Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Trải nghiệm học tập đa điểm - Cơ hội ra thế giới cùng trường Đại học FPT", bà Nguyễn Hà Thành - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo vi mạch bán dẫn FSEHI cho biết, mô hình học tập đa điểm mở ra cơ hội trải nghiệm đa dạng cho sinh viên.

Với chiến lược "Go Global", trường Đại học FPT đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua mạng lưới hàng trăm trường đại học tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sinh viên có thể tham gia nhiều chương trình trải nghiệm quốc tế như học kỳ tiếng Anh tại nước ngoài (English 6 Overseas - 1 tháng), học kỳ trao đổi (Semester Abroad - 3 đến 6 tháng), các khóa học chuyên sâu (25-30 ngày), kỳ thực tập tại doanh nghiệp quốc tế (OJT Overseas - từ 2,5 đến 8 tháng) và các chương trình giao lưu văn hóa ngắn hạn (4-14 ngày).

Các chương trình này diễn ra tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines... Qua đó, sinh viên có cơ hội rèn luyện ngoại ngữ, làm quen với môi trường đa văn hóa, mở rộng tư duy toàn cầu và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

image001-1752648420-7023-1752648564.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kwNYLkTZRDkAQN6YdIvpEA

Sam Nguyễn - giảng viên trường Đại học FPT và bà Nguyễn Hà Thành - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Giám đốc Trung tâm Đào tạo vi mạch bán dẫn FSEHI (từ trái qua) chia sẻ trong chương trình. Ảnh: FPTU

Đại diện nhà trường cho biết các hoạt động quốc tế được thiết kế linh hoạt, không ảnh hưởng đến tiến độ học tập tại Việt Nam. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn có cơ hội gặp gỡ bạn bè quốc tế, trở thành "đại sứ văn hóa" góp phần quảng bá hình ảnh sinh viên Việt Nam năng động, tự tin ra thế giới. Đây có thể là bước đệm giúp sinh viên phát triển toàn diện và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Song song, với hệ thống 5 cơ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP HCM và Cần Thơ, trường Đại học FPT cho phép sinh viên đăng ký chuyển cơ sở (campus) qua hệ thống nội bộ, học tập và sinh sống tại nhiều địa phương trong suốt quá trình học, không bị bó hẹp trong một không gian cố định. Từ đó, các bạn có thể mở rộng hiểu biết về văn hóa, con người các vùng miền.

"Đây cũng là một cách đào tạo gắn liền với thực tiễn của nhà trường thay vì chỉ qua sách vở", bà Hà Thành chia sẻ.

image003-1752648421-1898-1752648564.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lVahSBVOYhCHIcO_N465Qg

Bà Nguyễn Hà Thành - đại diện trường Đại học FPT chia sẻ về mô hình "học đa điểm". Ảnh: FPTU

Sam Nguyễn - cựu sinh viên khóa 12 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số, hiện là giảng viên trường Đại học FPT, cũng từng học tập tại nhiều cơ sở trong nước và tham gia chương trình trao đổi quốc tế. Cô bắt đầu từ cơ sở TP HCM, sau đó trải nghiệm môi trường học tập tại Quy Nhơn, Hà Nội và tham gia học kỳ tiếng Anh kéo dài một tháng tại Malaysia. Mỗi điểm đến không chỉ mở ra không gian học tập mới, mà còn đặt ra nhiều thử thách, trong đó lớn nhất là khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa.

"Tiếng Anh thực tế không chỉ giới hạn ở giọng Anh - Mỹ hay Anh - Anh như ở trường. Khi ra nước ngoài, mình phải làm quen và thích nghi với tiếng Anh toàn cầu, nhờ đó, có thể linh hoạt hơn trong môi trường quốc tế", Sam chia sẻ.

Cô cho biết thêm, các chương trình trải nghiệm quốc tế giúp sinh viên cải thiện khả năng tiếng Anh, tạo cơ hội sử dụng ngôn ngữ này trong đời sống thực tế: từ đặt món ăn, hỏi đường, đi taxi cho đến mua vé tàu điện. Những tình huống đời thường ấy mang lại cảm giác sống động và hiệu quả hơn so với việc học ngữ pháp truyền thống. Việc vận dụng ngôn ngữ trong môi trường thực tế giúp cô hiểu sâu hơn về giao tiếp quốc tế và phát triển tư duy linh hoạt.

