Ghi nhận từ đề án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) cho thấy, mức học phí được áp dụng từ năm học 2022 - 2023 này, khối các trường Y dược đồng loạt tăng từ 10% đến hơn 70%. Mức học phí này được áp dụng theo Nghị định 81 (là nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí) của Chính phủ thực hiện từ năm 2022.

Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa chính thức công bố quyết định ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 các hệ đào tạo của trường. Trong đó nhiều ngành tăng 10% so với năm học trước như ngành Răng Hàm Mặt có mức học phí cao nhất lên tới 77 triệu đồng/năm học (năm 2021 là 70 triệu đồng).

Nếu Chính phủ chấp nhận đề xuất của Bộ GD&ĐT là sửa khung học phí trong Nghị định 81 thì học phí của các trường ĐH tự chủ cũng sẽ giảm so với đề án của các trường. Vì mức trần học phí của các trường tự chủ được căn cứ từ mức khung học phí trong Nghị định này.

Tuy nhiên, trong quyết định này cũng có một số ngành có mức thu giảm như các ngành thuộc khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học giảm còn 37 triệu đồng/năm học (năm ngoái 40 triệu đồng), ngành Phục hình răng 37 triệu đồng/năm học (năm ngoái 55 triệu đồng)…

Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM cũng vừa công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021-2023). Theo đó, học phí tất cả các ngành đều tăng 10%. Học phí ngành Y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm. Sinh viên ngành Răng Hàm Mặt đóng 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023.

photo-1-16582004978021164396595.jpg

Khung học phí mới sẽ tạo thêm gánh nặng lên sinh viên. Ảnh: Nghiêm Huê

Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm học với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, tăng 38% so với năm 2021. Tất cả ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học, tăng 46% so với năm trước. Đây là trường đã được tự chủ mức 1 từ năm 2021.

Ở khu vực phía Bắc, Trường ĐH Y Hà Nội cũng tăng học phí so với năm học 2021-2021, mức tăng cao nhất tăng 70%.

Bậc ĐH, mức thu cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 3,7 triệu đồng/tháng. Ở hệ đại trà, các ngành Răng Hàm Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng có mức thu 2,45 triệu đồng/tháng. Các ngành còn lại là Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng có mức học phí 1,85 triệu đồng/tháng. Trong khi học phí năm 2021 của trường đối với các ngành là 1,43 triệu đồng/tháng.

Mức tăng 70% được áp dụng chung trong nhóm ngành y khoa ở tất cả các trường ĐH y dược khu vực phía Bắc chưa tự chủ.

Đầu tháng 7, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cũng chính thức ban hành khung học phí mới áp dụng cho năm học 2022-2023. Mức học phí mới tăng cao so với mức thu năm học trước (1,43 triệu đồng/tháng). Còn Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội có mức học phí các ngành hệ chuẩn là 2,45 triệu đồng/tháng. Học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ chất lượng cao là 6 triệu đồng/tháng.

Trường ĐH Dược Hà Nội mức học phí mới áp dụng năm học mới. Với hệ đại trà các ngành Dược học 24,5 triệu đồng/năm học; ngành Hoá dược 18,5 triệu đồng; ngành Công nghệ sinh học 13,5 triệu đồng. Từ năm 2022, Trường ĐH Dược có thêm hệ chất lượng cao đối với ngành dược sĩ. Mức học phí của hệ này là 45 triệu đồng/năm học, cao gấp gần 2 lần năm nay và cao gấp hơn 300% so với học phí hệ đại trà năm 2021.

Lộ trình tăng học phí của Trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên cũng áp dụng từ năm học 2022-2023 với mức từ 1,85 - 2,45 triệu đồng/tháng.

Một số trường dự kiến giữ nguyên mức học phí như Trường ĐH Y Dược Cần Thơ có học phí là 24,5 triệu đồng/năm.

Bộ GD&ĐT đề xuất chưa áp dụng khung học phí mới

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023, trong đó điều chỉnh một số nội dung của Nghị định 81.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023 là để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời, giao Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định 81 làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023 - 2024 về các nội dung liên quan.

Trong các nội dung kiến nghị này bao gồm cả kiến nghị liên quan tới học phí ĐH, cụ thể: đối với giáo dục ĐH công lập, lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 1 năm. Năm học 2022 - 2023, mức học phí của cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021 - 2022. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ được giữ nguyên như Nghị định 81.

Như vậy, nếu đề xuất trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, các trường ĐH công lập chưa tự chủ sẽ chưa được áp dụng khung học phí mới (theo Nghị định 81) từ năm học 2022 - 2023. Học phí ĐH công lập năm học 2022 - 2023 vẫn sẽ cao hơn khung học phí năm học 2021 - 2022, nhưng mức cao hơn tối đa chỉ 15%, chứ không cao như khung học phí đã được quy định trong Nghị định 81.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022