- Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mấy ngày trước ông cho biết Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo sự thích nghi của học sinh với cách thi, phương pháp thi mới. Ủy ban đã nhận phản hồi thế nào, thưa ông?
- Đề thi THPT năm nay xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với cách tiếp cận mới đã mang đến những chuyển biến tích cực. Đề thi có xu hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng, liên hệ thực tiễn và mở rộng một số nội dung ngoài phạm vi sách giáo khoa. Điều này khiến nhiều học sinh cảm thấy đề khó hơn, thậm chí có phần "bất ngờ". Tuy nhiên, việc tăng cường đánh giá năng lực thay vì chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần là xu hướng tất yếu và cần thiết.
Phổ điểm vừa được công bố cho thấy đề thi đã phân loại thí sinh. Nếu không có sự phân loại rõ ràng và chính xác, các trường đại học sẽ gặp khó khăn rất lớn trong tuyển sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo đại học và nguồn nhân lực đầu ra.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo và sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, ý kiến đánh giá của các chuyên gia, sẽ có khuyến nghị. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu sâu rộng, lấy ý kiến đa chiều từ chuyên gia và xã hội để có cải tiến đề thi phù hợp. Cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp giám sát chặt chẽ để đảm bảo công bằng, minh bạch và nâng cao chất lượng hơn nữa của kỳ thi trong những năm tới.

Ông Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: Hoàng Phong
- Mô hình giáo dục hiện nay nặng về thi cử khiến học sinh phải học thuộc lòng, luyện thi máy móc, trong khi xã hội ngày càng đòi hỏi những năng lực cốt lõi như nắm bắt vấn đề, tư duy sáng tạo. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định này. Đó là thực trạng đã tồn tại dai dẳng nhiều năm mà chưa giải quyết được triệt để. Một trong những lý do cốt lõi là việc chúng ta vẫn đang đặt nặng mục tiêu thi cử, lấy kết quả thi làm trung tâm chi phối toàn bộ cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá trong nhà trường. Hệ quả là học sinh chỉ tập trung học thật nhiều để đạt điểm cao, còn nhiều giáo viên thì dạy theo hướng thiên về "luyện" để thi, chưa chú trọng nhiều đến sự phát triển tư duy sáng tạo của học sinh.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới phương thức dạy học thực chất, toàn diện hơn. Học sinh phải được phát triển năng lực thực sự, trang bị kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách, thay vì phấn đấu chỉ vì thành tích thi cử. Hoạt động thi - dạy - học cần được điều chỉnh hài hòa, chặt chẽ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
- Với nhiều năm công tác trong ngành sư phạm, theo ông, việc đổi mới nội dung thi cử cần gắn với những thay đổi gì trong cách giảng dạy ở nhà trường?
- Muốn đổi mới giáo dục thực chất và bền vững, điều đầu tiên là phải kiên định với các quan điểm đổi mới giáo dục và thực hiện hiệu quả, thực chất. Học không chỉ để thi, mà quan trọng là để tích lũy kiến thức, có phương pháp tiếp cận các vấn đề một cách logic, khoa học, để hoàn thiện nhân cách, có cách nhìn nhân văn về cuộc sống, yêu nước và vững vàng hội nhập quốc tế. Học tập cần gắn với cuộc sống, với sự phát triển cá nhân và đóng góp cho cộng đồng.
Trong chiến lược này, việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh cùng các ngoại ngữ khác là rất quan trọng, biến ngoại ngữ thành công cụ hữu hiệu để học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu, để thế hệ trẻ tự tin, vững vàng hội nhập quốc tế. Trong thời đại hiện nay, ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh, là công cụ rất quan trọng để giao tiếp hiệu quả trong các lĩnh vực, mang lại những lợi ích cho người dân và đất nước.
Tôi cho rằng ngành giáo dục cần tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa hoạt động học tập và ngoại khóa, giữa trang bị kiến thức và kỹ năng, giữa lý thuyết và thực hành, giữa phát triển cá nhân và trách nhiệm xã hội. Chương trình học và thời khóa biểu cũng cần đủ linh hoạt để phù hợp với sự đa dạng của người học, đặc thù vùng miền và những biến đổi không ngừng của xã hội, công nghệ.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc sắp xếp thời gian theo hướng buổi sáng học văn hóa, buổi chiều dành cho nghệ thuật, thể chất, kỹ năng mềm và các kiến thức bổ trợ khác. Đây không chỉ là giải pháp khả thi mà còn là hướng đi tất yếu để phát triển học sinh một cách toàn diện. Thực tế, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, từ năm học 2025-2026, toàn bộ học sinh tiểu học và THCS sẽ học hai buổi mỗi ngày miễn phí. Trong đó, buổi thứ hai dành cho hoạt động nghệ thuật, trải nghiệm sáng tạo, giáo dục đạo đức và kỹ năng xã hội - hình thành một mô hình nhà trường hiện đại, thân thiện, hiệu quả.
Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên nhiều phương diện, như ban hành quy định về thời lượng và nội dung các hoạt động ngoài giờ chính khóa; đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, phòng chức năng, sân bãi, thiết bị phục vụ các môn nghệ thuật và khoa học. Đối với buổi học thứ hai, ngành giáo dục cần xây dựng cơ chế linh hoạt để huy động các chuyên gia, nghệ nhân, vận động viên tham gia giảng dạy và hướng dẫn học sinh.
Cuối cùng, việc thay đổi nhận thức của phụ huynh và xã hội giữ vai trò then chốt. Cần xác lập quan điểm rằng các môn năng khiếu và kỹ năng mềm có ý nghĩa quan trọng không kém các môn văn hóa, góp phần hình thành những công dân toàn diện, hạnh phúc và thích ứng tốt với cuộc sống hiện đại.

Thí sinh TP HCM thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Quỳnh Trần
- Trong vai trò giám sát và kiến nghị chính sách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội sẽ thúc đẩy những giải pháp gì để giúp các trường học đổi mới cách dạy - học - thi thực chất, không chạy theo thành tích, không gây áp lực quá mức lên học sinh và giáo viên?
- Ủy ban Văn hóa và Xã hội sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm các địa phương và nhà trường triển khai đúng tinh thần đổi mới, tránh hình thức và bệnh thành tích. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, đặc biệt là các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Nhà giáo, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách chăm lo, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - yếu tố then chốt để bảo đảm chất lượng giáo dục thực chất.
Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các diễn đàn, tọa đàm với sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, phụ huynh nhằm lắng nghe ý kiến đa chiều, từ đó hình thành các kiến nghị chính sách sát thực tiễn, hướng tới một nền giáo dục vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của người học.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, tôi tin rằng trong thời gian tới, giáo dục - đào tạo nước ta sẽ có những chuyển biến tích cực, thực chất và bền vững.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội là một cơ quan của Quốc hội, có chức năng tham mưu, giúp Quốc hội về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thanh niên, nhi đồng, lao động, y tế, xã hội, tôn giáo. Cơ quan này được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Văn hóa - Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Viết Tuân