Nhờ hành trình học tập đa điểm và tiếp xúc quốc tế, hồ sơ cá nhân của Sam trở nên nổi bật hơn khi ứng tuyển học bổng, mở ra cơ hội học tiếp bậc Thạc sĩ tại trường Đại học Cheng Kung (Đài Loan, Trung Quốc) và phát triển sự nghiệp sau này.

image005-1752648421-6276-1752648564.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iwBy_JzTfv47gdtSF8Qqpg

Sam Nguyễn - cựu sinh viên khoá 12 chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số tại buổi giao lưu. Ảnh: FPTU

Đồng quan điểm, bà Hà Thành nhận định, mô hình học đa điểm mở rộng không gian học tập, đồng thời, định hình phong cách giáo dục đề cao tính chủ động và năng lực tự kiến tạo hành trình cá nhân của sinh viên. Trường đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ sinh viên từ những bước đầu như làm hộ chiếu, tư vấn chương trình trao đổi, chọn thời điểm ra nước ngoài, chuẩn bị hồ sơ thị thực... Tuy nhiên, sinh viên vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.

Triết lý này phản ánh định hướng giáo dục của trường Đại học FPT: "Giáo dục đào tạo là tổ chức và quản trị việc tự học của người học", khuyến khích phát triển tư duy phản biện và sáng tạo.

Trong lớp học, những giá trị này cũng được phát huy qua phương pháp lớp học đảo ngược (flipped classroom), nơi sinh viên tự nghiên cứu tại nhà và sử dụng thời gian trên lớp để thảo luận, giải quyết vấn đề. Đây cũng là phương pháp được nhiều giảng viên, trong đó có Sam Nguyễn, triển khai sau thời gian học tập và làm việc tại môi trường quốc tế.

image007-1752648421-8745-1752648564.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xgv-ZBw8JKSK7h3CoFEr5A

Sinh viên FPTU trên đường đi học tập tại nước ngoài. Ảnh: FPTU

Ngoài ra, theo các khách mời trong chương trình, mô hình học đa điểm còn mang lại sự linh hoạt về tài chính. Tùy vào điều kiện cá nhân, sinh viên có thể lựa chọn campus phù hợp với mức học phí và chi phí sinh hoạt. Ví dụ, cơ sở Quy Nhơn hay Cần Thơ có mức học phí thấp hơn so với Hà Nội, TP HCM. Trong khi đó, chất lượng giảng dạy, đội ngũ giảng viên và học liệu vẫn đảm bảo đồng bộ trong toàn hệ thống.

Nhiều bạn trẻ hay phụ huynh có thể băn khoăn liệu việc luân chuyển giữa các cơ sở có khiến sinh viên mất đi kết nối bạn bè và môi trường quen thuộc. Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, đây là cơ hội để mỗi cá nhân tích lũy trải nghiệm riêng và chia sẻ ngược lại với cộng đồng, tạo nên một hệ sinh thái "học tập cộng hưởng".

Nhật Lệ

Mã trường Đại học FPT: FPT Mã ngành của 24 chuyên ngành: - Công nghệ Thông tin (7480201): An toàn thông tin, Công nghệ ô tô số, Kỹ thuật phần mềm, Chuyển đổi số, Thiết kế mỹ thuật số, Thiết kế vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo. - Quản trị Kinh doanh (7340101): Công nghệ tài chính (Fintech), Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Tài chính doanh nghiệp, Ngân hàng số - Tài chính, Tài chính đầu tư. - Công nghệ Truyền thông (7320106): Quan hệ công chúng, Truyền thông đa phương tiện. - Ngôn ngữ: Anh (7220201), Trung - Anh (7220204), Hàn - Anh (7220210), Nhật - Anh (7220209). - Luật (7380101): Luật Kinh tế, Luật Thương mại quốc tế.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022