10 năm chưa đánh giá được hiệu quả

Xuất phát từ vụ việc bát nháo ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012, năm 2013 Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung quy định: “Các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác”.

Bộ GD&ĐT lý giải quy định này nhằm phát hiện những hành vi gian lận, sai trái trong thi cử để gửi cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau 10 năm Bộ GD&ĐT chưa hề đánh giá tác động của quy định nói trên trong việc phòng ngừa gian lận trong thi cử.

Ngay cả lực lượng công an cũng có thể phải triển khai thiết bị chuyên dụng mới đánh giá được một thiết bị có chức năng phát sóng hay không. Chưa kể một số thiết bị ban đầu không có chức năng phát sóng, nhưng tội phạm lại dễ dàng tích hợp các phần mềm phát sóng.

Có một thực tế là năm nào trước kỳ thi, các ý kiến từ cơ sở làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi cũng tỏ ra băn khoăn là cán bộ và giám thị khó có thể kiểm tra được hết những thiết bị thí sinh được mang vào có đảm bảo không phát tín hiệu âm thanh, hình ảnh ra bên ngoài khi thí sinh đang làm bài thi hay không. Nếu hội đồng thi không xác định rõ nguồn gốc, các chức năng của thiết bị ghi âm, ghi hình này có thể sẽ làm gia tăng gian lận như truyền tải đề thi ra bên ngoài, thầy cô dễ vi phạm quy chế vì không hiểu biết rộng về công nghệ có bị kỷ luật khi thanh tra phát hiện ra không. Do vậy, rất nhiều hội đồng thi thống nhất chặn mọi thiết bị mà họ không thể kiểm soát được tính năng.

Mới đây nhất, tại hội nghị trực tuyến về công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất bỏ quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi để hạn chế vi phạm.

Chống gian lận không phải trách nhiệm của thí sinh

photo-1-1675305902588243698131.jpg

Theo dự thảo mới, thí sinh không được mang thiết bị ghi âm/ghi hình vào phòng thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Như Ý

Trong bối cảnh thiết bị ghi, thu, phát tín hiệu ngày càng hiện đại việc kiểm tra thí sinh mang và sử dụng ngày càng khó khăn. Ghi nhận cho thấy những năm gần đây, tuy giám thị coi thi đã được tập huấn kỹ để siết chặt việc gian lận thi cử nhưng vẫn có những trường hợp “lọt lưới” như vụ việc nhờ giải đề thi Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Đà Nẵng và năm 2021 tại Quảng Bình.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải nói rằng: “Nhiệm vụ của thí sinh khi vào phòng thi là làm bài; không nên đặt lên vai họ trách nhiệm chống gian lận thi cử. Việc chống gian lận thi cử là của Hội đồng thi, trong đó cụ thể là giám thị coi thi nên cần nâng cao năng lực của đội ngũ này”.

Ghi nhận cho thấy, quy định cho thí sinh được mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi có hiệu lực 10 năm nhưng chưa có vụ việc gian lận thi cử nào được phát hiện nhờ quy định này. Vụ gian lận thi cử nghiêm trọng xảy ra tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình năm 2018 được phát hiện thông qua đối sánh phổ điểm các môn thi. Các vụ việc gian lận khác được phát hiện qua sự nắm bắt thông tin từ mạng xã hội.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022