, AI, Blockchain, Big Data.

Tiếp đó, diễn giả nói về quan điểm công nghệ vị nhân sinh - tức công nghệ phải phục vụ người dân chứ không phải làm khó dễ; lý giải vì sao cùng một nghề, thu nhập mỗi người lại khác nhau?

Một trong những ý khiến khách mời tâm đắc là hiểu thế nào về làm công (khối Nhà nước) và tư (cá nhân, doanh nghiệp và định chế tài chính ngoài quốc doanh). Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, cho rằng nhờ công nghệ số, sự phân biệt giữa hai khối công - tư ngày càng mờ nhạt, thậm chí có xu hướng xích lại gần nhau, hòa làm một (trừ lĩnh vực đặc thù như an ninh, công an, quân đội).

Ông Hải Long chỉ ra khu vực công đang có sự cải cách, tinh gọn bộ máy. Một số thành phố lớn, sở ngành yêu cầu các chuyên viên phải ứng dụng AI trong soạn thảo văn bản, lập kế hoạch dựa trên công cụ số. Do đó, nhân sự khối công phải thích nghi mô hình kinh tế số mới. Tương tự, khối tư nhân cũng cần rèn kỹ năng này.

"Làm công hay tư cũng được, đều cần chú ý các tiêu chí sau: tạo giá trị cho bản thân; có môi trường học hỏi, ngày càng phát triển hơn; đúng mục tiêu, sở trường và định hướng của mình. Như vậy sẽ giúp các bạn có con đường rộng mở hơn", ông Hải Long cho hay.

image001-1747376467-8684-1747376744.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yuxxShjCjA6Dh9dH1D0EnQ

Chuỗi tọa đàm do Đại học Kinh tế TP HCM phối hợp thực hiện. Ảnh: UEH

Trước câu hỏi đào tạo lĩnh vực công - tư ở đại học như thế nào, GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc UEH, nhấn mạnh Đại học Kinh tế TP HCM đặt mục tiêu đào tạo những cá nhân thực học, thực tài - vừa có kiến thức sâu rộng, vừa nhiệt huyết, đề cao trách nhiệm xã hội để đóng góp cho cộng đồng, nền kinh tế, qua đó phát triển bản thân, học tập suốt đời.

Cấu trúc chương trình giảng dạy tại UEH khá đặc biệt, tích hợp những học phần, khối kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực ở cả khu vực công lẫn tư. Nói cách khác, đó là những công dân toàn cầu có đủ năng lực, tư duy để có thể đóng góp cho xã hội, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hiện đơn vị đào tạo theo ba phần chính: bộ kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường; thiết kế chương trình theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành và tính quốc tế trong nội dung đào tạo.

UEH cũng tích hợp AI vào đào tạo ngành kinh tế như mảng tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh lẫn ngành khoa học xã hội. Nhà trường cũng mở thêm chương trình ArtTech - giao thoa giữa công nghệ và nghệ thuật - nhằm cung cấp nhân lực tiềm năng cho thị trường lao động.

Thiên Hà

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022