Cựu học sinh lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, không bất ngờ khi nhận email thông báo trúng tuyển từ trường, hồi giữa tháng 6. Theo công thức tính điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đức giành 1.600 điểm từ chứng chỉ SAT, cùng 80 điểm thưởng từ chứng chỉ IELTS. Đây cũng là mức điểm tối đa ở phương thức xét tuyển chứng chỉ quốc tế, với hơn 920 thí sinh tham gia.

"Em nhẹ nhõm, mừng vì không gặp trúc trắc gì trong quá trình nộp hồ sơ", Đức nhớ lại. "Ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo cũng là nguyện vọng duy nhất của em. Em mong phát huy thế mạnh về Toán và tiếng Anh".

SAT (Scholastic Assessment Test) là bài kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy logic, được nhiều đại học ở Mỹ nói riêng và trên thế giới dùng như một tiêu chí tuyển sinh. College Board, đơn vị sở hữu bài thi, cho biết từ 1.480/1.600, thí sinh được xếp vào nhóm 1% điểm cao nhất thế giới. Trong hàng nghìn đại học Mỹ, 12 trường có mức điểm SAT trung bình của tân sinh viên trên 1.500.

Với bài thi IELTS, theo nhiều thống kê, khoảng 3% trong hàng triệu lượt thi trên thế giới mỗi năm đạt mức điểm 8.0.

HEO-9904-1-1953-1720583016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fZGPT_tI8zNkTSz0VNViqA

Vũ Bảo Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bảo Đức nhìn nhận niềm vui học Toán và tiếng Anh đến rất tự nhiên. Hồi lớp 8, Đức được mẹ cho học thử lớp Toán chuyên do thầy cô trường Nguyễn Huệ dạy, đều đặn 2 buổi mỗi tuần. Kiến thức nặng khiến Đức khá bất ngờ, nhưng nam sinh dần theo được, càng học càng thích.

"Mỗi lần làm ra đáp án, em vui lắm, cảm giác như đạt một thành tựu tri thức nho nhỏ", Đức nói.

Nam sinh cũng thích Toán vì môn học này giúp rèn tính kiên nhẫn. Đức kể có những bài toán phức tạp, phải suy nghĩ lâu, thậm chí mất cả ngày để ra kết quả. Những lúc như vậy, em không bỏ cuộc, nhưng cho phép bản thân có những khoảng nghỉ ngắn, lấy sức "chinh phục" tiếp.

Với tiếng Anh, Đức không coi đây là một môn học, mà là công cụ để tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn. Để chuẩn bị cho chuyên ngành đại học, Đức tự học ngôn ngữ lập trình java, sử dụng các nguồn tài liệu viết bằng tiếng Anh trên mạng. Nam sinh chọn học java đầu tiên vì nhận thấy ngôn ngữ này có cách tổ chức dữ liệu căn bản, có thể phát triển và ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.

Cũng nhờ tiếng Anh, Bảo Đức học được kỹ năng viết, từ các tác giả kinh điển như Jane Austen, Emily Brontë, Frances H Burnett...

"Cách dùng từ tài tình, sự châm biếm sâu sắc khiến em thích thú, nghiền ngẫm và ảnh hưởng từ cách viết của họ", Đức nói.

Hiểu thế mạnh của mình, nam sinh từng nghĩ đến du học ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Hứng thú đi châu Âu, nhưng các nước này không cấp nhiều học bổng cho bậc cử nhân nên Đức quyết định vào đại học trong nước. Biết Đại học Bách Khoa Hà Nội có chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nên đăng ký xét tuyển theo phương thức dùng chứng chỉ quốc tế.

Nam sinh thi IELTS trước, vào đầu năm lớp 11. Đức nhớ đã rất run khi thi kỹ năng Nói, đôi chỗ bị vấp và đạt điểm thấp hơn kỳ vọng. Dù vậy, với điểm trung bình 8.0, Đức tin tưởng về cơ hội vào trường.

Cuối năm học, Đức dồn sức ôn thi SAT. Nam sinh đánh giá bài thi này không dễ, nhưng ôn thi rất vui vì học được cách phát triển tư duy, đặc biệt ở kỹ năng phân tích dữ liệu. Cả phần Đọc - Viết và Toán đều có những câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định dữ liệu quan trọng, từ đó chọn đáp án đúng.

"Đây là kỹ năng em thấy cần thiết nhưng chưa được chú trọng trong chương trình học của Việt Nam", Đức nhìn nhận.

Ngoài hai chứng chỉ quốc tế, thí sinh cần nộp một thư tự giới thiệu viết bằng tiếng Anh. Không có người hướng dẫn, Đức mất nhiều thời gian suy nghĩ. Nam sinh viết về bản thân, định hướng tương lai và những việc đã làm để chuẩn bị cho tương lai đó. Tất cả gói gọn trong hai trang A4.

"Vũ nghĩa là mưa. Mưa có thể nhẹ nhàng như mưa bóng mây, nhưng cũng có thể xối xả, đổ trời đổ đất. Em muốn mình cũng linh hoạt và có ảnh hưởng lớn như vậy", nam sinh mở đầu.

Đức chia sẻ để ứng tuyển vào ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, em lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm ngặt. Em thức dậy lúc 5 giờ sáng và dành một tiếng tự học. Nội dung có thể là ôn SAT, IELTS, hay làm bài tập toán chuyên, viết code. Sau khi ăn sáng và vệ sinh cá nhân, Đức đi học, tận dụng 30 phút ngồi xe buýt để đọc sách. Buổi tối, nam sinh ngồi vào bàn học từ 7h30, tập trung hai tiếng để tổng hợp và phân loại kiến thức, rồi ghi chép vào vở những nội dung đã học trên lớp.

"Em dậy sớm, ngủ sớm nên học nhiều nhưng không bị hại sức khỏe", nam sinh nói, cho biết có thói quen ngủ lúc 10 giờ và ít sử dụng mạng xã hội.

d9de23fb-a8f0-496b-8262-588c1f-1797-4357-1720583016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zzGiXxY5_suS3TCD1Tr4bw

Bảo Đức phát biểu trong Ngày hội "Chào các Idol xét tuyển tài năng 2024 - Gặp để yêu hơn" ở Đại học Bách khoa Hà Nội, hôm 7/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày 7/7, Bảo Đức đại diện hơn 2.000 sinh viên trúng tuyển sớm, phát biểu trong Ngày hội Chào các Idol xét tuyển tài năng 2024 - Gặp để yêu hơn, diễn ra ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài chia sẻ quãng thời gian ôn thi vất vả và đáng nhớ, Đức khẳng định sẽ quyết tâm vượt qua thử thách của "kiến thức mới, cách học mới, môi trường mới" ở đại học.

Nam sinh nói sẽ dành 4 năm tới để khám phá và phát triển bản thân, trước khi quyết định đi theo hướng thực hành hay nghiên cứu. Song song đó, nam sinh học tiếp tiếng Đức, chơi một số môn thể thao như cầu lông.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022