Để vào được những ngôi trường Đại học top đầu tất nhiên sinh viên phải tài năng, sở hữu hàng loạt thành tích nổi bật. Tuy nhiên, ngoài chuyện học vấn, điểm số, các giáo sư nổi tiếng giảng dạy lĩnh vực Khoa học, Kinh doanh, Kỹ thuật, Tâm lý,… đến từ các trường Đại học danh giá như: ĐH Harvard, ĐH Stanford, ĐH Thanh Hoa,… đã chỉ ra 3 kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần phải trau dồi.
Nếu sở hữu 3 kỹ năng này thì sinh viên có thể học tập và làm việc tốt ở bất kỳ môi trường nào.
1. Kỹ năng viết tốt
Thẳng thắn chia sẻ, viết là 1 kỹ năng rất khó đối với nhiều sinh viên. Trước 1 bài luận hay 1 đề tài/dự án được giao, nhiều em "cắn bút" cả buổi không viết được 1 chữ. Các em chia sẻ bản thân ghét việc viết bởi không có ý tưởng, không tư duy được vấn đề.
Tình trạng này trở nên phổ biến bởi những ngày thường, sinh viên rất lười viết. Hoặc các em chỉ ghi chép lại lời của giảng viên, không chú trọng mở rộng vấn đề. Nghĩa là các em hoàn toàn không có chính kiến, quan điểm riêng mà chỉ học tập theo cách thụ động.
Giáo sư Jonathan Casey - trường Đại học Kỹ thuật Vanderbilt
Nhiều giảng viên khi chấm bài luận của sinh viên chỉ biết "than trời" bởi kỹ năng viết của các em… quá kém! Các em cần phải trau dồi kiến thức xã hội, cách trình bày quan điểm, khả năng lập luận vấn đề và sự logic nhiều hơn nữa. Để viết tốt, sinh viên nên chăm chỉ đọc nhiều sách và hình thành cho mình tư duy phản biện.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Jonathan Casey - trường Đại học Kỹ thuật Vanderbilt (ngôi trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Hoa Kỳ) cho biết: "Nếu bạn muốn viết tốt, trước tiên bạn phải đọc nhiều sách. Một người đọc 50 cuốn sách chắc chắn sẽ có kỹ năng viết tốt hơn người chỉ đọc 2 cuốn".
2. Kỹ năng đặt câu hỏi và tư duy phản biện
Một số giảng viên chỉ ra sinh viên cần năng động và tích cực hơn trong việc học tập trên lớp, thay vì tiếp thu kiến thức thụ động. Các em cần rèn cho mình khả năng đặt câu hỏi, lập luận chứng minh quan điểm của mình hoặc bác bỏ ý kiến chưa chính xác của người khác. Giảng viên cho rằng, điểm kiểm tra thông thường không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá hiệu quả học tập, mà điều quan trọng hơn là khả năng tư duy.
Giáo sư Tâm lý Johnson (Đại học Stanford) từng chia sẻ: "Trong học tập, bạn cần liên tục đổi mới tư duy và giảng viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn. Để làm được điều này, bạn cần có tầm nhìn xa, sự nhạy bén để đặt ra các câu hỏi đắt giá, thay vì đưa ra những ý tưởng mà người khác đã trình bày".
Hay một giáo sư giảng dạy tại Đại học New York bày tỏ ý kiến: "Sinh viên rất giỏi học thuộc lòng những điều có sẵn nhưng không biết cách phân tích, lập luận, trình bày ý kiến".
Tại sao kỹ năng đặt câu hỏi và tư duy phản biện lại quan trọng như vậy? Bởi để đặt được câu hỏi, chúng ta phải mất thời gian tư duy và nghĩ cách diễn đạt đảm bảo sự rõ ràng, mạch lạc, hợp lý. Điều này giúp hình thành suy nghĩ sâu sắc, vốn hiểu biết trở nên phong phú. Còn khi không chịu tư duy đặt câu hỏi và phản biện, bạn sẽ chỉ có khối kiến thức hời hợt.
Bên cạnh đó, việc tư duy để phản biện còn đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp xã hội. Trước hết, điều này giúp cả 2 bên nhanh chóng tìm ra điểm chung để có thể hợp tác. Tiếp đến là giúp bạn kiểm soát tốt hướng phát triển của chủ đề đang thảo luận. Thực tế, không ít sinh viên khó tham gia được vào cuộc thảo luận bởi không biết cách đặt câu hỏi và phản biện.
3. Kỹ năng diễn đạt và giao tiếp tốt
Giáo sư Levine giảng dạy tại Đại học Pennsylvania (nước Mỹ) từng phàn nàn: "Trong mỗi lớp sẽ luôn tồn tại một nhóm học sinh 'thầm lặng': Không nói chuyện, không trao đổi, không phát biểu. Vì thế, đôi khi tôi không hiểu sinh viên của mình có hiểu những gì tôi đang giảng không?".
Đem thắc mắc trên đi hỏi sinh viên, vị giáo sư đã nhận được câu trả lời: "Các em ngay từ nhỏ đã được cha mẹ dặn cần giữ trật tự trong lớp. Và lời thầy cô giảng đều đúng, không có gì phải bàn cãi". Một số sinh viên khác thì thấy xấu hổ, ngượng ngùng khi phát biểu bởi có câu trả lời khác so với những người khác.
Ông David Li Daokui - giáo sư tại Đại học Thanh Hoa
Tuy nhiên, sinh viên không biết rằng, chỉ bằng cách nói ra những điều đang suy nghĩ mới có thể tìm ra phương án giải quyết ổn thỏa.
Ông David Li Daokui - giáo sư tại Đại học Thanh Hoa từng bật mí phương pháp giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp như sau: "Tôi đã nói với sinh viên rằng, khi các em trình bày, không ai mong đợi hay yêu cầu ý tưởng/giải pháp đó phải hoàn hảo. Vì thế, em không cần xấu hổ hay tự ti. Hãy mạnh dạn nói ra quan điểm riêng để cùng nhau góp ý giúp hoàn thiện hơn! Đó là không phải là điều tốt hay sao? Ngoài ra, việc mạnh dạn phát biểu còn giúp các em trở nên tự tin, mở ra nhiều cơ hội mới và giúp gắn kết mọi người với nhau".