Nhiều cha mẹ ngày nay không biết giáo dục con như nào. Nói nặng lời thì sợ con nhạy cảm, phản ứng quá khích. Không nói thì sợ con hư đốn, bất trị. Tuy nhiên trong cuộc sống, con người không thể lúc nào cũng nghe những lời đường mật. Những lời phê bình dù có khắc nghiệt nhưng cũng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Điều cha mẹ cần làm, không phải là tránh né việc phê bình con mà cần biết cái gì thì cần phê bình và phê bình như thế nào.

1. Phê bình rõ ràng, mô tả và chỉ cho con cách sửa sai

Nhiều bậc cha mẹ từng học cách khen con sao cho đúng. Đó là không khen chung chung, mà khen chi tiết, không khen "con thông minh quá" mà phải khen "con nỗ lực ra sao",... Việc phê bình con cũng như vậy. Cha mẹ cần đi vào chi tiết.

Chúng ta cần phê bình rõ trẻ đã mắc lỗi gì chứ không phải chỉ chăm chăm dùng những lời lẽ tiêu cực để thóa mạ, quát mắng, "dán nhãn" trẻ. Chẳng hạn, thay vì phê bình trẻ "Con đi học mà ngồi nói chuyện, cười đùa với bạn bè, không tập trung nghe cô giáo giảng là sai. Nhiệm vụ của học sinh trên lớp là cần tập trung vào việc học. Nếu cần nói chuyện vui, con có thể nói vào giờ ra chơi", thì nhiều phụ huynh lại quát tháo "Sao mà hư đốn thế, không ra gì, không ngoan ngoãn được bằng 1 phần con người ta",...

photo-1-1692888789099993779281.jpg

Ảnh minh họa.

Trong nhiều trường hợp, không phải trẻ không thể chịu đựng được những lời chỉ trích, phê bình của cha mẹ mà vì hệ thống tự đánh giá của chúng còn non nớt. Nếu sự đánh giá bên ngoài - tức là những lời nói của cha mẹ quá "xấu tính" thì trẻ sẽ không thể chịu đựng được.

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, thái độ của người phê bình sẽ quyết định liệu ngôn ngữ của anh ta có hiệu quả hay không. Chỉ khi đủ bình tĩnh, bạn mới có thể đảm bảo tính khách quan và công bằng khi phê bình người khác. Nếu bớt lên án và tiêu cực, bạn sẽ thấy những lời nói của mình mang lại hiệu quả không ngờ.

Chính vì vậy, cha mẹ cần chỉ rõ trẻ đã làm sai những gì và giúp trẻ sửa chữa lỗi sai. Hãy giúp trẻ hiểu rằng lỗi lầm không có gì nghiêm trọng và việc phê bình chỉ nhằm giúp trẻ hiểu được lỗi lầm.

2. Phê bình một cách thích hợp, đừng cố làm trẻ phải xấu hổ

Khi trẻ mắc lỗi, nhiều bậc cha mẹ cố gắng làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ, mục đích để trẻ ghi nhớ hơn. Chẳng hạn, nhiều người cố tình quát con ở nơi công cộng, để người qua đường trông thấy, con sẽ xấu hổ, sợ mà không dám mắc lỗi nữa.

Thật sự, kiểu phê bình này chẳng khiến trẻ sửa chữa được lỗi lầm mà chỉ khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Cha mẹ cần biết rằng, có sự khác biệt giữa cảm giác tội lỗi và sự xấu hổ. Tội lỗi liên quan đến hành vi, trong khi đó sự xấu hổ liên quan đến con người. Cảm giác tội lỗi phản ánh phản ứng của trẻ trước những gì trẻ đã làm hoặc không làm; sự xấu hổ ảnh hưởng đến sự tự đánh giá của trẻ.

Nói một cách đơn giản, những lời phê bình của cha mẹ có khiến trẻ nhận ra rằng mình đã làm sai và bắt đầu cảm thấy tội lỗi, suy ngẫm về điều đó hay không? Hay chúng ta chỉ khiến trẻ cảm thấy mình là một người rất xấu?

Sự xấu hổ chỉ khiến trẻ tự coi thường mình. Để trẻ thực sự nhận ra lỗi lầm, cha mẹ phải biết hướng dẫn trẻ nhận thức hành vi đó là sai, nó ảnh hưởng đến người khác như thế nào và gây ra hậu quả gì, để trẻ có thể phán đoán được hành vi đó là tốt hay xấu. Và quan trọng, cha mẹ cần lựa chọn thời điểm, địa điểm thích hợp để phê bình, chỉ ra cho trẻ cái sai, không phải nhằm lúc đông người để to tiếng, "hạ bệ" trẻ.

Chỉ khi một đứa trẻ nhận ra lỗi lầm từ tận đáy lòng mình thì nó mới thực sự trưởng thành.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022